Ngành dịch vụ cần nhiều lao động thời vụ cuối năm

Thời điểm hiện tại, cho dù nhiều nhà máy giảm nhân công, cho lao động nghỉ việc hoặc nghỉ việc luân phiên nhưng một số ngành hàng, đặc biệt là ngành dịch vụ lại đang tích cực tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng cuối năm, nhất là lao động thời vụ.
0:00 / 0:00
0:00
Phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Tây Hồ (Hà Nội) tuyển lao động dịp cuối năm.
Phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận Tây Hồ (Hà Nội) tuyển lao động dịp cuối năm.

Nhu cầu tuyển dụng tăng cao

Những tháng cuối năm, công ty chuyên về nội thất của anh Nguyễn Hoàng Sơn (Cầu Giấy, Hà Nội) lại có nhiều đơn đặt hàng so với các quý trước. Những công việc như trang trí nội thất, lắp đặt tủ bếp, tủ tường, sơn sửa lại nhà, đặt cây cối… được nhiều khách hàng yêu cầu. Công việc tăng khiến công ty thiếu nhân lực và đăng tuyển dụng từ đầu tháng 10 nhưng đến nay vẫn chưa tuyển đủ.

Tương tự ở các ngành hàng dịch vụ khác như làm đẹp, cửa hàng ăn uống, quần áo thời trang, siêu thị… đều có nhu cầu tuyển thêm nhân viên thời vụ dịp cuối năm. Chị Nguyễn Thanh Hương, chủ một tiệm Spa làm đẹp tại quận Hoàn Kiếm chia sẻ: “Cuối năm nhu cầu làm đẹp của khách hàng tăng cao, cửa hàng lại mở thêm chi nhánh nên đã đăng tuyển dụng hơn một tháng nay. Theo yêu cầu, nhân viên phải có trình độ chuyên môn nhất định nên rất ít ứng viên đến dự tuyển”.

Ghi nhận thực tế tại nhiều cửa hàng ăn uống trên khu vực phố cổ, các siêu thị tại quận Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm… có đăng nhu cầu tuyển dụng nhân viên bán hàng, chạy bàn với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/tháng; các ngày cận Tết khách đông sẽ được thưởng riêng. Đa số các ứng viên sẽ đi làm luôn nếu trúng tuyển.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Thị Hải Vân, Trưởng bộ phận nhân sự Công ty TNHH AEON Việt Nam cho biết, từ nay đến cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng khoảng 40 lao động từ 18 tuổi trở lên làm việc theo giờ hoặc part time. Mức lương cơ bản từ 6 - 6,2 triệu đồng nếu làm full time, từ 23.000 - 24.500 đồng/giờ khi làm part time. Ngoài ra, người lao động được hỗ trợ phụ cấp chuyên cần, xăng xe, bữa ăn, có thể làm xoay ca, linh hoạt. Theo bà Vân, việc tăng nguồn tuyển dụng để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân dự báo sẽ tăng lên vào dịp cuối năm. Lao động trẻ, có kỹ năng nghề sẽ được ưu tiên tuyển dụng.

Mới đây, ngày 26/11, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội và quận Tây Hồ đã tổ chức phiên giao dịch việc làm lưu động kết nối việc làm dịp cuối năm. Tham dự phiên giao dịch việc làm lưu động quận Tây Hồ có sự tham gia của 36 doanh nghiệp với 1.650 chỉ tiêu, với đa dạng các vị trí, ngành nghề cùng mức lương hấp dẫn.

