Tác phẩm mới

Ghi chép ở làng Uy Viễn

Từ những Ghi chép ở làng Uy Viễn (NXB Nghệ An, 2021) quê hương Nguyễn Công Trứ (nay thuộc thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh), nhà văn Đặng Thanh Quê đã mở ra một cuộc đời rộng lớn gian truân và tài hoa của một nhà thơ, một người làm quan lắm tài nhiều tật, lắm công nhiều tội, vừa nhìn xa rộng về kinh tế vừa thiển cận trong đề xuất nhân sự, ham việc lẫn ham vui, thẳng thắn lắm mà chủ quan cũng lắm.

Ghi chép ở làng Uy Viễn

Trong cách đối xử với Nguyễn Công Trứ, các vua triều Nguyễn nhìn chung rất công tâm, có công thì thưởng, có tội thì phạt và cũng rất nhân văn. Khi đã nghỉ việc quan, Nguyễn Công Trứ vẫn nhiều lần được vua ban cho tiền, bạc… Cuối đời, "được vua ban 25 lạng bạc mừng thọ 80 tuổi, Cụ về Uy Viễn làm một ngôi nhà tranh tre nứa tại khu đất heo hút cuối làng, đường vào nhà phải đi trên bờ ruộng hẹp".

Nhà văn Đặng Thanh Quê, hội viên Hội Văn học nghệ thuật, tỉnh Hà Tĩnh đã bám sát gia phả dòng họ Nguyễn Công, tìm bằng được hậu duệ lớn tuổi và tỉnh táo nhất của Nguyễn Công Trứ, khai thác triệt để các nhân chứng ít ỏi còn lại của thời kỳ trước, đối sánh chuyện điền dã với các công trình đã công bố của các học giả và giới nghiên cứu lịch sử; đối chiếu cả với Mộc bản, Châu bản và pho sử của Quốc sử quán triều Nguyễn, so sánh chọn lọc từ gia phả các dòng họ liên quan đến Nguyễn Công Trứ. Nhờ đó, tuy mang tính ghi chép điền dã nhưng những thông tin cuốn sách mang lại rất chính xác về lịch sử, lý thú về câu chuyện và chi tiết. Có những tình tiết thú vị chưa được nhắc đến trong sử sách, như: tấm bia bị đục hết chữ ở nơi cụ Thượng Trứ tạm trú ba năm gần chùa Cảm Sơn, sự đề phòng của dòng họ Nguyễn Công do lo sợ bị hậu duệ Phan Bá Vành từ Thái Bình vào trả thù, nơi chôn cất mộ phần cụ Thượng Trứ được giữ bí mật…

Người viết sách cũng kịp thời gặp những người Nho học còn lại của thời khoa cử phong kiến và am hiểu lịch sử địa phương. Trong số đó, một nhân chứng kể: Tuy là dòng dõi trâm anh thế phiệt nhưng đã bị thất thế cho nên nhà Nho Củng (tên tục của Nguyễn Công Trứ) lúc chưa đỗ đạt thì nghèo nhất xã Uy Viễn. Sau khi đỗ Đầu xứ tại kỳ khảo thí tại Nghệ An (thí sinh hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng thi), Nho Củng tiếp tục cày thuê, cuốc mướn kiếm cơm gạo phụ giúp gia đình và chờ đợi sắc chỉ mở khóa thi Hương của nhà vua. Sách cũng cho biết: Chị Minh (vợ cả của Nguyễn Công Trứ) và bà Phan (mẹ ruột) thay nhau đòn gánh đè vai, chạy chợ Giang Đình, chợ Đạm, chợ Bơ,… mua rồi bán từ mớ rau, gói bánh đến đồ vàng mã, hoa quả. Khổ như vậy cho nên Nho Củng quyết tâm đỗ đạt: Tất do thiên, âu phận ấy là thường/ Hữu kỳ đức, ắt trời kia chẳng phụ. Và năm 41 tuổi, ông đỗ Giải nguyên tại Trường thi Nghệ An, bắt đầu xa nhà để làm quan, và cũng bắt đầu hoạn lộ gập ghềnh đa vinh đa nhục của mình.

Qua những câu chuyện và tình tiết được kể khá chọn lọc, người đọc có thể hình dung ra anh Nho Củng khi chưa đỗ đạt là một thanh niên nghịch ngợm, bạo gan (dám xin yết kiến Vua Gia Long đang dừng chân nghỉ trên đường ra bắc phủ dụ dân chúng)… nhưng cũng có chí học hành, xác định thi đỗ để làm quan là con đường duy nhất thoát nghèo. Lại có thể hình dung được một cụ Thượng Trứ đã ngoài 70, trở lại tay trắng, nhưng vẫn ham chơi, ở nhờ ngôi chùa Cảm Sơn trên núi Nài nhưng vẫn tổ chức hát xướng, ca trù, "tiếng trống phách nhiều lúc át cả tiếng gõ mõ tụng kinh trong chùa". Tuy dòng tộc ly tán khắp nơi, nhưng nhiều con cháu của Nguyễn Công Trứ đã trở thành người thành đạt và đóng góp cho đất nước.