Ngăn chặn tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và nâng cao tinh thần tự phê bình, phê bình, tính chiến đấu của Đảng trong việc ngăn chặn tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
0:00 / 0:00
0:00

Kỳ 4: Nâng cao tính chiến đấu và gương mẫu

1/Giải pháp thứ ba là, tăng cường giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân. Nguyên nhân sâu sa của sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực là xuất phát từ chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, từ sự thoái hóa, biến chất, từ “danh và lợi” của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có chức, có quyền đã lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng mọi kẽ hở của cơ chế, chính sách; lợi dụng sự yếu kém, buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm để thu nhiều lợi cho mình hoặc cho một nhóm có cùng chung mục đích vụ lợi, không cần biết đến hậu quả. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “nhiều người phạm những lầm lỗi rất nặng nề” trong đó có hàng loạt lỗi lầm chung quanh việc lạm dụng khi có quyền lực trong tay và “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết vào tháng 10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Bệnh tham lam - Những người mắc phải bệnh này thì đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của Đảng, của dân tộc, do đó mà chỉ “tự tư tự lợi”. Dùng của công làm việc tư. Dựa vào thế lực của Đảng để theo đuổi mục đích riêng của mình. Sinh hoạt xa hoa, tiêu xài bừa bãi. Tiền bạc đó ở đâu ra? Không xoay của Đảng thì xoay của đồng bào. Thậm chí làm chợ đen buôn lậu. Không sợ mất thanh danh của Đảng, không sợ mất danh giá của mình”. Vì vậy, công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân để xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ, đảng viên có chức, có quyền là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài. Muốn vậy, cần tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là tư tưởng về “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. Gắn việc tổ chức thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII với việc thực hiện và kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Kết luận số 21-KL/TW (25/10/2021) của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp trong toàn Đảng, từng cán bộ, đảng viên, nhất là đảng viên có chức, quyền công tác ở lĩnh vực dễ bị tha hóa quyền lực để tự soi, tự sửa lại mình về những việc làm cụ thể; tổ chức đảng lắng nghe, chắt lọc những nội dung các tổ chức, cá nhân tham gia góp ý cho đảng viên để gợi ý đảng viên kiểm điểm, giải trình nghiêm túc, tự đề ra phương hướng, kế hoạch khắc phục, sửa chữa kịp thời.

Việc học tập và làm theo Bác, cần tập trung vào nội dung nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân; về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư tạo nên phong trào tự tu dưỡng, rèn luyện, phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, trong xã hội. Cán bộ lãnh đạo, nhất là cán bộ chủ chốt từ Trung ương đến cơ sở phải nêu gương về đạo đức, lối sống và kiên quyết phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, lợi ích nhóm, tiêu cực bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực, chứ không phải là lời nói suông, nói mà không làm hoặc nói vậy nhưng không phải vậy. “Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Mỗi cán bộ, đảng viên phải “Có ý thức làm chủ Nhà nước, tinh thần tập thể xã hội chủ nghĩa và tư tưởng “mình vì mọi người, mọi người vì mình”, phải có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, lối sống vị kỷ, thực dụng, thực sự là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, thực sự là nô bộc của nhân dân”. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, Người còn khẳng định và nhắc nhở: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân” và “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”…

2/Giải pháp thứ tư là, cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải thực sự gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn của mình và kiên quyết đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, tiêu cực ở ngay cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Trong dân gian thường vẫn có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Thực tế đã chứng minh nếu người đứng đầu mà nghiêm túc, trong sáng trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn thì luôn là tấm gương sáng để cán bộ, quần chúng thực sự học tập, noi theo và còn có sức sống, giá trị thực tiễn gấp trăm lần bài diễn thuyết hay. Biết bao nhiêu cán bộ, đảng viên suốt cả cuộc đời cống hiến và làm việc, cho cả đến lúc nghỉ hưu không có dư luận xấu, không một tỳ vết, không có một lời phàn nàn về lạm quyền, lợi dụng chức quyền, địa vị, hoặc vị trí công tác để trục lợi cho cá nhân, gia đình và người thân, để lại tình cảm chân thành và cả lòng ngưỡng mộ, kính trọng của đông đảo những cán bộ, đảng viên đương chức và nhân dân.