Tham gia tuyển dụng tại phiên giao dịch việc làm lưu động, bà Trịnh Thị Tơ, trưởng phòng quản lý Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Sen Hồ Tây cho biết: “Dịp cuối năm, đơn vị có nhu cầu tuyển dụng 50 nhân sự với các vị trí đáp ứng sự kiện cuối năm. Thông qua phiên giao dịch việc làm, doanh nghiệp có cơ hội tư vấn, tuyển dụng trực tiếp lao động, nhất là lao động trên địa bàn quận”. Bạn Mai Thanh Thúy, ở phường Phú Thượng, Tây Hồ, một ứng tuyển chia sẻ: “Hiện, tôi đang đi học tại Trường cao đẳng Du lịch Hà Nội và mong muốn tìm được công việc bán thời gian vào dịp cuối năm nên đến phiên giao dịch việc làm này với mong muốn tìm hiểu thông tin tuyển dụng, các mức lương”…

Nghịch lý thừa, thiếu lao động cuối năm

Tại Hà Nội và các tỉnh phía bắc, các doanh nghiệp thời điểm này vẫn có nhu cầu tuyển dụng hàng nghìn lao động với nhiều chế độ hấp dẫn. Đơn cử ghi nhận tại phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối bảy tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hòa Bình và Lào Cai do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức ngày 8/11 đã thu hút sự tham gia của 104 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng hơn 13.000 chỉ tiêu.

Riêng tại TP Hà Nội cần tuyển dụng hơn 1.000 chỉ tiêu; Thái Nguyên 2.638 chỉ tiêu; Bắc Giang 3.164 chỉ tiêu; Bắc Ninh 646 chỉ tiêu; Hòa Bình với 3.648 chỉ tiêu; Ninh Bình với 2.401 chỉ tiêu... Các doanh nghiệp tại bảy tỉnh, thành phố có nhu cầu tuyển dụng nhiều chỉ tiêu ở ngành nghề như: Công nhân sản xuất điện tử, may mặc, công nhân sản xuất nhựa, kinh doanh - marketing, công nhân xây dựng, cơ khí - hàn, thợ vận hành máy, bán hàng - thu ngân, kiểm toán - kế toán, phiên dịch - biên dịch, văn phòng - nhân sự…

Các mức thu nhập cũng đa dạng với nhiều phân khúc từ trên 10 triệu đồng cho các chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng, hoặc dành cho người lao động có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao. Mức thu nhập từ hơn 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng/tháng dành cho các vị trí việc làm ổn định như: Kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề. Mức từ hơn 5 triệu đến 7 triệu đồng/tháng dành cho người lao động chưa có tay nghề, sinh viên mới ra trường hoặc các công việc thời vụ, part time. Ngoài ra, còn nhiều vị trí mà mức thu nhập sẽ dựa trên thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động trong quá trình phỏng vấn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người lao động.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cũng đưa ra nhận định rằng thời điểm này nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tăng cao hơn so với các tháng trước, vì vậy, việc thiếu hụt lao động là có xảy ra, song chỉ cục bộ ở một số lĩnh vực, ngành nghề dịch vụ - xây dựng/kiến trúc - bất động sản - bán buôn/bán lẻ - nhà hàng/khách sạn/du lịch - công nghệ thông tin - tài chính/kế toán/kiểm toán…

Theo khảo sát mới đây, thị trường lao động việc làm tại Hà Nội và phía bắc tương đối ổn định. Một số doanh nghiệp da giày, may mặc bị ảnh hưởng bởi các đơn hàng sụt giảm nhưng chủ yếu ở phía nam. Hiện, đơn vị tăng cường khảo sát, nắm bắt thông tin thị trường, tăng cường kết nối cung cầu trên thị trường lao động để có tư vấn kịp thời cho người lao động khi đến tìm hiểu thông tin tại Sàn giao dịch việc làm và điểm sàn vệ tinh. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tăng cao trong bối cảnh thiếu hụt lao động vẫn đang diễn ra được cho là thách thức không nhỏ đối với thị trường lao động để bảo đảm được nguồn cung.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, theo Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, bộ sẽ giao các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực. Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Cùng với đó, tổ chức thực hiện các biện pháp để giải quyết nhu cầu thiếu nhân lực cục bộ, giảm sự mất cân đối cung - cầu lao động; phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc.

Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, cần đầu tư công tác dự báo cung - cầu, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động với nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về lao động hiện đại, đồng bộ, có sự kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu dân cư, đăng ký doanh nghiệp…