“Mất tiền” ở Cục Điện ảnh - Trách nhiệm của lãnh đạo ngành

NDO - NDĐT - Vụ nguyên kế toán Phạm Thanh Hải của Cục Điện ảnh ôm 42 tỷ đồng bỏ trốn đang gây xôn xao dư luận. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã cùng nhau ký tên vào một bản kiến nghị, đề nghị làm rõ trách nhiệm của những người lãnh đạo đầu ngành. Không chỉ gây ra những hậu quả trực tiếp về mặt tài chính, vụ việc còn để lại những hệ luỵ lâu dài đối với ngành điện ảnh. Và những bài học không nhỏ đã được rút ra từ vụ việc...

Thất thoát 42 tỷ, nghệ sĩ bức xúc

Đầu tháng 6-2011, các báo đưa tin nguyên kế toán Phạm Thanh Hải của Cục Điện ảnh nhiều lần làm giả hồ sơ uỷ nhiệm chi để rút tiền từ tài khoản của Cục với số tiền khoảng 42 tỷ đồng. Ngày 3-6, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đồng thời khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Phạm Thanh Hải. Hiện nay, vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

Ngày 11-8, trong cuộc họp báo về Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Hà Nội, Cục phó Cục Điện ảnh Lê Ngọc Minh cho biết, vụ thất thoát này là Cục Điện ảnh bị lừa, và số tiền thực tế không đến 42 tỷ, chỉ khoảng hơn 35 tỷ đồng.

17137.jpg

Ông Nguyễn Lương Đức.

Ngày 16-8, một số nghệ sĩ tên tuổi đã cùng nhau ký tên vào lá đơn kiến nghị làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu ngành là ông Lại Văn Sinh, với cương vị là Cục trưởng, “đã để thất thoát số tiền lớn như vậy, làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành, và làm ngưng trệ nhiều hoạt động của ngành”. Trong đơn, các nghệ sĩ nêu rõ: “Theo tinh thần của nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, việc chống tham nhũng là vấn đề cấp bách hàng đầu hiện nay. Chúng ta không thể chỉ nói mà không làm... Chúng tôi kính đề nghị, với trọng trách của mình, các ông hãy làm trong sạch giúp cho đất nước nói chung, ngành điện ảnh nói riêng, cụ thể là vụ việc nêu trên đang xảy ra tại Cục Điện ảnh thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Đừng để vụ việc chìm xuồng và con voi sắp biến thành con kiến ”.

NSND, đạo diễn Nguyễn Lương Đức, một trong những người ký tên vào đơn kiến nghị trên, gồm NSND Trần Phương, NSND Thế

Ông Nguyễn Lương Đức: Điều mà anh em nghệ sĩ chúng tôi nghi ngờ là tại sao năng lực lãnh đạo của Cục Điện ảnh lại kém đến thế. Để xảy ra vụ việc này là hậu quả của năng lực yếu kém. Chúng ta có thăng chức, tại sao lại không có từ chức? Nếu một người chỉ gánh được 10kg thì đừng bắt người ta phải gánh 20kg. Tôi biết lãnh đạo Cục hiện nay còn ôm đồm cả việc làm phim, đạo diễn, viết kịch bản..., vậy thì làm quản lý như thế nào? Hiện nay ngành điện ảnh của chúng ta có gì? Các hãng phim đều đang phải vật lộn để tồn tại, anh chị em nghệ sĩ đi làm thuê khắp nơi để kiếm sống. Lãnh đạo Cục không có chỉ đạo, định hướng, để mặc các nghệ sĩ, nhà làm phim tự chạy...

Anh, NSND Đoàn Dũng, PGS – TS, NSƯT Trần Duy Hinh, TS, đạo diễn Nguyễn Thị Việt Nga, nhà biên kịch Phan Thanh Tú, đạo diễn Vũ Trụ..., cho biết: “Chúng tôi đặt ra câu hỏi là tại sao lãnh đạo Cục lại quản lý yếu kém đến thế. Cục trưởng Lại Văn Sinh theo như tôi biết vốn là người rất cẩn trọng trong công việc, chẳng lẽ bình thường thấy được những khâu vô lý trong kịch bản mà lại không nhận ra những vô lý trong cuộc sống thực”. NSND Lương Đức chia sẻ: “Chúng tôi buồn vì mất mát của Nhà nước một phần, nhưng buồn nhiều hơn vì sự thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm của người đứng đầu ngành đã dẫn đến hậu quả như thế này”.

Lá đơn nêu rõ: “Để vụ việc thụt két kéo dài trong suốt ba năm (từ 2009 đến 2011) với số tiền lớn như vậy mà Cục trưởng Lại Văn Sinh - người nắm giữ tài khoản của Cục Điện ảnh không hề hay biết thì đây là điều lạ, chưa từng xảy ra bao giờ. Không thể tin được vào sự quản lý quá yếu kém và non nớt ấy...”

Ông Lương Đức cũng cho biết, các anh em nghệ sĩ trong nam ngoài bắc chỉ mong mỏi một điều: Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng các cơ quan có trách nhiệm làm sáng tỏ và trả lời cho văn nghệ sĩ nói riêng và những người làm công tác văn hoá nói chung được rõ. Đảng ta hiện nay đang rất nhấn mạnh công tác chống tham nhũng, tiêu cực và tăng cường trách nhiệm trong quản lý.

