Ngân hàng làm thương hiệu

Tuần rồi, thông tin Sacombank “chơi lớn” tặng miếng vàng 24K khối lượng nửa chỉ (ước tính giá bán 2,9 triệu đồng) cho khoảng 900 cổ đông tham dự đại hội cổ đông lan tỏa khắp các mặt báo.

Chỉ cần là cổ đông, có người thậm chí chỉ sở hữu số lẻ là 14 cổ phiếu vẫn được nhận phần quà nói trên. Có ước tính rằng, tổng giá trị phần quà mà Sacombank dành cho cổ đông khoảng gần ba tỷ đồng, nghe thì có vẻ lớn nhưng có thể thấy các ngân hàng như Sacombank lãi hàng nghìn tỷ đồng, và hiệu ứng truyền thông của món quà này là khá lớn. Các cổ đông tham dự tất nhiên vô cùng hài lòng, còn ai chưa mua cổ phiếu của Sacombank thì ít nhất cũng có dấu ấn rằng ngân hàng này có vẻ rất “chiều” và tôn trọng cổ đông. 

Khá lâu rồi, mới xuất hiện một thông tin khiến cho hình ảnh của ngân hàng trở nên hấp dẫn đến như vậy trong ngắn hạn. Thực tế là những năm gần đây, rất nhiều ngân hàng lãi lớn và các sản phẩm của ngân hàng, phổ biến nhất là các ứng dụng (app) ngân hàng điện tử đã đi vào đời sống, trở nên quen thuộc nên dường như những chiến dịch marketing mang tính khuếch trương có lẽ không quá cần thiết. Thực tế, cũng chưa đến 1.000 người được Sacombank tặng vàng miếng và cũng chỉ là nhân dịp đại hội cổ đông, nghĩa là đây không phải chương trình có quy mô quá lớn, chỉ là đem lại một hiệu ứng truyền thông lớn mà thôi.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi mức độ cạnh tranh tiếp tục gia tăng, những lợi thế về công nghệ được san bằng, chẳng hạn như các app hiện nay hầu như chức năng như nhau, tốc độ nhanh như nhau thì các ngân hàng sẽ lại cần những chương trình để tạo ra sức hút, xây dựng giá trị thương hiệu cho mình và thu hút khách hàng. Thách thức ở đây không nằm ở những chương trình marketing, hay hoạt động xã hội có hiệu ứng ngắn hạn mà phải có tính dài hạn và lan tỏa. 

Nói đơn cử như trường hợp của Giải Marathon quốc tế TP Hồ Chí Minh Techcombank được tổ chức khoảng nửa thập kỷ qua có tính lan tỏa rất lớn, được các vận động viên tham gia đánh giá cao và tất nhiên đem lại nhiều lợi thế cho thương hiệu Techcombank. Hay như Ngân hàng Nam Á, có đại sứ thương hiệu là các hoa hậu trong cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ trong nhiều năm liền cũng tạo ra được bản sắc riêng. Mấu chốt của vấn đề là Giải Marathon quốc tế TP Hồ Chí Minh Techcombank, hay cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam được tổ chức thường niên, trong nhiều năm liền, bài bản, có chất lượng mới có thể tạo ra được dấu ấn chứ không phải mới xuất hiện hoặc lâu lâu mới tổ chức. Ngoài yếu tố dài hạn thì việc làm thương hiệu cần có sự cộng hưởng của các đơn vị trong hệ sinh thái, như trường hợp của Sacombank tặng vàng miếng cho cổ đông là sản phẩm của Sacombank-SBJ. 

Từ những trường hợp kể trên, có thể thấy rằng, nhiều khả năng thời gian tới sẽ xuất hiện thêm những chương trình làm thương hiệu bài bản của các ngân hàng, hướng đến yếu tố bền vững, thực chất và có nhiều lợi ích cho xã hội và cộng đồng.