Khởi động giải Cánh diều vàng 2010

NDO - NDĐT - Giải thưởng điện ảnh lớn nhất trong năm được đông đảo công chúng trong chờ đã bắt đầu khởi động, với nhiều hoạt động ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Năm nay, có 11 phim truyện nhựa tranh giải, trong đó một nửa là phim tư nhân.

Một số nét mới

Theo đánh giá của bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Trưởng ban tổ chức, giải Cánh diều vàng 2010 năm nay có nhiều điểm mới.

Trước hết, về số lượng, năm nay có 11 phim truyện nhựa tham gia tranh giải, bao gồm Tây Sơn hào kiệt (đạo diễn Phượng Hoàng – Lý Huỳnh, hãng phim Lý Huỳnh), Hoa đào (đạo diễn Nguyễn Thế Vinh, Công ty CP phim truyện !), Vũ điệu đam mê (đạo diễn: NSƯT Nguyễn Đức Việt, Hãng phim truyện Việt Nam), Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn: Triệu Tuấn, Hãng phim Hội Nhà văn Việt Nam), Long thành cầm giả ca (đạo diễn: NSƯT Đào Bá Sơn, Hãng phim Giải phóng), Khát vọng Thăng Long (đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Công ty CP Kỷ Nguyên Sáng), Nhìn ra biển cả (đạo diễn: NSƯT Vũ Châu, Hãng phim Hội điện ảnh Việt Nam), Cô dâu đại chiến (đạo diễn Victor Vũ, Công ty TNHH BHD và Hãng phim Việt), Cánh đồng bất tận (đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Công ty TNHH BHD và Hãng phim Việt), Thiên sứ... 99 (đạo diễn Nguyễn Minh Cao, Hãng phim Phước Sang), Giao lộ định mệnh (đạo diễn Victor Vũ, Saga Films và Star Media Group). Nếu so với con số 8 và 9 phim của các mùa giải trước, thì 11 phim đã là một bước tiến.

Cơ cấu giải năm nay xuất hiện giải Cánh diều vàng dành cho phim ngắn, ở cả hai thể loại phim truyện và phim tài liệu. Với 41 phim ngắn tham gia tranh giải, các tác giả phần lớn là sinh viên các trường điện ảnh như Đại học Sân khấu điện ảnh TP Hồ Chí Minh, Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, các học sinh thuộc Trung tâm hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh cùng một số cá nhân. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, những phim được lựa chọn ở đây phải hay, độc đáo và có tính sáng tạo. Khác với các phim truyện hay phim tài liệu dài, phim ngắn phần lớn là các tác phẩm đầu tay, và khi đưa vào chấm giải, ban giám khảo cũng chú trọng đến yếu tố tìm tòi độc đáo của tác giả.

Năm nay xuất hiện trở lại giải thưởng do báo chí bình chọn với tên gọi giải Báo chí – Phê bình điện ảnh cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất năm 2010. Lý giải cho sự trở lại của giải thưởng này, Ban tổ chức cho biết, do năm 2010, giải Cánh diều vàng 2009 tổ chức ngay sau Liên hoan phim Việt Nam ba tháng, trong khi Liên hoan phim Việt Nam vừa trao giải Báo chí xong, cho nên ban tổ chức quyết định tạm dừng giải thưởng này để tránh trùng lặp.

“Không cố ép để có Vàng”

Về cơ cấu giải thưởng năm nay, không có nhiều thay đổi so với năm trước. Sẽ có các giải Cánh diều vàng, Cánh diều bạc và Bằng khen trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất của phim truyện nhựa, phim truyện video, phim hoạt hình, phim khoa học, phim tài liệu ở cả hai thể loại nhựa và video, phim ngắn. Các giải cá nhân bao gồm Nam, Nữ diễn viên chính và phụ xuất sắc nhất, Đạo diễn của các thể loại phim hoạt hình, khoa học, tài liệu, Biên kịch, Đạo diễn và diễn viên nam, nữ chính của thể loại phim truyện video, cùng các thành phần sáng tác chính của phim truyện nhựa gồm biên kịch, đạo diễn, quay phim, âm thanh, âm nhạc...

Bên cạnh 11 phim truyện nhựa và 41 phim ngắn, có 19 phim truyện video, 9 phim hoạt hình, 7 phim tài liệu nhựa, 30 phim tài liệu video và 5 phim khoa học tham gia tranh giải.

Ở danh sách tranh giải phim truyện nhựa, có thể thấy rõ năm nay có nhiều nhà sản xuất tư nhân tham gia hơn, đề tài phong phú hơn, và nhiều phim lịch sử được thực hiện trong các dịp kỷ niệm lớn như Khát vọng Thăng Long, Vượt qua bến Thượng Hải, Nhìn ra biển cả, Long thành cầm giả ca. Nổi trội nhất trong số phim dự giải là Long thành cầm giả caCánh đồng bất tận, với những đánh giá tích cực của giới chuyên môn và báo chí từ khi ra mắt.

Ban tổ chức cho biết, giải thưởng năm nay sẽ dựa theo chất lượng của phim. Sẽ không có chuyện “cố ép” để có bằng được một giải Vàng, trong khi chất lượng phim chưa đạt. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát cho biết, Ban tổ chức có thang điểm nhất định, và chỉ khi phim đạt được đúng theo thang điểm mới trao giải, và hoàn toàn chấp nhận khả năng chỉ có giải Bạc trở xuống mà không có Vàng. Năm nay, tiêu chí chấm giải tập trung vào tay nghề và chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, có ảnh hưởng tích cực đến dư luận và xã hội, đồng thời cũng quan tâm đến yếu tố doanh thu của phim.

Nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày điện ảnh Việt Nam

Bên cạnh giải Cánh diều vàng, nhiều hoạt động tại cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng được tổ chức để kỷ niệm Ngày điện ảnh Việt Nam. Trước hết, tại Hà Nội, khán giả sẽ được xem miễn phí các tác phẩm điện ảnh (phim truyện và phim tài liệu nhựa) tiêu biểu qua các thời kỳ tại các rạp Tháng 8, Trung tâm chiếu phim quốc gia, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương từ ngày 12 đến 14-3, với giấy mời phát tại các rạp từ ngày 9-3.

Trong khi đó, tại các rạp Fafilm (số 6 Thái Văn Lung), Thăng Long A và Trung tâm văn hoá điện ảnh Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh), khán giả sẽ được thưởng thức các phim truyện nhựa tranh giải. Vé mời cũng được phát tại các rạp từ ngày 8-3. Ngoài ra, có thể sẽ có các buổi giao lưu giữa các nghệ sĩ có phim tranh giải với khán giả tại TP Hồ Chí Minh. Một chuyến giao lưu về nguồn cho các nghệ sĩ lão thành và các đại biểu của thế hệ làm phim tiếp nối cũng được tổ chức về địa bàn hoạt động của Điện ảnh bưng biền năm xưa tại huyện Mộc Hoá, Long An. Lễ tôn vinh thành tựu trọn đời của các cố đạo diễn – NSND Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ và Nguyễn Ngọc Quỳnh cũng được tổ chức trong khuôn khổ lễ kỷ niệm Ngày điện ảnh và công bố trao giải Cánh diều vàng diễn ra ngày 13-3.

Năm nay, với số lượng phim đông đảo, thành phần tham gia phong phú, khán giả và giới chuyên môn hy vọng ban tổ chức sẽ lựa chọn được một đại diện xứng đáng cho giải thưởng điện ảnh lớn nhất trong năm này.