HIỆN nay, ở Hà Nội, phần lớn các trường mầm non, tiểu học và một số trường THCS đều tổ chức cho học sinh học hai buổi/ngày và ăn bán trú tại trường, tạo điều kiện cho các em học sinh được học tập, chăm sóc tốt hơn, bớt thời gian cha mẹ đưa đón, lo cơm nước. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất của các trường chưa đầy đủ, cho nên rất ít trường có bếp ăn và tổ chức nấu ăn cho học sinh tại trường, mà phần lớn các trường ký hợp đồng, thuê công ty thực phẩm nấu và cung cấp cho học sinh. Điều này gây không ít băn khoăn, lo lắng trong các vị phụ huynh.
Chị Nguyễn Vân Tú, phụ huynh có con đang học mẫu giáo lớn tại một trường mầm non trên địa bàn quận Tây Hồ cho biết: “Vợ chồng tôi đều bận công việc, hằng ngày không có thời gian đưa đón con về ăn trưa ở nhà, vì vậy hai cháu đều được học bán trú, ăn trưa tại trường. Qua theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, thấy tình trạng thực phẩm ôi thiu, thối rữa được chế biến đưa ra tiêu thụ trên thị trường tôi rất lo lắng. Gia đình chỉ biết trông chờ vào “cái tâm” của người quản lý, cô nuôi ở trường. Nếu người quản lý chỉ vì lợi nhuận, nhập thực phẩm rẻ, không nguồn gốc… sẽ là mối họa cho cả một thế hệ tương lai sau này”. Một phụ huynh Trường mầm non Tuổi Hoa (quận Đống Đa) cũng cho biết: “Nhà trường rất chú trọng đến bữa ăn của các con, thường xuyên trao đổi với phụ huynh qua tin nhắn, trao đổi trực tiếp với phụ huynh về thực đơn các bữa ăn của các cháu. Tuy nhiên, thực phẩm lấy từ đâu, nguồn gốc thế nào thì phụ huynh chúng tôi không rõ, chỉ hy vọng vào sự quản lý chặt chẽ từ phía nhà trường”.
Những băn khoăn, lo lắng của các phụ huynh không phải là không có cơ sở, bởi năm nào cũng có những thông tin về các vụ ngộ độc thực phẩm liên quan đến bếp ăn trường học. Như vào tháng 2-2015, Cục Cảnh sát môi trường (Bộ Công an) bắt quả tang cơ sở kinh doanh trái phép thực phẩm quá hạn với số lượng lớn tại quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) đưa vào một số trường mầm non. Đầu tháng 3-2015 là vụ 65 học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thanh Tuyền (quận 3, TP Hồ Chí Minh) có dấu hiệu ngộ độc thực phẩm sau khi kết thúc bữa ăn chiều; 300 kg thực phẩm (cá, thịt, rau) đều bị ôi thối, dập nát đưa vào Trường tiểu học Long Bình (tỉnh Bình Dương). Mới đây nhất, tại Hà Nội, lực lượng chức năng phát hiện rau xanh không rõ nguồn gốc tuồn vào bếp ăn bảy trường mầm non, tiểu học ở quận Tây Hồ… Đây chỉ là con số nhỏ trong số hàng nghìn trường học có tổ chức ăn bán trú trên địa bàn Thủ đô. Vậy công tác quản lý an toàn thực phẩm trong các trường học tổ chức ăn bán trú ra sao?
