Nhân Ngày sách Việt Nam (21/4), phóng viên Báo Nhân Dân đã có buổi trò chuyện với bà Sophie Maysonnave - Tham tán Hợp tác và Hoạt động Văn hóa, Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam về các hoạt động sáng tạo của phụ nữ tại Việt Nam.

Trong quá khứ, tỷ lệ phụ nữ mù chữ thường cao hơn đàn ông. Họ không được học cách đọc và viết. Do vậy, việc sáng tác sẽ trở nên khó khăn hơn. 

Hiện tại, khi mọi người đều biết đọc và viết, nhiều phụ nữ lại không có thời gian để tự do sáng tạo. Bà Sophie Maysonnave nhận định rằng, một khi đã sinh con, phụ nữ cần chăm sóc gia đình nhiều hơn, thời gian dành cho bản thân và sự sáng tạo cũng biến mất. 

Do vậy, cần phải mở ra và tạo thêm cơ hội sáng tạo cho phụ nữ. 

NHỮNG CUỐN SÁCH VỀ PHỤ NỮ

PV: Bà đã đọc tác phẩm văn học nào của Việt Nam chưa?

Bà Sophie Maysonnave: Tất nhiên rồi, tôi đã từng đọc văn thơ Việt Nam. Nhưng phải đọc các bản dịch bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, vì thành thực là tôi không biết tiếng Việt.

PV: Vậy trong số đó, có tác phẩm nào miêu tả về hình ảnh người phụ nữ Việt Nam không? Bà thích tác giả/tác phẩm nào nhất? Vì sao?

Bà Sophie Maysonnave: Tôi rất thích các nhà văn viết về chuyện đời sống. Người đầu tiên tôi muốn nhắc tới là bà Bùi Trân Phượng. Bà là một nhà sử học, một chuyên gia về giới và phụ nữ trong lịch sử Việt Nam. 

Tác phẩm của bà Bùi không chỉ là chuyện văn học mà còn là chuyện khoa học. Bà đã mô tả và thể hiện rất rõ hình mẫu và vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử. 

Nỗi buồn Chiến tranh là một cuốn sách khác mà tôi cũng rất thích. Đây là một cuốn sách tuyệt vời đan xen giữa chiến tranh và một câu chuyện tình. 

Hình tượng nhân vật nữ trong tác phẩm khiến tôi đặc biệt xúc động. Ngay cả khi đạn nổ bom rơi, con người rơi vào chuyện sinh tử thì tình yêu vẫn vượt lên trên tất cả.

Là một tác giả người Pháp gốc Việt, Anna Moï viết sách bằng cả hai thứ tiếng. Vai trò của phụ nữ và những vấn đề về giới được cô thể hiện bằng lối viết táo bạo, mạnh mẽ mà vẫn rất cảm động.

Chỉ cần đọc vài dòng thôi, bạn sẽ nhận ra ngay lập tức: Đó là sách của Anna Moï. Một phong cách viết rất riêng, mạnh mẽ.

Cuối cùng, tôi không thể kết thúc câu trả lời này mà không nhắc đến cuốn “Sống” của Hải Anh. Sách được Pauline Guitton vẽ minh họa và xuất bản phiên bản tiếng Việt vào tháng 3 vừa qua. “Sống” là câu chuyện thật về tác giả và mẹ của mình.

Mẹ Hải Anh là Việt Linh. Bà thuộc hàng ngũ kháng chiến chống Mỹ ở miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng đam mê sản xuất phim ảnh. Đó là một cuốn sách cảm động mà tôi nghĩ các bạn nên đọc.

Bà Bùi Trần Phượng - nhà sử học, chuyên gia về giới và phụ nữ trong lịch sử Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Tia Sáng.

Bà Bùi Trần Phượng - nhà sử học, chuyên gia về giới và phụ nữ trong lịch sử Việt Nam. Ảnh: Tạp chí Tia Sáng.

Tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" - Bảo Ninh

Tác phẩm "Nỗi buồn chiến tranh" - Bảo Ninh

Anna Moï - Tác giả người Pháp gốc Việt. Ảnh: Etonnants Voyageurs.

Anna Moï - Tác giả người Pháp gốc Việt. Ảnh: Etonnants Voyageurs.

Tác phẩm "Sống" - Hải Anh

Tác phẩm "Sống" - Hải Anh

Ở VIỆT NAM, PHỤ NỮ ĐÃ TẠO NGOẠI LỆ

PV: Từ đó, bà nghĩ thế nào về vai trò của phụ nữ trong văn hóa Việt Nam? Trong suốt chiều dài lịch sử, vai trò này đã có những thay đổi hay biến động đáng kể nào?

Bà Sophie Maysonnave: Hình ảnh người phụ nữ trong văn hóa cũng như lịch sử Việt Nam là một điều gì đó rất độc đáo. Trong lịch sử của rất nhiều quốc gia phụ nữ thường rơi vào hoàn cảnh ngặt nghèo và không có nhiều quyền lợi trong tay. Nhưng ở Việt Nam, phụ nữ đã tạo ra một vài ngoại lệ. 