Trong khi nền kinh tế của nước ta còn chưa phát triển mà trong xã hội có một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền chơi ngông, xài sang và lãng phí hơn cả ở các nước phát triển thì đó là điều khó chấp nhận. Những người có được nhiều tiền nhờ lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực hoặc “dựa dẫm” vào người có chức, quyền để kiếm chác một cách khuất tất, mờ ám, tham nhũng… dẫn đến thói hưởng lạc, hợm hĩnh, vênh vang về sự “hơn đời” làm dư luận xã hội bức xúc. Trong lịch sử, thời nào cũng vậy, làm quan là làm gương. Đạo đức và nếp sống văn hóa xã hội sẽ không thể tốt đẹp nếu các bậc quan “phụ mẫu” là những mảnh gương vỡ và xấu xí về thói cậy thế, cậy quyền, lạm quyền, lợi dụng quyền lực, trưởng giả… Ngay từ thế kỷ XIX, dưới thời chế độ phong kiến Việt Nam, Đặng Huy Trứ đã viết tác phẩm “Từ thụ yếu quy”, trong đó đã chỉ rõ những gì quan lại phải từ chối (“Từ” và cái gì được nhận, “Thụ” là cái được hưởng), mà ngày nay vẫn có tính thời sự và là tấm gương để chúng ta, nhất là những người có chức, quyền học tập noi theo.

Để ngăn chặn sự tha hóa quyền lực, phòng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực đòi hỏi ở sự gương mẫu, liêm khiết, trung thực rất cao của người đứng đầu, của cán bộ chủ chốt trong các cơ quan đảng, nhà nước, hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Người đứng đầu phải gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia đấu tranh phòng, chống sự tha hóa quyền lực, tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực. Trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn phải bảo đảm nguyên tắc, quy định, quy chế của Đảng, pháp luật của Nhà nước, công khai, minh bạch với chính bản thân mình, không để gia đình, người thân lộng quyền, lợi dụng chức quyền, vị trí công tác của mình để vụ lợi. Đặc biệt “Cán bộ cấp trên phải gương mẫu trước cán bộ cấp dưới, đảng viên và nhân dân”. Đẩy mạnh và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, chất lượng Quy định số 08-QĐi/TW (25/10/2018) của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Thực hiện “văn hóa từ chức”, “văn hóa tự xử” và “quy chế trả giá trách nhiệm” đối với những sai lầm trong lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội để tăng cường trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Khi thiếu trách nhiệm và gây thiệt hại cho nền kinh tế - xã hội phải trả giá trách nhiệm vì đạo lý của người cộng sản và chỉ có làm như vậy mới củng cố và giữ được niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và khi đó Đảng mới thật sự “chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình”. Muốn vậy: một là, cần đưa vào chương trình giáo dục ở các trường đảng (từ trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện trở lên) một chuyên đề về “văn hóa từ chức”, “văn hóa tự sai, tự sửa, tự chịu trách nhiệm và tự xử” nhằm làm cho cán bộ, đảng viên có nhận thức mới và đúng: coi việc từ chức, tự tu, tự dưỡng, tự rà, tự soát, tự sửa, tự chịu trách nhiệm và tự xử khi mắc sai lầm hoặc khi không đủ năng lực, trình độ ở vị trí chức vụ được giao là biểu hiện trách nhiệm với nhân dân, với Đảng và là đạo lý làm người. Đạo lý này cũng giống như việc “làm hỏng của ai cái gì thì phải bồi thường” là đạo lý mà tất cả những người dân bình thường cũng hiểu và ứng xử như thế; hai là, cần có quy chế trả giá rõ ràng và mang tính bắt buộc đối với những sai phạm gây thiệt hại cụ thể, bao gồm hai mặt: trả giá bằng quyền lợi chính trị và quyền lợi vật chất. Đây không chỉ là thực thi pháp luật mà còn thực hiện công bằng xã hội vì không thể để tồn tại nghịch lý “một người làm sai, nhân dân và Nhà nước chịu thiệt”. Khi nâng cao được trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy, sự quản lý chặt chẽ, điều hành khoa học của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân được thực hiện trên thực tế sẽ ngăn chặn được sự tha hóa quyền lực, đẩy lùi được tham nhũng, tiêu cực.

3/Giải pháp thứ năm là, đổi mới, sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII (Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Đặc biệt, cần quy định rõ, hạn chế cấp hàm và cấp phó tối đa của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Nếu quá nhiều cấp hàm và cấp phó sẽ khó cho việc kiểm soát quyền lực mà hiệu lực, hiệu quả quản lý sẽ không cao. Đồng thời, rà soát và sửa đổi, bổ sung quy chế làm việc của các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trong đó cần quy định rõ ràng nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền của tập thể, của cá nhân gắn với trách nhiệm của tập thể; trách nhiệm của người đứng đầu và từng cấp phó, công chức, viên chức để mọi người thực hiện đúng với vị trí, vai trò, trách nhiệm công việc của mình, nhất là ở những nơi “nhất thể hóa” bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác cán bộ và kiểm tra, giám sát chặt chẽ, có hiệu lực, hiệu quả công tác cán bộ…

_________________

Bài viết có sử dụng tư liệu trong Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002.