Nâng cao năng lực tiêu thoát và xử lý nước thải (Tiếp theo và hết) (*)

Bài 2: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án
0:00 / 0:00
0:00
Dù trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành, đủ điều kiện vận hành phục vụ tiêu úng khi có mưa lớn nhưng vẫn phải hoạt động cầm chừng vì không đủ nguồn nước, dẫn đến ngập úng xảy ra thường xuyên tại khu phía tây thành phố. (Ảnh: VĂN HOÀNG)
Dù trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành, đủ điều kiện vận hành phục vụ tiêu úng khi có mưa lớn nhưng vẫn phải hoạt động cầm chừng vì không đủ nguồn nước, dẫn đến ngập úng xảy ra thường xuyên tại khu phía tây thành phố. (Ảnh: VĂN HOÀNG)

Với mục tiêu bảo đảm thoát nước nhanh chóng khu vực nội thành về các nguồn tiêu đối với những trận mưa có cường độ dưới 100mm/2 giờ, dưới 310mm/2 ngày và tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt từ 50 đến 55%, thành phố Hà Nội triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, tiến độ nhiều dự án chậm trễ.

Quận Long Biên là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của quận nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định vấn đề thoát nước, bảo đảm cảnh quan, môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá cần giải quyết. Quận ủy Long Biên đã xây dựng chương trình số 03 về việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị, trọng tâm là giải quyết vấn đề thoát nước, bảo đảm cảnh quan, môi trường, trong đó có bốn chỉ tiêu về thoát nước, môi trường. Đặc biệt, trong quá trình đầu tư xây dựng các dự án phát triển đô thị, đường giao thông, quận yêu cầu các nhà thầu xây dựng đồng bộ hệ thống xử lý nước thải, thoát nước mưa, nước thải. Tuy nhiên, tình trạng úng ngập mỗi khi mưa lớn vẫn thường xuyên diễn ra tại 16 địa điểm, môi trường nước sông Cầu Bây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do hệ thống kênh mương, hồ, trạm bơm Cự Khối theo quy hoạch từ năm 2013 chưa được đầu tư, còn sông Cầu Bây suốt nhiều năm không được nạo vét. Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Long Biên Nguyễn Mạnh Hà nêu rõ, nếu hệ thống kênh mương, hồ, trạm bơm Cự Khối theo quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng, thì mỗi khi mưa lớn sẽ úng ngập, bất chấp mọi nỗ lực. Vì thế, quận đã đề xuất thành phố cho phép quận làm chủ đầu tư dự án nạo vét sông Cầu Bây, dự kiến khởi công quý I/2023 và xây dựng tuyến mương, hồ điều hòa, trạm bơm Cự Khối, dự kiến khởi công quý III/2023, với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Dự án Cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây thành phố Hà Nội (Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) có tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng gồm hai hạng mục chính là xây dựng cụm công trình đầu mối Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa và cứng hóa kênh La Khê dẫn nước về bể hút. Dự án dự kiến hoàn thành cuối năm 2021, nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, hạng mục kênh La Khê tạm dừng thi công do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Hà Đông. Do đó, dù trạm bơm Yên Nghĩa đã hoàn thành, đủ điều kiện vận hành phục vụ tiêu úng khi có mưa lớn, nhưng phải hoạt động cầm chừng vì không đủ nguồn nước, dẫn đến ngập úng xảy ra thường xuyên tại khu phía tây thành phố. Để có mặt bằng phục vụ thi công kênh La Khê, quận Hà Đông đã có kế hoạch đến quý III/2022 giải phóng xong tối thiểu 85% diện tích, hết năm 2022 nếu các hộ dân không đồng tình phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện cưỡng chế, nhưng đến nay công việc chưa có nhiều chuyển biến.

Tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội về tiến độ dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Mạnh Quyền chỉ rõ trách nhiệm thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhất là quận Hà Đông đã quản lý đất đai lỏng lẻo cho nên gặp khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất. Thành phố yêu cầu các sở, ngành phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân quận Hà Đông chậm nhất năm 2022 phải hoàn thành giải phóng mặt bằng và chủ đầu tư hoàn thành thi công sau sáu tháng có mặt bằng sạch.

Mới đây, tại buổi giám sát về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động thoát nước, xử lý nước thải tại quận Long Biên, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 2021-2025, Thành ủy ban hành Chương trình số 03 về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị; Chương trình số 05 về Đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội đồng nhân dân thành phố cũng đã ban hành các Nghị quyết chuyên đề về cơ chế, chính sách hoặc đưa nội dung bảo vệ môi trường vào nghị quyết phát triển kinh tế, xã hội hằng năm, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. Để nâng cao năng lực tiêu thoát và xử lý nước thải, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã cần triển khai công nghệ mới, xử lý cơ bản ô nhiễm môi trường nước của hệ thống hồ, ao; cải tạo môi trường, từng bước làm sống lại các dòng sông; nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch mạng lưới thu gom, xử lý nước thải của thành phố theo hướng nước thải bảo đảm được thu gom và xử lý tại đầu nguồn, khắc phục tình trạng xử lý tại cuối nguồn như hiện nay; xử lý nghiêm các vi phạm; cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án thoát nước và xử lý nước thải của thành phố, đề xuất triển khai các dự án ưu tiên theo lưu vực.

----------------------------------

Xem Trang Hà Nội Báo Nhân Dân từ số ra ngày 13/9/2022.