Theo quy định của ngành y tế, các bếp ăn tập thể, căng-tin nhà trường phải bảo đảm đầy đủ các điều kiện về ATVSTP. Nơi chế biến thực phẩm phải đáp ứng quy định về trang thiết bị, dụng cụ. Mặt khác, việc sử dụng nguyên liệu phải có nguồn gốc rõ ràng và phải được ký hợp đồng với các đơn vị cung ứng thực phẩm đủ điều kiện… Tìm hiểu thực tế công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở một số trường trên địa bàn các quận Đống Đa, Hà Đông, Hoàn Kiếm cho thấy, cơ bản các trường đều thực hiện chặt chẽ các quy trình theo quy định. Hằng tháng, hằng quý đã phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra định kỳ và kiểm tra đột xuất các loại sản phẩm và giấy tờ liên quan đến cung cấp, cung ứng thực phẩm, tập huấn kiến thức VSATTP, nhận biết thực phẩm tươi, sạch. Tuy nhiên, việc nhận biết thực phẩm có thật sự an toàn, có bảo đảm đúng cam kết hay không còn khó khăn vì nhà trường mới chỉ kiểm tra bằng cảm quan.
Hiệu trưởng Trường mầm non Ánh Dương (Hà Đông) Nguyễn Thị Hồng Ánh cho biết, việc kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm được lập thành quy trình cung ứng, hằng ngày có đại diện Ban giám hiệu, công đoàn, thanh tra nhà trường trực tiếp giao nhận thực phẩm. “Ngay trước năm học mới, các đơn vị cung ứng nộp hồ sơ, nhà trường lựa chọn từng hồ sơ, kiểm soát thông tin. Bước tiếp theo, lựa chọn đơn vị phù hợp nhưng chưa ký hợp đồng ngay, mà sử dụng sản phẩm vài tuần để kiểm tra chất lượng có bảo đảm an toàn hay không, sau đó mới ký hợp đồng”.
Hàng trăm vụ ngộ độc thực phẩm, hàng trăm tấn thực phẩm “bẩn”, nhiễm hóa chất được phát hiện, xử lý trong thời gian gần đây, khiến phụ huynh và xã hội thật sự hoang mang. Để chấn chỉnh tình trạng này, nhiều ý kiến cho rằng, cần các cơ quan liên ngành vào cuộc, siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm các nguồn thực phẩm an toàn.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Lê Lợi (quận Hà Đông) Phạm Thị Tâm đề xuất: “Cái khó của nhà trường là mới chỉ kiểm tra được hợp đồng, giấy phép kinh doanh của công ty cung ứng. Còn hằng ngày thì kiểm tra thực phẩm bằng cảm quan. Do đó, rất cần các cơ quan chức năng liên ngành vào cuộc, tăng cường kiểm tra, kiểm tra đột xuất và có những hình phạt thích đáng đối với các công ty làm ăn sai trái”.
Đồng tình quan điểm này, PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cho rằng, các nhà trường khó có thể kiểm tra được đâu là thực phẩm sạch, đâu là “bẩn”. “Khi đã ký hợp đồng với công ty, nhà trường sẽ dựa vào hóa đơn, chứng từ để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm. Hơn nữa, các công ty lại dùng thủ đoạn trộn lẫn thực phẩm bẩn với thực phẩm sạch để đưa vào nhà trường và vẫn có hóa đơn chứng minh nguồn gốc thực phẩm đó. Đối với hành vi như vậy, nhà trường không thể phát hiện ra. Các cơ quan chức năng cần tăng cường phát hiện những vụ việc sai phạm của các công ty cung cấp thực phẩm vào trường học để cảnh tỉnh những đơn vị làm ăn gian dối, đồng thời, có biện pháp xử phạt thật nặng”.
Vậy ngành giáo dục có giải pháp nào kiểm soát an toàn thực phẩm trong các nhà trường? Trả lời vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Nguyễn Hiệp Thống cho biết, ngành đặc biệt quan tâm và đưa an toàn thực phẩm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học. Đầu năm học, Sở đều có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường cụ thể. Tuy nhiên, không nên coi đây là việc của riêng ngành giáo dục. Để kiểm soát, loại bỏ được thực phẩm bẩn phải có sự quản lý đồng bộ của các cơ quan chức năng như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm, Công an, Quản lý thị trường… Có vậy, phụ huynh mới yên tâm với thực phẩm và bữa ăn hằng ngày của các con em mình tại nhà trường.