Diễn biến của nền kinh tế có thể tác động đến thị trường dầu thô trong thời gian tới

NDO -

Mặc dù giá dầu thô đón nhận mức tăng ấn tượng trong tháng 1, tuy nhiên trong thời gian vừa rồi thị trường cũng đón nhận một số giai đoạn điều chỉnh. Với vai trò là một bộ phận thiết yếu của nền kinh tế thế giới cũng như một công cụ tài chính, bên cạnh các yếu tố căn bản chính như nhu cầu và nguồn cung, nhiều phân tích cũng chỉ ra rằng giá dầu sẽ sớm chịu tác động của các yếu tố bên ngoài thị trường.

Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters
Ảnh minh họa. Ảnh: Reuters

Diễn biến giá dầu trong tháng đầu năm

Tính riêng trong tháng 1, giá dầu thô WTI tăng 17,72% trong khi giá dầu Brent tăng 15,14%, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 2 năm 2021. Những ngày gần đây, có những phiên giá dầu thách thức mức 90 USD/thùng.

Diễn biến của nền kinh tế có thể trở thành yếu tố tác động đến thị trường dầu thô trong thời gian tới -0

Lo ngại về nguồn cung sụt giảm đang là yếu tố hàng đầu dẫn dắt thị trường trong thời gian vừa rồi. Các tổ chức uy tín như Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) chỉ ra rằng, nhu cầu dầu thế giới sẽ vượt mức tiêu thụ 100 triệu thùng/ngày trước đại dịch trong năm nay, do tác động của biến thể Omicron đến nhu cầu đi lại không quá nhiều như những dự báo trong năm 2021.

Trong khi đó, theo báo cáo tháng 1 của IEA, tồn kho dầu thô của 38 quốc gia thành viên thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế OECD, hiện chỉ đang ở mức 2,7 tỷ thùng, mức thấp nhất trong vòng 7 năm. Điều này khiến cho việc nguồn cung dầu đột ngột sụt giảm do các sự cố đường ống như tại Ecuador, hay việc các thành viên OPEC tiếp tục sản xuất thiếu dầu so với hạn ngạch đề ra do các bất ổn nội bộ, đều tạo động lực khiến giá tăng mạnh. Theo ước tính, mặc dù OPEC+ vẫn duy trì chính sách tăng sản lượng 400.000 thùng dầu/ngày tuy nhiên tính đến tháng 1, sản lượng vẫn thấp hơn 674.000 thùng/ngày so với chỉ tiêu đề ra.

Tác động của triển vọng nền kinh tế

Bên cạnh vai trò là cung cấp nhiên liệu cho giao thông, dầu thô còn là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều ngành công nghiệp cũng như nguồn năng lượng chính cho các hoạt động kinh tế. Vì vậy, theo lý thuyết, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể làm giảm nhu cầu tiêu thụ dầu. Theo báo cáo Cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, cơ quan này đã hạ dự báo tăng trưởng GDP thế giới năm 2022 từ 4,9% xuống còn 4,4%. Nguyên nhân chủ yếu là do sự giảm tốc của 2 nền kinh tế lớn là Mỹ và Trung Quốc.

Theo IMF, giá năng lượng cao kết hợp với các vấn đề trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến cho lạm phát tăng cao, đặc biệt là Mỹ. Trong tháng 12 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng CPI tại Mỹ tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, báo hiệu lạm phát tại nước Mỹ đang ở mức cao nhất trong gần 40 năm. Trong đó, chi phí cho điện, dầu, khí tự nhiên,…chiếm đến gần 50%.

Diễn biến của nền kinh tế có thể trở thành yếu tố tác động đến thị trường dầu thô trong thời gian tới -0
 

Điều này đang thúc đẩy nước Mỹ tìm cách hạ nhiệt giá các mặt hàng năng lượng nói chung như dầu để kiểm soát lạm phát, tiêu biểu như việc tích cực kêu gọi các nhà sản xuất trong nước gia tăng sản lượng hay sử dụng dầu trong kho dự trữ. Bên cạnh đó, nguy cơ lạm phát đang khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED thắt chặt chính sách tiền tệ.

Sau cuộc họp tuần trước, phần lớn thị trường cho rằng FED sẽ tăng lãi suất 5 lần trong năm nay. Bên cạnh đó FED cũng có kế hoạch giảm bớt lượng trái phiếu nắm giữ để điều chỉnh danh mục tài sản. Điều này thường gây áp lực lên các tài sản tài chính. Đặc biệt hiện tại sau số liệu Bảng lương phi nông nghiệp của Công ty quản lý nguồn nhân lực ADP cho thấy số lượng việc làm giảm lần đầu tiên trong vòng 1 năm, có thể là yếu tố cho thấy nền kinh tế Mỹ đang điều chỉnh, và trở thành nhân tố kìm hãm giá dầu tiếp tục tăng cao.