Ấn tượng vở kịch hát “Nợ nước non”

Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2022), 111 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2022), Nhà hát Cải lương Việt Nam phối hợp Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ ra mắt vở kịch hát “Nợ nước non”. Vở diễn đã thể hiện chân thực, sinh động hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều dấu ấn sáng tạo.

Một cảnh trong vở kịch hát “Nợ nước non”.
Một cảnh trong vở kịch hát “Nợ nước non”.

Vở kịch hát được đạo diễn, TS, NSND Triệu Trung Kiên dàn dựng dựa trên tiểu thuyết cùng tên của tác giả PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ. Tác giả cho biết, tên gọi “Nợ nước non” xuất phát từ lời bài ca mà bà Hoàng Thị Loan-mẹ của Bác Hồ vẫn thường hát ru cho các con nghe: “Con ơi nhớ lấy câu này/ Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm/ Làm người đói sạch, rách thơm/ Công danh là nợ nước non phải đền”. Đây là vở diễn đầu tiên trong ba vở diễn dựa trên bộ tiểu thuyết sử thi gồm ba tập mang tên “Nước non vạn dặm”, tái hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những năm tháng thiếu thời đến khi Người ra đi tìm đường cứu nước.

Xây dựng tác phẩm nghệ thuật về Bác-vị lãnh tụ thiên tài luôn sống mãi trong trái tim mọi người con đất Việt vốn là điều không đơn giản, nhất là khi trước đó đã có hàng trăm tác phẩm, vở diễn đạt được những thành công nhất định khi thể hiện hình tượng Người. Làm thế nào tìm ra cách tiếp cận vừa mới mẻ, vừa có sức lay động người xem là thách thức lớn.

Và để chinh phục thách thức này, tác giả cùng ê-kíp nghệ thuật của “Nợ nước non” đã lựa chọn hướng đi không chỉ khắc họa những ký ức lịch sử xã hội mà đi sâu luận giải những yếu tố văn hóa, tư tưởng chính trị, xã hội đã hun đúc, rèn giũa nên Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành-Văn Ba qua hành trình từ quê nhà Nghệ An tới kinh đô Huế, qua Bình Định, Phan Thiết đến bến cảng Sài Gòn vượt trùng khơi cứu nước. Quá trình ấy không được thể hiện theo tuyến tính thời gian mà chuyển tải thông qua những sự kiện, lát cắt tiêu biểu hiện lên trong hồi ức của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành khi bắt đầu đến Sài Gòn.

Vở diễn tập trung khắc họa sự chuyển biến về nhận thức, tình cảm, tư tưởng của Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành trước những biến động thuở thiếu thời, trước những vấn đề chính trị xã hội của đất nước, thế giới gắn với các quá trình vận động lịch sử, các phong trào yêu nước...; giúp người xem hiểu rõ hơn quyết định ra đi tìm đường cứu nước ngày 5/6/1911 của Người đáp ứng đòi hỏi của lịch sử, của vận mệnh dân tộc, là chuyến đi tự giác, có chủ đích và mang tính cách mạng.

Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ chủ đạo là cải lương với một số loại hình nghệ thuật truyền thống khác như dân ca, ví giặm xứ Nghệ, ca Huế, bài chòi khu 5 và dân ca Nam Bộ, vở diễn không chỉ khắc họa sâu sắc hình tượng Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Tất Thành mà còn thể hiện hình tượng mẹ Hoàng Thị Loan, cha Nguyễn Sinh Sắc cùng một số nhân vật có nhiều ảnh hưởng đến Bác trong không gian văn hóa các vùng miền từ bắc chí nam. Từ đó, giúp người xem hiểu hơn về một vĩ nhân nhưng rất “đời”, rất người và luôn nặng tình non nước.

Theo dõi vở diễn, khán giả được đến với nhiều phân cảnh đẹp và xúc động, như cảnh đêm trăng bên dòng Lam của chàng trai Nguyễn Sinh Sắc và cô gái Hoàng Thị Loan; cảnh bé Nguyễn Sinh Cung chào đời trong vòng tay yêu thương của gia đình giữa mùa sen tháng năm thơm ngát; cảnh ở kinh thành Huế, cậu bé Nguyễn Sinh Cung phải trải qua nỗi đau mất mẹ khi bố và anh đang ở xa; cảnh cha con Nguyễn Sinh Sắc, Nguyễn Tất Thành đàm đạo thế sự; cảnh Nguyễn Tất Thành chia sẻ về chí lớn với ông chủ của Liên Thành Thương Quán Nguyễn Quý Anh; hay cảnh bến cảng Sài Gòn nơi Nguyễn Tất Thành-Văn Ba chia tay người bạn vong niên thời ở Huế trước chuyến đi xa vạn dặm… Sự đầu tư công phu cho những tạo hình thiết kế trên sân khấu kết hợp các hình ảnh được thay đổi linh hoạt trên màn hình lớn không chỉ tạo bối cảnh vừa sinh động, vừa hiện đại cho vở diễn mà còn góp phần đẩy mạch diễn lên cao, làm sâu sắc hơn những ý tưởng nghệ thuật cần chuyển tải.

TS, NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết, khi bắt tay vào dựng vở, ê-kíp sáng tạo đã phải đắn đo rất nhiều bởi tìm được một diễn viên ở độ tuổi đôi mươi của Người; có bản lĩnh sân khấu, kinh nghiệm diễn xuất là vô cùng khó. Sau nhiều cân nhắc, ê-kíp quyết định lựa chọn Minh Hải-một nghệ sĩ giàu tâm huyết đã nhận được tình cảm của đông đảo khán giả yêu cải lương thời gian qua với lối diễn giàu nội tâm, giọng ca truyền cảm.

Đặc biệt, con trai nghệ sĩ Minh Hải, bé Anh Đức trong vai Nguyễn Sinh Cung thuở nhỏ dù chỉ xuất hiện ở một lát cắt nhỏ nhưng đã mang đến nhiều ấn tượng cho người xem bằng những cảnh diễn xúc động. Bên cạnh đó, cũng cần nói đến sự vào vai khá “ngọt” của những nghệ sĩ cải lương tài năng như NSƯT Mạnh Hùng (vai Nguyễn Sinh Sắc), Như Quỳnh (vai Hoàng Thị Loan), Ngân Hà (Lê Thị Huệ), Xuân Thông (Nguyễn Quý Anh)…; cùng với nghệ sĩ Lê Thanh Phong và các diễn viên Đoàn nghệ thuật UNESCO Di sản dân ca xứ Nghệ.

Được biết, hai tác phẩm sân khấu tiếp theo gắn với hai tập còn lại của bộ tiểu thuyết mang tên “Lênh đênh bốn biển” và “Người về” dự kiến sẽ ra mắt công chúng năm 2023, 2024, tiếp tục khắc họa, lý giải, ngợi ca con đường bôn ba cứu nước của Người ở nước ngoài và những năm tháng Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, thể hiện tầm vóc vĩ đại, sức cảm hóa, lay động của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân và bạn bè quốc tế ■