Ngăn chặn nạn khai thác cây dược liệu trái phép ở Nghệ An

Nghệ An là một trong những tỉnh có sự đa dạng sinh học cao, nguồn cây thuốc phong phú. Tuy nhiên, theo bạn đọc phản ánh, thời gian qua do chưa được quan tâm bảo vệ và phát triển đúng mức, người dân hám lợi đã tự ý ồ ạt vào rừng khai thác trái phép dẫn đến nguy cơ các loại dược liệu quý hiếm dần bị tuyệt chủng.

Dược liệu khai thác trái phép ngang nhiên phơi trên quốc lộ 7 thuộc địa bàn huyện Con Cuông, Tương Dương.
Dược liệu khai thác trái phép ngang nhiên phơi trên quốc lộ 7 thuộc địa bàn huyện Con Cuông, Tương Dương.

Năm 2004, Viện Dược liệu, Bộ Y tế cùng Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Y tế Nghệ An đã điều tra khảo sát 50% số xã thuộc miền tây Nghệ An cho thấy: Nghệ An có tới 962 loài cây thuốc, trong đó nhiều loài có giá trị cao như sâm Puxailaleng, Đẳng sâm, Bảy lá một hoa, Lan Kim tuyến, Sa nhân, Hà thủ ô trắng, Nấm Linh chi đỏ, Giảo cổ lam, Đông trùng hạ thảo… Nghệ An còn có 31 loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cần bảo tồn theo sách đỏ Việt Nam. Đây là địa phương có tiềm năng lớn để phát triển công nghiệp dược phẩm, gắn với trồng, sản xuất nguồn nguyên liệu dược.

Tuy nhiên, thời gian qua, vấn đề phát triển công nghiệp dược và dược liệu trên địa bàn chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn cây thuốc ở Nghệ An đã và đang bị suy giảm nhiều, hầu hết các loại cây thuốc có giá trị sử dụng và kinh tế cao đang mất dần khả năng khai thác lớn do sự khai thác thiếu chú ý bảo vệ tái sinh và do nạn phá rừng làm rẫy. Doanh nghiệp dược chưa chú trọng phát triển lĩnh vực đông dược, trong khi dược liệu trên địa bàn tỉnh bị tư nhân thu mua nhiều chở sang biên giới... Hiện việc trồng, phát triển cây dược liệu vẫn đang ở quy mô nhỏ, tự phát.

Thời gian gần đây, tại các huyện miền núi Nghệ An, người dân “ vô tư” vào rừng tìm khai thác các loại cây dược liệu như cu li, cây ba gạc, cây huyết đằng, củ ba mươi mang về bán cho các thương lái ở địa phương để bán cho đầu mối thu gom xuất đi nước ngoài. Những ngày vừa qua, tại các huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong xuất hiện nhiều thương lái thu gom dược liệu. Hàng trăm người dân đổ xô vào rừng, tận diệt loài cây quý khiến Vườn quốc gia Pù Mát, khu dự trữ sinh quyển có vành đai xanh lớn nhất Đông - Nam Á bị đe dọa nghiêm trọng.

Có thời điểm các điểm thu gom cây chua ke (một loại cây chứa dược liệu lại có khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất) hoạt động nhộn nhịp ngày đêm, với hàng chục tấn lá chua ke được thu mua mỗi ngày. Một số vùng trọng điểm như: thôn Tiến Thành, xã Chi Khê, huyện Con Cuông; bản Lũng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương; bản Hốc, xã Diên Lãm, huyện Quỳ Châu. Theo người dân, một kg lá chua ke khô, thương lái mua với giá bảy đến tám nghìn đồng, nếu lá tươi sẽ có giá khoảng hai nghìn đồng. Năm 2014, tại huyện Anh Sơn, chỉ tính riêng một điểm tại xã Đỉnh Sơn, mỗi ngày lượng cây chè cỏ đã được thu mua khoảng 20 tấn cây tươi, với giá 800 đồng/kg.

