Sức ép từ giá năng lượng

Cùng sức ép từ căng thẳng tại Ukraine, việc các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn từ chối tăng sản lượng khai thác góp phần đẩy giá dầu thế giới tiếp tục tăng cao. Lo ngại đà tăng giá dầu, nhiều nước đã đưa ra các “liều thuốc khẩn cấp” nhằm giảm thiểu những thiệt hại đối với nền kinh tế.

Các bể chứa dầu thô tại Cushing, Oklahoma (Mỹ). Ảnh: Reuters
Các bể chứa dầu thô tại Cushing, Oklahoma (Mỹ). Ảnh: Reuters

Giá dầu thế giới đã vượt ngưỡng cao nhất trong gần 8 năm qua, được cho là do tác động từ việc các nước phương Tây siết chặt trừng phạt Nga liên quan xung đột tại Ukraine và tình trạng gián đoạn nguồn cung từ nhà xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới này. Nguồn cung dầu mỏ càng chịu nhiều sức ép sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (nhóm OPEC+) không quyết định tăng thêm sản lượng khai thác như kỳ vọng. Sau cuộc họp trực tuyến, OPEC+ vẫn giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng khai thác ở mức 400.000 thùng/ngày vào tháng 4 tới. Các “đại gia dầu mỏ” cho rằng biến động giá vàng đen không xuất phát từ các yếu tố cơ bản của thị trường, mà do các diễn biến địa chính trị.

Thực hiện sứ mệnh bình ổn thị trường dầu mỏ, đặc biệt trong bối cảnh giá dầu biến động mạnh hiện nay, trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, các thành viên OPEC đã tăng sản lượng thêm 64.000 thùng/ngày, đưa tổng sản lượng của khối lên 27,981 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng 400.000 thùng/ngày mà OPEC+ đặt ra từ tháng 8/2021 nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế toàn cầu sau cú sốc do làn sóng lây nhiễm đầu tiên của dịch Covid-19.

Giới phân tích cho rằng, do một số thành viên không đạt hạn ngạch sản lượng hằng tháng, OPEC+ sẽ không kiểm soát được sự biến động mạnh của giá dầu trên các thị trường quốc tế. Chuyên gia phân tích Tamas Varga thuộc Hãng PVM Energy nhận định, chỉ Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), hoặc Kuwait, mới có khả năng tăng sản lượng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, Saudi Arabia, vốn được coi là trụ cột trong 13 nước thành viên OPEC, đã tái khẳng định cam kết tuân thủ thỏa thuận hạn ngạch sản lượng của OPEC+.

Một lý do nữa khiến các nhà sản xuất dầu mỏ trong OPEC+ không tăng sản lượng dầu là tình trạng thiếu đầu tư trong nhiều năm và bất ổn chính trị kéo dài đã khiến công suất dự phòng sụt giảm nghiêm trọng ở các nước, trong đó có Nigeria, Angola và Libya.

Trong khi đó, các quốc gia tiêu thụ nhiều nhiên liệu đang tìm cách tăng nguồn cung và hạ giá dầu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Mỹ và các đồng minh đã nhất trí “xả” 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ để bổ sung cho thị trường, qua đó tháo gỡ phần nào khan hiếm nguồn cung. Các nước châu Âu kêu gọi nhanh chóng đa dạng hóa các nguồn cung năng lượng để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tại châu Á, Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ nâng mức trợ giá cho các nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu trong nước để bình ổn thị trường nhiên liệu, trong bối cảnh giá bán lẻ xăng ở Nhật Bản tăng lên mức cao nhất trong 13 năm qua do ảnh hưởng của giá dầu tăng. Việc giá nhiên liệu và nhiều loại nguyên vật liệu thô đều tăng có thể khiến các doanh nghiệp đẩy gánh nặng chi phí lên người tiêu dùng, từ đó tác động tiêu cực tới nền kinh tế, nhất là khi đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn còn khá mong manh.

Nguồn cung nhiên liệu của thế giới đang bị ảnh hưởng mạnh bởi tình hình địa chính trị ở Đông Âu hiện nay cùng với quyết định giữ nguyên chiến lược khai thác của OPEC+. Các chuyên gia cảnh báo, hậu quả kinh tế nghiêm trọng sẽ kéo dài, nếu căng thẳng chính trị và các lệnh trừng phạt trả đũa lẫn nhau giữa Nga và phương Tây tiếp diễn.