BẾ MẠC THẾ VẬN HỘI OLYMPIC TOKYO 2020

Ngày hội của tinh thần cao thượng, đoàn kết, hữu nghị

Sau 16 ngày thi đấu chính thức, Olympic Tokyo 2020 đã bế mạc tối 8/8 trên sân vận động quốc gia tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản với sự tham dự của Thái tử Nhật Bản Fumihito, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihid, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach, các quan chức ngành thể thao và vận động viên các nước. Chương trình lễ bế mạc sôi động, giàu bản sắc và nhiều ý nghĩa, thể hiện tinh thần thể thao cao thượng và tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trong ngày thi đấu cuối cùng, đoàn Mỹ đã vượt qua đoàn Trung Quốc, chiếm ngôi đầu trên bảng xếp hạng thành tích.

Chủ tịch IOC Thomas Bach và Trưởng ban tổ chức Hashimoto phát biểu bế mạc.
Chủ tịch IOC Thomas Bach và Trưởng ban tổ chức Hashimoto phát biểu bế mạc.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 phức tạp, cũng giống như lễ khai mạc, chương trình bế mạc không có khán giả và thời gian được rút ngắn hơn so với kịch bản ban đầu, số lượng khách mời, đại biểu hạn chế, cùng hơn 4.500 vận động viên (VÐV). Trước đó, nhiều đoàn thể thao đã về nước sau khi kết thúc các nội dung thi đấu.

Với chủ đề “Worlds We Share” (Thế giới chúng ta chia sẻ), Ban tổ chức mong muốn lễ bế mạc thể hiện tinh thần Olympic và ý nghĩa về một thế giới chung cùng sẻ chia, kết nối và chung tay vượt qua khó khăn, động viên mọi người hướng tới một tương lai tốt đẹp qua sức mạnh chinh phục những đỉnh cao mới của thể thao. Buổi lễ bắt đầu bằng màn pháo hoa rực rỡ và lễ rước quốc kỳ của nước chủ nhà do sáu VÐV tiêu biểu cùng các quan chức thể thao Nhật Bản thực hiện trên nền bản nhạc nổi tiếng “Câu chuyện Tokyo”. Ngay sau lễ thượng cờ, đại diện 206 đoàn thể thao tiến vào từ bốn góc lễ đài và quây vòng tròn thành một khối thống nhất, đoàn kết trong tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trên màn hình lớn lần lượt giới thiệu những hình ảnh sinh động về 16 ngày thi đấu cùng các thành tích, kỷ lục nổi bật của các VÐV ở những bộ môn thi đấu theo tinh thần Thế vận hội “Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn - Cùng nhau”. Sân vận động quốc gia Tokyo trở thành một ngày hội của âm nhạc, ánh sáng và tình bè bạn. Các VÐV đã hòa cùng nghệ sĩ, ca sĩ, DJ nổi tiếng trong màn vũ đạo, âm nhạc sôi động, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa Nhật Bản.

Ngày hội của tinh thần cao thượng, đoàn kết, hữu nghị -0
  Các nghệ sĩ Nhật Bản và vận động viên các đoàn trong màn vũ hội. Ảnh IOC

