“Mùa trong vườn” rạo rực chào xuân

Diễn ra từ ngày 1/1 đến hết 12/1 tại Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam (42 Yết Kiêu, Hà Nội), triển lãm “Mùa trong vườn” của hai nữ giảng viên, họa sĩ Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc đưa người xem dạo chơi trong một “khu vườn” nghệ thuật với cỏ, cây, hoa, lá đầy nữ tính và tràn trề sức sống.

Hai họa sĩ Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc tại lễ khai mạc triển lãm “Mùa trong vườn”.
Hai họa sĩ Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc tại lễ khai mạc triển lãm “Mùa trong vườn”.

Gần 80 tác phẩm của triển lãm chung được hai tác giả lên ý tưởng và chuẩn bị trong hai năm, với cùng một loại hình đồ họa là tranh khắc-in và nguồn cảm hứng xuyên suốt là hình tượng hoa và người phụ nữ. Từng bị hoãn đến lần thứ ba bởi dịch Covid-19, triển lãm mở cửa đúng ngày đầu năm mới 2022 như khởi đầu cho một hy vọng mới. Nhân dịp này, vào ngày 8/1, hai nữ họa sĩ mở một chương trình workshop chủ đề “Tranh Hổ cho năm Nhâm Dần” dành cho những ai muốn tìm hiểu và trải nghiệm làm tranh in đồ họa trên chất liệu khắc gỗ và khắc cao-su. Một triển lãm chung, nhưng đó là hai thế giới nội tâm, hai phong cách nghệ thuật, hai nền khắc khác nhau (một cao-su, một gỗ), đã tạo nên những hiệu ứng khác biệt, nhưng họ đều rất hạnh phúc và tự hào khi được thể hiện niềm đam mê sáng tạo tranh khắc-in độc bản.

Họa sĩ Trang Thanh Hiền thường được biết đến là một người phụ nữ đa tài, vừa viết sách, vừa vẽ tranh, có đam mê sâu sắc với nghiên cứu mỹ thuật cổ Việt Nam. Chị là Phó Giáo sư, Tiến sĩ, giảng viên Khoa Lý luận, Lịch sử và Phê bình mỹ thuật của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Tại triển lãm, Trang Thanh Hiền mang đến hình ảnh bốn mùa với những loài hoa, lá khác nhau. Đây không phải lần đầu chị sáng tác trên chất liệu khắc-in, nhưng ở đợt sáng tác mới nhất này, Trang Thanh Hiền có phần không theo những trình tự cơ bản với các thể nghiệm khác nhau. Chị đã đưa vào các tác phẩm những cách thức sáng tạo mới như in chồng các bản khắc khác nhau, in nối bản, ghép bản, in phối hợp cùng thủ ấn họa, mang tính gợi mở cho thực hành nghệ thuật tranh in vượt qua những lối mòn quy tắc, truyền tải những xúc cảm vừa riêng biệt, vừa hiện thực, vừa hư ảo. Các tác phẩm có sự cách điệu duyên dáng của tranh dân gian, đồng thời cũng có những cảm xúc linh hoạt của đời sống mỹ thuật, có giao tiếp với hội họa thế giới. Trong loạt tranh “Niềm tôn kính Van Gogh” lấy cảm hứng từ hoa diên vỹ trong tranh của danh họa người Hà Lan Van Gogh, có thể thấy được những nét khắc uyển chuyển và bảng mầu biến đổi liên tục. Một số tác phẩm khác phảng phất mô -típ được xây dựng từ các sáng tác mực nho và giấy dó trước đây của chị như: tư thế ngồi của Đức Phật cùng hình cánh hoa phía dưới như trong các thế thủ ấn; tóc người phụ nữ được tạo hình các loài hoa mang ý nghĩa biểu tượng của Phật giáo như hoa sen, hoa cúc, mẫu đơn… Nữ họa sĩ cho biết: “Tôi từng thử nghiệm đồ họa từ những năm 2000, tuy nhiên công việc nghiên cứu mải miết phần nào kéo tôi ra khỏi những sáng tạo thể loại này. Triển lãm “Mùa trong vườn” với tôi là nguồn năng lượng mới mẻ, mãnh liệt”.