Việt Nam có những nữ anh hùng ngay từ thuở sơ khai: Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị khởi nghĩa chống lại kẻ thù. 

Hình tượng Thánh Mẫu (trong Đạo Mẫu/tín ngưỡng thờ Mẫu) cũng là một điều khá đặc biệt. Bởi hình tượng người phụ nữ hay người mẹ được coi là thần linh không phải là một điều phổ biến trong rất nhiều tôn giáo.

Nhắc tới truyền thống mẫu hệ, một số dân tộc Việt Nam trao quyền kế thừa các truyền thống, ẩm thực và tài sản cho phụ nữ. Vậy nên, cũng không quá khi nói rằng phụ nữ là ‘chìa khóa’ trong nguồn gốc di sản văn hóa Việt Nam.

Theo thời gian, vai trò của phụ nữ ngày càng thay đổi, càng ngày họ đạt được càng nhiều thành tựu. Đặc biệt là khi các ranh giới về bình đẳng giới được xóa nhòa.

CẦN MỞ RA VÀ TẠO THÊM CƠ HỘI SÁNG TẠO CHO PHỤ NỮ

PV: Từ quan sát của bà, đâu là những thách thức mà phụ nữ Việt Nam phải đối mặt trong lĩnh vực văn hóa? Xã hội cần làm gì để nhận biết và thay đổi những khó khăn này?

Bà Sophie Maysonnave: Câu chuyện này mang tính toàn cầu chứ không chỉ liên quan tới Việt Nam. Tôi sẽ nói rằng, cần phải mở ra và tạo thêm cơ hội sáng tạo cho phụ nữ. Bạn biết đấy, phụ nữ thường được nuôi dạy để trở thành nội trợ, chăm lo nhà cửa, nấu nướng và chăm sóc con cái. Và khi bận bịu làm những việc đó cả ngày, họ không còn được sáng tạo. 

Bởi sáng tạo thì cần có thời gian và cần nhận thức được rằng mình cũng có khả năng sáng tạo. Trong quá khứ, tỷ lệ phụ nữ mù chữ thường cao hơn đàn ông. Họ không được học cách đọc. Họ không được học cách viết. Đương nhiên, việc sáng tác ra một tác phẩm sẽ khó khăn hơn rất nhiều. 

Hiện tại, khi mọi người đều biết đọc và viết, phụ nữ lại không có thời gian tự do sáng tạo. Một khi đã sinh con, phụ nữ cần chăm sóc gia đình, thời gian họ dành cho bản thân và cho sự sáng tạo cũng biến mất. 

PV: Viện Pháp tại Việt Nam đã làm gì để thúc đẩy quá trình sáng tạo này thưa bà?

Bà Sophie Maysonnave: Pháp luôn ủng hộ bình đẳng giới và có nhiều chính sách tích cực để thúc đẩy quyền phụ nữ. Chúng tôi có một nền ngoại giao cởi mở và chủ nghĩa nữ quyền là một nét đặc trưng trong chính sách. Vậy nên Viện Pháp cũng rất tích cực hoạt động trong lĩnh vực này. 

Viện thường xuyên tổ chức các buổi gặp mặt để hỗ trợ tuyên truyền cho phụ nữ, giới thiệu những đầu sách hay, như những cuốn tôi đã nhắc trong đầu cuộc phỏng vấn. Đồng thời, chúng tôi cũng đang ra mắt một bài hát (sẽ dịch sang tiếng Việt) như một dấu mốc kỷ niệm cho những cuốn sách này. 

Mới đây, tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện cũng đã tổ chức một cuộc gặp mặt bàn tròn với những người phụ nữ truyền cảm hứng. Sự kiện có PGS.TSKH. Phan Thị Hà Dương - Giám đốc Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF), cuộc thảo luận bàn về vai trò của các nhà khoa học nữ ở Việt Nam. 

Năm ngoái chúng tôi cũng tổ chức một cuộc gặp mặt khác để giới thiệu những người phụ nữ trong ngành thể thao. Chương trình đã vinh dự có sự góp mặt của đội trưởng đội bóng đá nữ Việt Nam. 

Ngoài ra, Viện Pháp còn thực hiện dự án nuôi trồng thủy sản dành cho phụ nữ tại đồng bằng sông Mekong, giúp họ có một hướng đi bền vững cho nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. 

Viện còn rất nhiều dự án khác nhau về nhiều lĩnh vực như văn hóa, khoa học, kinh tế,… để thúc đẩy quyền cho phụ nữ.

Tôi sẽ nói rằng, phụ nữ Việt Nam không cần phải được tiếp sức bởi Viện Pháp thì mới có câu chuyện thành công. Công việc của chúng tôi trong suốt 20 năm qua là tích cực khuyến khích, hỗ trợ các nghệ sĩ Việt Nam để đạt được thành tựu và dấu mốc phát triển của riêng mình, cho dù họ là nam hay nữ giới.

PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này./.

Ngày xuất bản: 21/4/2024
Tổ chức sản xuất: Hồng Vân
Nội dung: Uyển Hương - Cẩm Ly - Hà Phương
Trình bày: Bùi Bích Thảo