Tiếp nối chương trình là lễ trao giải đã thành truyền thống tại các kỳ Thế vận hội dành cho các VÐV thi đấu xuất sắc tại bộ môn marathon, một môn thể thao cổ xưa nhất của Olympic và mang tính đại chúng, có nhiều VÐV tham gia và được đông đảo người hâm mộ quan tâm, cổ vũ. Các bộ Huy chương vàng (HCV), Huy chương bạc (HCB) và Huy chương đồng (HCÐ) được trao cho các VÐV: Peres Jepchirchir (Kenya, HCV), Brigid Kosgei (Kenya, HCB), Molly Seidel (Mỹ, HCÐ) ở nội dung nữ và Eliud Kipchoge (Kenya, HCV), Abdi Nageeye (Hà Lan, HCB), Bashir Abdi (Bỉ, HCÐ) ở nội dung nam. Các VÐV đều cầm trên tay những đóa hoa hướng dương, thể hiện khát vọng hướng về phía trước, chinh phục những đỉnh cao thành tích. Cùng với lễ hạ cờ Olympic, Chủ tịch IOC Thomas Bach và Thị trưởng thành phố Tokyo của nước chủ nhà Nhật Bản đã lên khán đài thực hiện lễ bàn giao lá cờ Olympic cho Thị trưởng thành phố Paris và lãnh đạo Ủy ban Olympic quốc gia Pháp, nơi sẽ tổ chức kỳ Thế vận hội lần thứ 33 - Olympic Paris 2024. Hình ảnh dàn nhạc giao hưởng và các nghệ sĩ Pháp biểu diễn một chương trình chào mừng ngắn gọn, nhưng đầy ấn tượng đã được truyền trực tiếp từ thủ đô Paris của nước Pháp.

Tuyên bố bế mạc Olympic Tokyo 2020, Chủ tịch IOC Thomas Bach nhấn mạnh: “Bằng nỗ lực thi đấu, bằng niềm vui, nước mắt, các VÐV đã tạo nên điều kỳ diệu của Thế vận hội lần này. Các bạn đã truyền cảm hứng từ sức mạnh của thể thao và điều này còn nhiều ý nghĩa khi chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức của đại dịch. Nhanh hơn - Cao hơn - Mạnh hơn và quan trọng là chúng ta đã cùng nhau sát cánh đoàn kết, vì hòa bình”.

Lễ bế mạc khép lại, ngọn lửa Olympic dần tắt trên nền ca khúc “Cuộc dạo chơi giữa các vì sao” cùng màn pháo hoa nghệ thuật rực sáng trên bầu trời Tokyo. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức từ đại dịch Covid-19, nhưng Olympic Tokyo 2020 đã để lại nhiều dư âm khó quên về một kỳ Thế vận hội đặc biệt trong lịch sử. 

★ Phải đến ngày thi đấu cuối cùng, đoàn Mỹ mới vượt lên, dẫn đầu bảng xếp hạng huy chương sau khi giành thêm 3 HCV. Ðội bóng rổ nữ Mỹ khẳng định ưu thế của mình để giành tấm HCV thứ bảy liên tiếp sau khi thắng cách biệt Nhật Bản 90 - 75. Tiếp đó, Valente Jennifer giành tấm HCV nội dung Omnium (đua xe đạp nữ tính điểm 80 vòng trong sân, độ dài 20 km) đưa đội Mỹ chính thức vượt qua Trung Quốc để vươn lên dẫn đầu Olympic. Ðội nữ bóng chuyền Mỹ thắng nhanh 3 - 0 trước đội Brazil trong trận chung kết cuối cùng để khép lại hành trình chinh phục Olympic. Vượt qua đại dịch, đoàn Mỹ dẫn đầu về số huy chương, thể hiện sự vượt trội ở các môn thể thao hiện đại như bơi (11 HCV), điền kinh (bảy HCV), giành cả hai HCV bóng rổ, hai HCV golf…

Đoàn thể thao Trung Quốc dẫn đầu trong phần lớn quãng thời gian thi đấu tại Olympic và chỉ mất ngôi đầu trong ngày thi đấu cuối cùng. Ðoàn Trung Quốc đã tận dụng tốt ưu thế ở các môn thể thao thế mạnh để thâu tóm huy chương như 7 trong số 8 HCV nhảy cầu, 4 trong số 5 HCV bóng bàn. Họ áp đảo ở môn cử tạ với 7 trong số 14 HCV, dẫn đầu môn bắn súng với 4 trong số 15 HCV, thể dục dụng cụ với ba HCV trong khi Nga và Mỹ đều chỉ giành được hai HCV và giành huy chương ở nhiều nội dung thi đấu.

