Ngăn chặn chất kích thích, ma túy xâm nhập học đường

Thời gian qua, nhiều mối nguy cơ về việc các chất kích thích, ma túy xâm nhập các trường học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh liên tiếp được các cơ quan chức năng cảnh báo về mức độ nguy hiểm, tác hại. Vấn đề này, nếu các cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và xã hội không quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn thì nhiều hệ lụy sẽ tác động đến chính các em, gia đình và xã hội.
0:00 / 0:00
0:00

Mới đây, Công an Quận 10 vừa phát đi cảnh báo nguy hiểm về các loại ma túy trộn trong đồ uống và thực phẩm. Thủ đoạn mà các đối tượng sử dụng là dùng ma túy, các chất kích thích bị cấm pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm chức năng, kẹo, đồ uống như: Trà giảm cân, nước xoài, bánh cần, sô-cô-la, cỏ Mỹ,…

Nhiều nạn nhân khi sử dụng các loại thực phẩm này đã phải nhập viện cấp cứu do các triệu chứng như bị ngộ độc. Đáng báo động, nạn mua bán, trao đổi các loại thực phẩm, đồ uống có chứa các chất kích thích đang dần trở nên phổ biến trên internet, mạng xã hội.

Với giá chỉ dao động từ 150 nghìn đồng đến 400 nghìn đồng, người mua đã có thể đặt một hộp thực phẩm này với các lời rao công khai “bao phê”, “bao chất lượng”, “hiệu quả chỉ sau mấy phút sử dụng”,… Tuy nhiên, các thông tin về thành phần, nguồn gốc, xuất xứ,… thì tuyệt nhiên không được công bố, giới thiệu.

Các chuyên gia trong lĩnh vực y tế khẳng định, chất kích thích gây tác hại thay đổi nhịp tim, đập nhanh hơn lúc bình thường, huyết áp tăng cao, hay mệt mỏi, có cảm giác hồi hộp, giãn đồng tử, đổ mồ hôi, tăng sức ép gây tổn thương gan. Các loại chất này tác động mạnh đến tâm lý gây ảo giác, hoảng loạn, tăng hoạt động, nhận xét sai lệch, dễ bị kích động mất kiểm soát. Nếu lạm dụng kéo dài sẽ dẫn đến các hành vi hung hăng, nóng giận, liều lĩnh, bị loạn thần, hoang tưởng.

Đối với gia đình, người thân có người nghiện thì sẽ gây buồn khổ, thiệt hại về tài chính của gia đình và người thân vì người nghiện phung phí tiền bạc, của cải để mua chất kích thích, ma túy. Đối với xã hội, nghiện ngập là nguồn cơn dẫn đến những tệ nạn xã hội như: trộm cắp, móc túi, cướp giật, lừa đảo... Trong môi trường giáo dục, các chất kích thích, gây nghiện càng đặc biệt nguy hại hơn vì các em học sinh chính là thế hệ tương lai của xã hội.

Để phòng, chống các chất kích thích, ma túy trong nhà trường, ngoài các giải pháp mang tính chiến lược đang được Chính phủ triển khai thì ở mỗi đơn vị (nhà trường, địa phương, các cơ quan chức năng) cần chủ động thực hiện các giải pháp phù hợp, chủ động tạo môi trường lành mạnh, để ma túy, các chất kích thích không xâm nhập vào trường học.

Có thể thấy, trong vấn đề hệ trọng này, trách nhiệm lớn thuộc về ngành Giáo dục và Đào tạo, trong đó, nhà trường là đầu mối chủ trì, phối hợp và có trách nhiệm với các bên khác để thực hiện có hiệu quả vấn đề này. Công tác tuyên truyền và giáo dục thế hệ trẻ nhận biết được những nguy cơ, những phương thức mà tội phạm sử dụng đưa các chất ma túy vào trong nhà trường để học sinh hiểu và tránh xa.

Đối với xã hội, cụ thể là các cơ quan chức năng, hội, đoàn thể cần tăng cường các giải pháp tuyên truyền sinh động, cụ thể, trực quan để giúp học sinh nhận biết tác hại của ma túy; đồng thời, tạo môi trường lành mạnh thu hút học sinh tham gia, để các em không có “cơ hội” tiếp xúc với môi trường nhiều cạm bẫy, nguy cơ.

Với gia đình, các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian để giáo dục, rèn giũa con; lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng của con em để đồng hành, hỗ trợ các em vượt qua những thay đổi về tâm sinh lý, cám dỗ của xã hội, trong đó có ma túy, các chất kích thích. Bản thân các em tùy vào độ tuổi cần chủ động tìm hiểu các kiến thức nhằm tự “tạo đề kháng” cho bản thân trước những tác hại khôn lường của chất kích thích, ma túy.