Còn họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc là giảng viên Khoa Đồ họa, thường thực hành nghệ thuật với tranh khắc gỗ và in kẽm. Khoảng ba năm gần đây, chị chuyển hướng và tìm thấy cảm xúc thực sự với tranh khắc cao-su kết hợp in độc bản. Cao-su mềm mại cho phép khắc những nét khoáng hoạt, bay bổng. In độc bản là phương pháp thuận lợi cho thực hành tranh in ngẫu hứng. Sự kết hợp đa kỹ thuật, chất liệu của chị được đánh giá là phù hợp xu hướng tranh in đương đại. Với “Mùa trong vườn”, chị mang đến nhiều tác phẩm thể hiện vẻ đẹp người phụ nữ cả về ngoại hình lẫn nội tâm, với nhiều tác phẩm hoa lá che đậy và ẩn hiện trong hình dáng cơ thể. Hình ảnh người phụ nữ khi thì hiển hiện như Bộ tranh thứ 6-“Mùa trong vườn”, khi thì cuồng nộ căng tràn trong hoa lá cùng thủ pháp chồng lớp in độc bản kết hợp vẽ tay trong Bộ tranh “Mùa hoa nở”. Có khi hình ảnh người phụ nữ khuôn lựa vào hình trăng, rồi ẩn dụ thành chấm tròn bên hoa lá như Bộ tranh thứ 2-“Trăng”. Rồi cuối cùng, triệt tiêu chỉ còn lại khu vườn ở Bộ tranh thứ 5-“Góc vườn”.

Về chủ đề triển lãm, họa sĩ Nguyễn Mỹ Ngọc chia sẻ: “Mùa thay bao nhiêu lá là bấy nhiêu trạng thái thay đổi của người phụ nữ, mà tôi đi tìm. Qua thân hình lúc thì trơ trọi cô đơn, lúc lại ẩn mình e ấp, khi thì mạnh mẽ căng tràn như nét khắc ngọt của dao cứa, khi lại mềm mại ẩn hiện dưới làn mực loang nhòe. Muốn phá vỡ phần nào cảm giác cứng nhắc của các nét dao khắc, tôi đã cố gắng kết hợp kỹ thuật khắc cao-su với kỹ thuật in độc bản cộng với vẽ đồ nét bằng tay, để bộc lộ được bản chất vừa mềm yếu, mơ màng, vừa tự do phóng khoáng trong các tác phẩm của mình. Kết quả tuy chưa nhiều nhưng tôi hy vọng mình đã tìm ra được phần nào người phụ nữ mà tôi hướng tới, vừa lý trí vừa cảm xúc, mâu thuẫn nhưng thú vị”.

Triển lãm “Mùa trong vườn” là câu chuyện vừa riêng, vừa chung của hai phụ nữ, hai nghệ sĩ, hai giảng viên. Giữa họ, dường như có một sự tiếp sức lẫn nhau, học hỏi, chia sẻ, cùng đồng hành, cùng vỡ òa trong cảm xúc với nghệ thuật đồ họa tranh in. Ở đó, nỗ lực kiếm tìm của mỗi cá nhân từ các chất liệu, kỹ thuật như khắc gỗ, khắc cao-su, in độc bản thể hiện tham vọng muốn vượt lên truyền thống và tạo ra những sáng tạo bay bổng, đầy mầu sắc và hứng khởi. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Nghĩa Phương, Trưởng Khoa Đồ họa Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận xét: “Sáng tạo là hạnh phúc đối với mỗi một người nghệ sĩ. Ấy là con đường dẫn lối cho Trang Thanh Hiền và Nguyễn Mỹ Ngọc gặp gỡ ở “vườn đồ họa”, nơi nhiều hoa lá, lắm gai nhọn, chằng chịt những lối đi, để cơ duyên của mỗi người kết thành những trái chín” ■