Nhà báo Nguyễn Mỹ Trà:

Chụp ảnh Trường Sa bằng cả trái tim người ở đất liền

NDO -

NDĐT – Mới chỉ đi Trường Sa một chuyến, nhưng nhà báo Mỹ Trà (VOV) đã có tới hai triển lãm ảnh về Trường Sa, và mới đây chị còn ra mắt cuốn sách ảnh “Trường Sa – Nơi ta đến” bao gồm những tác phẩm được chụp bằng trọn vẹn tình yêu với vùng biển tiền tiêu Tổ quốc này. Sách do NXB Kim Đồng ấn hành, song ngữ Việt-Anh.

Diệu kỳ Trường Sa.
Diệu kỳ Trường Sa.

Gần 150 tấm ảnh được lựa chọn từ hàng trăm, hàng nghìn bức ảnh trong chuyến đi công tác Trường Sa 10 ngày của Nguyễn Mỹ Trà được lựa chọn đưa vào cuốn sách. Cuốn sách ảnh được chia làm năm phần, với những nội dung khác nhau như “Thao thức Trường Sa”, “Vẻ đẹp Trường Sa”, “Quê em - Trường Sa”, “Nhà giàn DK1” và “Trường Sa – Nơi ta đến”. Mỗi phần là những câu chuyện nho nhỏ đi cùng với những bức ảnh, có thể chỉ là một gợn sóng đuôi tàu, một ảnh bình minh rực rỡ phía chân trời, một ánh đèn Gạc Ma nhức nhối trong đêm, một nhành cây trong lon thiếc, một đóa hoa bàng vuông nở trong đêm, cá biển và san hô…, và tất nhiên, không thể thiếu khung cảnh cùng con người ở Trường Sa… Những câu chuyện nhỏ, những hình ảnh được chụp lên tuyệt đẹp qua con mắt nhìn đầy nữ tính của nữ nhà báo lần đầu ra với Trường Sa, không chỉ được chụp bằng mắt nhìn máy ảnh, mà còn được chụp bằng tình yêu vô bờ của cả trái tim.

Chụp ảnh Trường Sa bằng cả trái tim người ở đất liền ảnh 1

Tác giả Mỹ Trà (ngoài cùng bên trái) hát khúc ca về Trường Sa trong ngày ra mắt cuốn sách.

Chuyến đi Trường Sa là chuyến vô cùng đáng nhớ đối với tác giả. Bị ốm trước chuyến đi, cho nên Trà bị say sóng nặng hơn những người khác. Nhưng bất chấp những cơn say đến nằm vật ra không mở mắt nổi, chỉ nhấm được chút xíu miếng cháy cơm mà hoa hậu Nguyễn Thị Huyền đi cùng đoàn mang cho, nhưng Mỹ Trà không bỏ lỡ một khoảnh khắc nào để chớp máy. Chị sợ nếu chậm tay, sẽ bị nhỡ mất một khoảnh khắc nào đó không bao giờ có lại được. Chính vì thế, những khoảnh khắc chị ghi lại được đều là những hình ảnh vô giá: một chiếc cầu vồng sau cơn mưa bay qua đỉnh ngọn hải đăng nối liền con tàu với đảo, một chú chó nằm dài trên mép đảo nhìn về phía chân trời, một nụ cười cương trực lấp lánh trên khuôn mặt sạm đen của người chiến sĩ, một ánh nhìn vời vợi về phía chân mây, nơi đó là đất liền, phút giây bình yên của người lính đảo bên bạn gái… Và không thể thiếu những khuôn mặt, những nụ cười trẻ thơ được trang trọng đặt ở một phần riêng trong cuốn sách, như sự khẳng định về một sức sống mãnh liệt và tươi xanh trên vùng đất máu thịt của Tổ quốc này.

Cho đến bây giờ, những ký ức ấy vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí nữ tác giả. Chị chia sẻ: “Tôi đã mang theo cơ hội của biết bao nhiêu người muốn ra Trường Sa mà không được, cho nên tôi đã tranh thủ từng khoảnh khắc, kể cả lúc mình đang say sóng, để ghi lại tất cả những gì mình nhìn thấy. “Trường Sa – Nơi ta đến” không phải là cuốn sách đọc nhanh, và mặc dù là sách ảnh nhưng lại có rất nhiều chữ. Đó là tất cả những gì tôi biết được về Trường Sa và muốn chia sẻ cùng những người chưa có cơ hội đặt chân lên quần đảo này”.

Chụp ảnh Trường Sa bằng cả trái tim người ở đất liền ảnh 2

150 ảnh, có những bức đẹp xuất thần, nhưng cũng có những tấm ảnh mà chính tác giả tự nhận là “còn thua kém so với rất nhiều người từng chụp tương tự”, nhưng chị vẫn chọn in trong sách bởi những tình cảm đặc biệt của mình nằm trong bức ảnh đó (hoa bàng vuông). Mỹ Trà kể: “Thời gian tôi đi, Trường Sa mất mùa hoa bàng vuông. Đi mấy đảo liền đều không gặp. Đến khi quay trở lại đảo Trường Sa lớn, lúc đó là buổi tối, tôi nghe một chị đi cùng gọi gấp gáp. Trời tối, tôi mò mẫm tìm đến chỗ chị đứng, và vô cùng ngạc nhiên khi thấy bông hoa bàng vuông nở kiêu hãnh trên cao. Tối hôm đó, các anh chị em đi trong đoàn đã cùng nhau soi điện thoại để cho tôi bắc ghế lên chụp. Rất khó khăn vì trời tối đen như mực, không thể lấy nét nổi. Khi chọn ảnh, các nghệ sĩ nhiếp ảnh kỳ cựu đều loại tấm này ra, nhưng tôi kiên quyết giữ lại, vì đó là tấm ảnh mà mọi người đã dồn tình cảm của mình cho tôi”.

Chính những người lính hải quân đã dành cho cuốn sách những lời nhận xét đầy trân trọng. Chuẩn đô đốc Phạm Văn Vững, Chủ nhiệm chính trị, Hải quân Nhân dân Việt Nam chia sẻ: “Bộ ảnh này của nhà báo Nguyễn Mỹ Trà không chỉ là những khuôn hình đẹp về cảnh vật, thiên nhiên giàu có, phong phú của biển đảo Việt Nam, mà còn khắc họa chân thực cuộc sống, sinh hoạt, học tập, công tác của quân dân huyện đảo Trường Sa và cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1. Đặc biệt, tác giả đã ghi lại được nhiều hình ảnh tươi mới, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ nét sức sống trường tồn, tinh thần lạc quan, khát vọng, ý chí quyết tâm của bộ đội hải quân cùng nhân dân và các lực lượng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”. Còn chiến sĩ Tống Văn Tùng, Trung úy Lữ đoàn 146 nhận xét: “Chị Mỹ Trà là người đi biển không nhiều lắm, mỗi chuyến đi công tác chỉ vẹn vẹn mười ngày, nhưng đã chụp được những khoảnh khắc rất đời thường, rất bình dị, phản ánh được đời sống của quân dân và cán bộ trên đảo”.

“Trường Sa – Nơi ta đến” là cách mà Mỹ Trà “nhìn” Trường Sa hộ những người ở đất liền, nhưng cũng là cách mà tác giả gửi gắm tình yêu, rất nhiều tình yêu đến quần đảo thân yêu của Tổ quốc.