Nâng cao hiệu quả công tác đền ơn đáp nghĩa

Tháng bảy hằng năm đã trở thành dịp tri ân lớn lao của cả nước với các Anh hùng, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.
0:00 / 0:00
0:00

Mọi người dân đất Việt đều hướng về, nhớ tới những người con ưu tú của Tổ quốc - những người đã hiến dâng tính mạng, xương máu một phần thân thể, vì độc lập, tự do, thống nhất và hòa bình của Tổ quốc.

Theo thời gian, trong điều kiện kinh tế, xã hội đất nước ngày càng phát triển; ngày càng có nhiều hơn những hình thức đền ơn đáp nghĩa thiết thực, chu đáo, thắm thiết nghĩa tình. Cùng với những chương trình kỷ niệm của Nhà nước, địa phương; các hoạt động thăm, tặng quà gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng do chính quyền, các cơ quan, đoàn thể tổ chức, còn có nhiều cách làm đa dạng trong xã hội. Từ hỗ trợ vốn, điều kiện sản xuất, học tập cho gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công và con em; chăm lo các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các mẹ liệt sĩ; đến nhiều hoạt động hỗ trợ, tài trợ như tặng xe lăn, chân tay giả, khám, chữa bệnh, các hình thức ưu đãi trong các hoạt động y tế, giáo dục, du lịch, dịch vụ xã hội… Cho đến cả các hoạt động văn hóa, nghệ thuật như triển lãm kỷ niệm, biểu diễn ca múa nhạc với các nội dung ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng, ca ngợi những thế hệ có công. Những hình thức tri ân, tôn vinh đa dạng đã góp phần lan tỏa, tuyên truyền rộng rãi những giá trị tốt đẹp, trách nhiệm và ý thức công dân đến toàn xã hội.

Nhiều hoạt động như trên không chỉ diễn ra trong các dịp tháng bảy, mà có thể thấy nhiều hơn, thường xuyên hơn vào các ngày kỷ niệm, các dịp lễ, Tết trong năm; trở thành một phần thiết thực trong việc triển khai chính sách đền ơn đáp nghĩa, trong các hoạt động an sinh xã hội, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái của dân tộc.

Phát huy những thành quả tích cực đó trong đời sống hiện tại và tương lai, rất cần tiếp tục có những sáng tạo về cách làm, mô hình thực hiện, phù hợp điều kiện của các địa phương, cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư trong việc hỗ trợ, chăm lo các đối tượng chính sách. Đặc biệt, là việc thúc đẩy nhanh hơn, toàn diện hơn công tác rà soát, hỗ trợ, quan tâm về vật chất và tinh thần đến những đối tượng, gia đình chính sách, những thiếu hụt, chậm trễ trong việc quan tâm của địa phương, những mất mát, thất lạc, chưa xác định được về hồ sơ, giấy tờ, phần mộ liệt sĩ…

Bởi theo thời gian, nhiều đối tượng cần tri ân ngày càng cao tuổi, suy yếu về sức khỏe, tinh thần, khả năng hưởng thụ các điều kiện đãi ngộ vật chất, tinh thần cũng sẽ càng thêm sút kém. Trong khi, thực tế cho thấy, việc xác minh, hoàn tất các chứng cứ, hồ sơ, thủ tục cho không ít đối tượng chính sách vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập do cả yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Càng làm tốt hơn, hiệu quả hơn, kịp thời hơn trong cuộc chạy đua với thời gian, sẽ càng đúng với truyền thống dân tộc, với những dâng hiến của bao thế hệ người Việt, vì ấm no, hạnh phúc hôm nay.