Tại xã Châu Quang, huyện Quỳ Hợp, các loại cây dược liệu này được thương lái thu mua, đem phơi ven đường và các bãi đất trống. Một người làm thuê cho thương lái ở đây cho biết, cứ vài ba ngày, người chủ thu mua dược liệu lại chất đầy xe tải đem sang nước ngoài bán. Theo anh Vi Văn H, trú tại huyện Tương Dương, chuyên khai thác cây dược liệu từ rừng về bán, cho biết, trước đây, các khu rừng này có nhiều cây cu li. Thấy nhiều người đến mua, dân bản kéo nhau vào rừng chặt, cho nên bây giờ, đi cả ngày cũng chỉ chặt được khoảng 20 kg.

Một cán bộ lâm nghiệp ở Con Cuông cho biết, tình trạng người dân bản địa đổ xô vào vườn quốc gia khai thác dược liệu bắt đầu từ khoảng ba năm trở lại đây. Ban đầu, bà con khai thác ở vùng đệm, chủ yếu trên nương rẫy. Khi nguồn dược liệu cạn dần, không ít người tràn sang khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của Vườn quốc gia Pù Mát để săn tìm. Nhiều loại cây dược liệu, chủ yếu là dây máu chó, hoằng đằng, quả bo bo, củ thiên niên kiện, hạt sa nhân… trước đây mọc khắp nơi, chẳng ai để ý; nay trước sự khai thác ồ ạt của người dân, những loại cây này đang có nguy cơ bị xóa sổ. Hạt kiểm lâm huyện Con Cuông xác nhận việc người dân khai thác các loại cây dược liệu trên địa bàn để bán lại cho thương lái. Dù biết đây là hiểm họa khó lường, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, nhưng, muốn xử lý nạn khai thác lâm sản phụ đang diễn ra tràn lan ở các huyện miền núi như hiện nay phải chờ quy định ra đời mới có thể xử lý...

Vào tháng 7-2015, tỉnh Nghệ An tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển cây dược liệu thành cây chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An”. Tại hội thảo, các nhà khoa học, quản lý, đại diện các doanh nghiệp đã tập trung thảo luận đánh giá thực trạng trồng và phát triển dược liệu, đồng thời đề xuất xây dựng quy hoạch và chiến lược phát triển dược liệu của tỉnh Nghệ An đến năm 2020 và định hướng đến 2030; thảo luận về công tác quy hoạch các vùng trọng điểm bảo tồn, phát triển nguyên liệu cây dược liệu; thúc đẩy xã hội hóa trong công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Công tác kết nối các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng với tỉnh xây dựng vùng nguyên liệu và đầu tư nhà máy chế biến dược phẩm cũng được hội thảo đề cập, từ đó đề xuất các chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng trồng nguyên liệu tại Nghệ An.

Trước mắt, các ngành, các cấp cần sớm có biện pháp ngăn chặn cây dược liệu mọc tự nhiên quý hiếm trong rừng đang ồ ạt “chạy” sang nước ngoài.

“Phát triển công nghiệp dược phẩm gắn liền với trồng, sản xuất cây dược liệu là định hướng lớn, cần tập trung đẩy mạnh của Nghệ An trong thời gian tới. Cây dược liệu chính là cây chiến lược để giúp miền tây Nghệ An thoát nghèo. UBND tỉnh Nghệ An sẽ giao cho các sở, ban, ngành và đơn vị liên quan xây dựng chiến lược phát triển cây dược liệu”.

HUỲNH THANH ĐIỀN

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An

“Thương lái nước ngoài mua dược liệu thô với giá rẻ nhưng sau khi chế biến, họ nhập lại Việt Nam với giá cắt cổ. Trong khi đó, chất lượng dược liệu mua từ nước ngoài lại không được cam kết, bảo đảm một cách chắc chắn an toàn cho sức khỏe người sử dụng vì chúng ta không trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình khai thác, sơ, chế biến”.

TRƯƠNG VĂN HIỀN

Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP vật tư nông nghiệp Nghệ An

“Do khai thác liên tục nhiều năm, thiếu chú ý bảo vệ tái sinh, cộng với nạn phá rừng làm nương rẫy nên nhiều loài cây thuốc quý có trữ lượng lớn bị suy giảm nghiêm trọng. Vì vậy, Nghệ An cần xây dựng một kế hoạch lâu dài để khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc”.

NGUYỄN MINH KHỞI

Viện trưởng Dược liệu

Có thể bạn quan tâm