Tiền mất khổng lồ, tiền làm phim nhỏ giọt

Một nghịch lý là trong khi nền điện ảnh nước nhà còn gặp nhiều khó khăn về tài chính, nhưng Cục lại làm thất thoát một số tiền rất lớn. Rất nhiều nghệ sĩ đã bày tỏ sự bức xúc khi tiền làm phim không có mà tiền mất lại quá nhiều. Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam bày tỏ “Tôi đã từng nhiều lần đề đạt lên Cục xin cấp số tiền chỉ 500 triệu cho một đạo diễn trẻ làm phim hoạt hình, nhưng chỉ nhận được sự khất lần khất lữa của Cục trưởng. Đây là một đạo diễn trẻ có tài, từng giành giải Bông Sen vàng cho phim hoạt hình, và kịch bản của cậu ấy rất tốt. Thế nhưng chúng tôi chỉ nhận được lời từ chối”.

17136.jpg

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát.

Trong lá đơn kiến nghị của các nghệ sĩ cũng viết: “Ngành điện ảnh hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngân sách hằng năm cung cấp cho điện ảnh không nhiều, số lượng phim sản xuất ngày càng ít. Đời sống của các nghệ sĩ rất lao đao, cụ thể lương của các nghệ sĩ thuộc Hãng phim truyện Việt Nam đến nay vẫn chỉ là 650 nghìn đồng/tháng, trong khi Nhà nước đã cho điều chỉnh bậc lương lên cao hơn từ lâu rồi. Đơn giản chỉ vì Hãng không có tiền...”

Nói về thực trạng này, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát dùng hình ảnh ví von con đập chặn nước: “Không phải là không có tiền. Ngành điện ảnh giống như một cánh đồng khô hạn, mà nước đã bị ngăn lại ở phía bên kia của con đập”. Bà Ngát khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến ngành điện ảnh, nhưng những người ở khâu trung chuyển, chính là những người làm công tác quản lý ở Cục Điện ảnh đã không hết lòng vì ngành, cho nên cấp dưới mới khổ”.

Những hệ lụy...

Mới đây, chiều 26-8, Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã xuống làm việc với Cục Điện ảnh, và quyết định cho Cục trưởng Lại Văn Sinh và Cục phó Lê Ngọc Minh thôi làm Trưởng, phó ban tổ chức Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17. Đích thân Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đảm nhiệm vị trí Trưởng ban tổ chức, và bà Ngô Phương Lan, TS, Cục phó Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) làm phó ban tổ chức.

Ảnh hưởng đầu tiên là Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 17 tại Phú Yên tổ chức vào tháng 12 tới. Bà Hồng Ngát cho biết, để duy trì hoạt động nghề nghiệp định kỳ này, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phải hỗ trợ 5 tỷ đồng để tổ chức Liên hoan phim, số tiền này còn chưa bằng 1/8 số tiền bị mất.

Thứ hai là tâm lý nghệ sĩ chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. NSND Lương Đức cho biết: “Trò chuyện với tôi, các NSND Huy Thành, Thế Anh đều bức xúc, như thế này thì ngành điện ảnh sẽ đi đến đâu. Việc đầu tiên phải làm làm là củng cố lại ngành, tìm người có năng lực để lãnh đạo. Để vụ việc xảy ra như thế này, anh em mất lòng tin, không có hướng đi, ai cũng buồn...”. Ông Lương Đức bày tỏ: “Bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ mới tạo dựng nên được một nền điện ảnh như ngày hôm nay, không thể để cho những vụ việc như thế này làm ảnh hưởng đến ngành. Chúng tôi đòi hỏi trách nhiệm của những người đứng đầu ngành. Lãnh đạo ngành không thể coi như vô can, như không có chuyện gì xảy ra”.

Vụ việc còn ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ tuyên truyền của ngành điện ảnh trong những sự kiện lớn của đất nước. Bà Hồng Ngát bức xúc: “Hằng năm, mỗi dịp kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, Cục đều tổ chức những đợt phim tuyên truyền. Nhưng năm nay, cho đến giờ này, vẫn chưa có đợt phim tuyên truyền cho ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9”. Ông Lương Đức cũng chia sẻ sự bức xúc này: “Nhiều dịp kỷ niệm trọng đại như Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại lễ 1.000 năm Thăng Long, Quốc khánh..., bên cạnh những đổi thay hàng ngày của đất nước trong quá trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá mà không có một bộ phim nào phục vụ mục đích tuyên truyền hay ghi lại làm tư liệu cho mai sau”.

Từ vụ việc này, những kinh nghiệm xương máu đã được rút ra, không chỉ cho ngành điện ảnh. Bà Hồng Ngát nhấn mạnh, phải cẩn trọng hơn nữa trong việc chọn người, nhất là đối với công việc liên quan đến tài chính: nhân thân phải rõ ràng, tính cách phải trung thực. Cách quản lý cũng phải chặt chẽ, phải nắm được, hiểu được rõ nhân viên của mình, phải sâu sát thực sự trong công việc chứ không phải là phó mặc cho cấp dưới... 

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát:Các nghệ sĩ chẳng ai vui gì khi Cục trưởng, Cục phó lâm vào chuyện này. Nhưng điều chúng tôi cần là ít ra các anh ấy phải nhận trách nhiệm về mình một cách công khai, trước báo chí hay trong các cuộc họp của ngành, xin lỗi và nhận khuyết điểm. Phải minh bạch mọi thông tin để anh chị em không phải ngờ vực. Hay là hãy dũng cảm từ chức đi. Chúng ta chưa có văn hoá xin lỗi, văn hoá từ chức..

TRỌNG LÂM