Ngày Di sản, đừng nói chuyện quá khứ...

NDO -

NDĐT - Ngày di sản, đừng nên chỉ nói chuyện quá khứ. Cần nghĩ đến những di sản trong tương lai, đang hình thành từ hôm nay, mà cẩn trọng trong từng hành động.

Làng cổ Đường Lâm, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.
Làng cổ Đường Lâm, Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Dạo trước, một nhà ngoại giao Pháp say mê vẻ đẹp Hà Nội đã bảo rằng, một trong những điều ông ấn tượng nhất về Hà Nội là những khu tập thể cũ được xây cách đây chừng nửa thế kỷ. Ông rất mong, dù Hà Nội cải tạo, sẽ có một số khu tập thể cũ được giữ lại làm bảo tàng.

Tôi đã khá ngạc nhiên trước đề xuất của nhà ngoại giao nọ. Tập thể cũ đang là cái mà cả xã hội muốn "thoát" khỏi. Hà cớ gì phải giữ lại? Nhưng rồi khi nhìn xa hơn, tôi hiểu ra, cộng đồng dân cư nào cũng trải qua những giai đoạn phát triển khác nhau. Những khu tập thể là một phần của lịch sử - con người Hà Nội, là di sản đô thị của Hà Nội.

Người Hà Nội một thời tự hào vì có "nhà tập thể". Nơi đây ghi lại những ký ức sống động về một giai đoạn phát triển. Độc đáo nhất là sự linh hoạt trong xử lý không gian sống, trong hình thành văn hóa ứng xử rất riêng của những "công dân tập thể". Người ta vẫn giữ được phần nào "tình làng nghĩa xóm" trong sinh hoạt động đồng. Nhưng lại cũng biết "đi nhẹ, nói khẽ" để tôn trọng sự riêng tư trong cuộc sống của mỗi người. Tất cả, đều rất khác so với văn hóa chung cư hiện đại. Hẳn là thế, di sản, không cứ phải là những di tích đền miếu, những lễ hội, làn điệu dân ca... Trăm năm trước, công dân của những "phố Hàng" ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), "phố Hội" (Hội An, Quảng Nam) hay ở các ngôi làng ở Đường Lâm (Hà Nội), Phước Tích (Huế)... đâu có nghĩ những không gian sống của mình rồi sẽ thành di sản?

Nhưng khi nghĩ đến cái của hôm nay, sẽ thành di sản của mai sau, tôi lại thấy bâng khuâng...

Gần như tất cả tập thể cũ ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều đô thị khác đều đang trong tiến trình bàn bạc để cải tạo, theo hướng phá đi, xây mới. Nếu bị phá đi. Rất đáng tiếc. Một phần lịch sử của đô thị đã bị xóa nhòa. Chúng ta tước đi cơ hội để người đời sau có thể hiểu về khu tập thể như cách chúng ta tận mắt ngắm nhìn phố cổ Hội An, Hà Nội hay làng cổ Đường Lâm hôm nay. Phá đi, kiến trúc thay đổi, văn hóa ứng xử của "công dân tập thể", cũng sẽ mất đi.

Nhưng nếu giữ lại, ít nhất là một số? Con cháu chúng ta sẽ thông cảm cho một thời gian khó, khi mỗi đầu người chỉ được phân bổ vài mét vuông. Con cháu ta sẽ khâm phục trước sự linh hoạt trong xử lý không gian sống chật hẹp. Nhưng con cháu cũng sẽ đặt những câu hỏi to tướng về vai trò của nhà quản lý ở đâu khi để những khu tập thể cũ cơi nới trong hỗn loạn mà ta gọi là "ba lô, chuồng cọp". Và chúng cũng sẽ sững sờ khi nhìn thấy hệ thống "mạng nhện ống nước" cung cấp cho mỗi gia đình, những không gian công cộng bị chiếm dụng...

Khi nghĩ đến điều đó, hẳn nhiều người sẽ muốn phá đi những khu tập thể cũ thật nhanh, không chỉ để cải thiện không gian sống, mà còn để đỡ... xấu hổ với thế hệ mai sau.

Nhưng trong dòng chảy thời gian, sự hình thành những di sản trong tương lai không dừng ở những khu tập thể cũ. Tạm chưa nói đến di sản phi vật thể. Bất kể không gian sinh tồn, là phố, là làng, hay những công trình kiến trúc... của chúng ta, rồi cũng được ghi danh vào lịch sử, rất nhiều trong số đó sẽ thành di sản của mai sau.

Con cháu chúng ta rồi cũng sẽ biết những thay đổi quy hoạch, kiến trúc, đặc trưng phong cách qua từng thời kỳ lịch sử. Con cháu sẽ biết, chúng ta hôm nay đã nhận được những món quà quý giá của cha ông không chỉ là những phố cổ, làng cổ, mà cả kho tàng mỹ thuật trang trí kiến trúc, tri thức trong tổ chức không gian sống hài hòa với tự nhiên, đề cao triết lý sống xanh. Chúng sẽ nghĩ gì về những di sản kiến trúc đô thị và nông thôn mà chúng nhận được từ chúng ta? Liệu chúng có tìm được tính kế thừa truyền thống trong kiến trúc, trong tổ chức không gian sống ở những tòa chung cư cao ốc, hay những khu biệt thự cao cấp nhái theo kiến trúc Pháp? Chúng có tìm được triết lý quy hoạch, kiến trúc, xây dựng của chúng ta hôm nay? Chúng nghĩ gì về trào lưu nhà ống hóa nông thôn? Chúng sẽ nghĩ gì nếu so sánh tổ chức giao thông kiểu ô bàn cờ trong phố cổ Hà Nội với những khu vực xây dựng sau này?

Ngày 23-11 là Ngày Di sản văn hoá Việt Nam, để nhắc nhở cộng đồng trân quý những giá trị của di sản. Nhưng Ngày di sản, đừng nên chỉ nói chuyện quá khứ. Cần nghĩ đến những di sản trong tương lai, đang hình thành từ hôm nay, mà cẩn trọng trong từng hành động.