Bên cạnh nỗ lực tổ chức thành công Olympic trong điều kiện đặc biệt khó khăn vì đại dịch Covid-19, Nhật Bản còn có sự chuẩn bị tốt cho lực lượng VÐV. Họ dẫn đầu ở các môn thế mạnh: 9 trong số 15 HCV judo, 5 trong số 19 HCV vật, 2 HCV bóng chày và bóng mềm. Ðáng tiếc, với môn thể thao “quốc hồn” nước chủ nhà chỉ giành duy nhất một HCV môn karatedo  cho dù tại kỳ Thế vận hội này không có đoàn nào giành được 2 HCV.

Ngày hội của tinh thần cao thượng, đoàn kết, hữu nghị -0
VÐV Kipchoge (Kenya) vô địch marathon nam trong ngày thi đấu cuối cùng của Olympic Tokyo 2020. Ảnh IOC

Đoàn Anh đã kết thúc ngày thi đấu cuối với công lớn của VÐV Kenny Jason, người đầu tiên giành HCV nội dung đua xe đạp keirin (200 m) của nam với tốc độ lên tới 68,696 km/giờ. Chiến thắng này đưa đoàn Anh vượt lên đoàn Nga (trung lập).  Sau đó, võ sĩ Price Laren lại có thắng lợi tuyệt đối 5 - 0 trong trận chung kết boxing hạng 69 - 75 kg nữ trước Li Qian - tay đấm từng vô địch thế giới năm 2018, vô địch châu Á năm 2017, năm 2019, chặn đứng cơ hội giữ vị trí đầu bảng của đoàn Trung Quốc.

Đoàn Nga (trung lập) vẫn duy trì thành tích để ở trong tốp đầu Thế vận hội, tiếp tục chiếm ưu thế ở nhiều môn thể thao đòi hỏi cả thể lực và độ khéo léo như giành trọn cả hai HCV bơi nghệ thuật, dẫn đầu môn đấu kiếm (3 trong số 12 HCV) và taekwondo (2 trong số 8 HCV)…

Olympic Tokyo ghi nhận sự vươn lên mạnh mẽ ở môn bơi của đoàn Australia (giành 9 trong tổng số 17 HCV) để giữ vị trí thứ sáu. Hà Lan, Pháp, Ðức, Italia lần lượt đứng trong top 10 và đều giành 10 HCV. Trong đó Italia vươn lên mạnh mẽ ở môn điền kinh (5 HCV), Ðức chiến thắng ba nội dung đua ngựa.

Cuba vẫn là cường quốc số một về boxing (4 trong số 13 HCV) chiếm hơn nửa (4 trong số 7 HCV của đoàn Cuba). Hàn Quốc bứt phá mạnh mẽ ở môn bắn cung, giành 4 trong số 5 HCV nhưng lại thất bại toàn diện ở môn thể thao “quốc gia” khi không thể giành được HCV nào ở môn taekwondo.

Thể thao Ðông Nam Á ghi nhận sự thành công vượt bậc của đoàn Philippines. Không thường xuyên đứng trong top ba tại SEA Games nhưng Philippines đã vững vàng ngôi đầu Ðông Nam Á tại Olympic năm nay, và ở vị trí 50 Thế vận hội. Indonesia và Thái Lan cùng có một HCV lần lượt xếp hạng 55 và 59. Malaysia có 1 HCB và một HCÐ, xếp đồng hạng 74. Việt Nam và Singapore từng cùng có một HCV ở kỳ Thế vận hội trước nhưng đều không thể giành huy chương. Kình ngư Schooling từng giành HCV phá kỷ lục Olympic 2016 vẫn được chính phủ Singapore đầu tư rất nhiều, tập huấn dài hạn tại các trung tâm thể thao lớn ở Mỹ nhưng thi đấu sa sút, chỉ đứng thứ 44 trong số 55 VÐV dự tranh 100 m bơi bướm, 39 trong số 71 VÐV ở nội dung 100 m tự do.