Ngành du lịch và Quản lý thị trường phối hợp bảo đảm môi trường du lịch an toàn

NDO -

“Ngành du lịch có quan hệ gắn bó chặt chẽ với ngành thương mại-quản lý thị trường. Hai ngành đều có mục tiêu chung là phục vụ người tiêu dùng - khách du lịch với các sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng theo quy định của pháp luật”. Đây là nhấn mạnh của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Trùng Khánh tại lễ ký Quy chế phối hợp giữa TCDL và Tổng cục Quản lý thị trường (TCQLTT) sáng 30-10 tại Hà Nội. 

Lễ ký kết Quy chế phối hợp (Ảnh: T.LINH)
Lễ ký kết Quy chế phối hợp (Ảnh: T.LINH)

Tham dự lễ ký quy chế phối hợp có các đồng chí Nguyễn Văn Hùng, ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL); Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng TCDL; Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng TCQLTT; cùng đại diện các Bộ Y tế, Bộ Công thương,...

Tổng cục trưởng TCDL cho hay, trong năm năm qua, du lịch Việt Nam đã có bước tăng trưởng đột phá cả về khách quốc tế (tăng 2,3 lần) , khách nội địa (tăng 1,5 lần), tổng thu từ khách du lịch tăng 2,2 lần, du lịch đóng góp trực tiếp khoảng 9,2% GDP. Ngành du lịch đã và đang nỗ lực chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, chú trọng chất lượng, hiệu quả. Trong đó, việc bảo đảm quyền lợi, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu. Với sự  tiến bộ vượt bậc cả về lượng và chất, du lịch Việt Nam đã vinh dự nhận được những giải thưởng quốc tế uy tín tầm khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn xảy ra tình trạng khách du lịch bị ép giá, lừa đảo, quảng cáo không đúng với chất lượng sản phẩm, dịch vụ thực tế, mất vệ sinh an toàn thực phẩm... Những sự việc xảy ra dù chỉ là đơn lẻ nhưng có hệ lụy rất xấu, ảnh hưởng lớn đến ấn tượng của du khách trong hành trình trải nghiệm ở Việt Nam, làm giảm uy tín, thương hiệu của ngành du lịch Việt Nam.

Ngành du lịch và Quản lý thị trường phối hợp bảo đảm môi trường du lịch an toàn -0

Lãnh đạo hai Tổng cục ký kết Quy chế phối hợp (Ảnh: T.LINH) 

Đặc biệt, trong bối cảnh cả hai ngành đang tích cực ứng dụng công nghệ số, sẵn sàng cho tình trạng “bình thường mới”, thực hiện “mục tiêu kép” được Chính phủ giao, việc tăng cường phối hợp giữa hai ngành có ý nghĩa rất quan trọng.

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Trùng Khánh cho biết, một trong những sản phẩm công nghệ số là Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”, được triển khai theo chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ VHTTDL. Qua đó, có thể thấy tiềm năng to lớn khi sản phẩm được kết nối với hệ thống thông tin, nghiệp vụ của Tổng cục Quản lý thị trường, cho phép hai Tổng cục dễ dàng trao đổi thông tin, dữ liệu, phối hợp tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.

Thông qua Ứng dụng và Quy chế phối hợp giữa hai bên, không chỉ TCDL và TCQLTT mà cả các Sở quản lý nhà nước về du lịch và các Cục quản lý thị trường ở địa phương có cơ sở hợp tác trong công tác quản lý nhà nước về thị trường phục vụ khách du lịch ở cơ sở.

Tổng cục trưởng TCQLTT Trần Hữu Linh cho rằng, hiện nay, gian lận thương mại trên môi trường internet thường xuyên xảy ra, như việc du khách đặt tour trên mạng rồi bị hủy, mất tiền. Nên việc chống gian lận thương mại trên không gian mạng là việc làm rất quan trọng. Do đó, việc xây dựng ứng dụng Du lịch an toàn sẽ giúp cho thông tin được nhanh hơn, giúp lực lượng QLTT nhận được thông tin kịp thời để xử lý; và sự hợp tác giữa TCDL và TCQLTT là rất phù hợp và hữu ích, giúp xây dựng thị trường du lịch văn minh và an toàn.

Việc ký kết quy chế phối hợp giữa TCDL và TCQLTT là một dấu mốc quan trọng, thể hiện mục tiêu phát huy vai trò trách nhiệm của từng cơ quan trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, lấy khách du lịch làm trọng tâm và góp phần nâng cao vị thế của Du lịch Việt Nam trên trường quốc tế.

Việc ký kết quy chế phối hợp được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm môi trường kinh doamh du lịch lành mạnh và bảo vệ quyền lợi của khách du lịch ở Việt Nam. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trải nghiệm của du khách và hình ảnh của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Hoạt động lần này cũng là một trong những hành động triển khai Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 11-5-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020;Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30-11-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025” và thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tại sự kiện, ông Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, TCDL đã giới thiệu và hướng dẫn trải nghiệm Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Ứng dụng đã được TCDL chính thức ra mắt vào ngày 10-10-2020 với ưu điểm nổi bật là các tính năng kết nối liên thông giữa du khách, đơn vị cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý nhà nước.

Thông qua ứng dụng, du khách có thể tìm kiếm thông tin về các điểm đến an toàn, tương tác với đơn vị cung ứng dịch vụ, đưa ra đánh giá, phản hồi, giúp cơ quan chức năng tiếp nhận và xử lý kịp thời khi có sự việc phát sinh.

TCDL và TCQLTT thống nhất nội dung phối hợp chủ yếu:

Tiếp nhận và xử lý những phản hồi liên quan đến các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng, đo lường, giá, an toàn thực phẩm; hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các hành vi gian lận thương mại theo quy định của pháp luật.

Thống nhất trao đổi thông tin, tài liệu, dữ liệu về các phương thức, thủ đoạn hoạt động xâm phạm quyền lợi của khách du lịch. Phối hợp trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, hỗ trợ tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch. Đồng thời,phối hợp trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân trên phạm vi cả nước.

Chú trọng xây dựng, phát triển ứng dụng dùng chung trên nền tảng số và công nghệ tiên tiến để có thể tiếp nhận phản hồi và xử lý phản hồi của khách du lịch.  

Ưu tiên, khuyến khích ứng dụng công nghệ theo mô hình tiên tiến của thế giới do hai bên phát triển.