Nâng cao nhận thức phòng, chống đuối nước trẻ em

Tháng 5 vừa qua, trên địa bàn phường Thạnh Xuân, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh đã xảy một vụ đuối nước tại con kênh trên đường TX33 khiến hai trẻ (bé trai 6 tuổi và bé gái 4 tuổi) là anh em ruột tử vong. Đoạn kênh gần nhà của hai trẻ bị khuyết một đoạn lan can khoảng 3m, nhiều người nghi ngờ nạn nhân bị trượt chân chỗ khuyết lan can này rơi xuống kênh dẫn đến vụ việc đau lòng nêu trên…

0:00 / 0:00
0:00

Từ đầu năm đến nay, trên phạm vi cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ đuối nước ở trẻ em. Thực trạng này một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về việc phải tăng cường các biện pháp phòng, chống đuối nước, dạy kỹ năng mềm cho trẻ. Theo thống kê của Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), từ tháng 1 đến tháng 5 vừa qua, cả nước có 113 trẻ em tử vong do đuối nước. Đây là con số đáng phải suy ngẫm.

Nhằm kiểm soát, kéo giảm số vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em, bảo đảm tính mạng và sức khỏe của trẻ, hạnh phúc của gia đình và xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch phê duyệt chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em giai đoạn 2021-2030. 

Kế hoạch đưa ra mục tiêu 100% các quận, huyện và thành phố Thủ Đức triển khai chương trình bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Đến năm 2025, phấn đấu 60% và đến năm 2030 có 70% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi trên địa bàn thành phố biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 50% số trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi  biết bơi an toàn vào năm 2025 và 60% vào năm 2030. Bảo đảm 100% các cơ sở tổ chức hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước có huấn luyện viên, hướng dẫn viên dạy bơi, nhân viên cứu hộ đuối nước được tập huấn kiến thức nghiệp vụ chuyên môn do cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và bảo đảm các điều kiện về trang thiết bị chuyên môn, vệ sinh, an toàn theo quy định của pháp luật.

Thành phố cũng đặt ra mục tiêu có 90% số hộ gia đình được tiếp cận thông tin, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em vào năm 2025 và 95% vào năm 2030; giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cũng có văn bản đề nghị các cơ sở giáo dục tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, bảo đảm an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh. Trong đó, đề nghị nhà trường xây dựng các chuyên đề tuyên truyền, giáo dục phòng, chống đuối nước cho học sinh trên đường đi học, khi tham quan, dã ngoại, tắm biển, đi bơi, khi vui chơi tại nơi có các nguồn nước mở; khi hoạt động trong môi trường nước; cứu đuối an toàn khi thấy bạn bị đuối nước. Giáo viên thường xuyên nhắc nhở học sinh không được chơi, đùa gần ao, hồ, sông, suối, kênh, rạch, hố công trình... nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước… 

Để công tác phòng, chống đuối nước trẻ em đạt kết quả cao, theo các chuyên gia, các đơn vị liên quan cần có các giải pháp đồng bộ và “dài hơi”. Điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cộng đồng, nhất là cha mẹ, người chăm sóc trẻ. Đầu tư trang, thiết bị, cơ sở vật chất, các hướng dẫn viên dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho các trẻ. Đồng thời, tăng cường việc triển khai xây dựng môi trường an toàn cho trẻ ở cả gia đình và cộng đồng; đẩy mạnh công tác giáo dục kỹ năng mềm tại các trường học để trẻ có ý thức phòng, chống đuối nước một cách chủ động...