Nâng cao chất lượng lao động Việt Nam khi tham gia TPP

NDO -

NDĐT- TPP khi chính thức có hiệu lực sẽ tác động mạnh tới tất cả các hoạt động kinh tế, các doanh nghiệp và người lao động Việt Nam. Đặc biệt, do những nội dung cam kết trong TPP và những đặc điểm nguồn lao động (LĐ) Việt Nam, những thách thức và cơ hội, nhất lả về bảo đảm quyền an sinh và nâng cao chất lượng lao động khi Việt Nam tham gia TPP sẽ là một trong những điểm nhấn quan trọng và lâu dài.

Nâng cao chất lượng lao động Việt Nam khi tham gia TPP

Theo Tổng cục Thống kê, đến 1-10-2015 lực lượng lao động (LLLĐ) từ 15 tuổi trở lên của cả nước ước tính là 54,32 triệu người, trong đó, nam 28,12 triệu người, chiếm 51,77% và nữ 26,20 triệu người, chiếm 48,23%; khu vực thành thị là 16,87 triệu người, chiếm 31,06%; khu vực nông thôn là 37,45 triệu người, chiếm 68,94%. Với khoảng 20% đã qua đào tạo, LLLĐ trong độ tuổi LĐ tại thời điểm trên là 47,78 triệu người, nam chiếm 53,9% và nữ chiếm 46,1%; khu vực thành thị chiếm 32,19%; khu vực nông thôn chiếm 67,81%. LĐ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong 9 tháng năm nay ước tính 52,72 triệu người, trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản là 23,35 triệu người, chiếm 44,3%; ngành công nghiệp và xây dựng là 11,85 triệu người, chiếm 22,5%; ngành dịch vụ là 17,52 triệu người, tăng 590 nghìn người, chiếm 33,2%.

Bức tranh lao động Việt Nam còn nhiều điểm mờ, đó là lao động chưa qua đào tạo tập trung phần lớn trong các ngành nông nghiệp kém sức cạnh tranh, dệt may, da giầy và khu vực phi chính thức phi nông nghiệp, chủ yếu là dịch vụ và lao động tại gia khác…Sự yếu kém về trình độ ngoại ngữ, những kỹ năng làm việc nhóm và cả hạn chế về hiểu biết văn hóa các nước khu vực và thế giới cũng còn đậm trong LLLĐ này.

Hơn nữa, mặc dù nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng, có tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lớn và tỷ lệ thất nghiệp thấp, nhưng lao động có việc làm phi chính thức phi hộ nông nghiệplại khá cao. Ước tính quý II-2015, tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi hộ nông nghiệp của cả nước chiếm 56,4% tổng số lao động có việc làm khu vực phi hộ nông nghiệp, trong đó tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi hộ nông nghiệp khu vực thành thị là 47,1%; khu vực nông thôn là 64,5%.

Ngoài ra, thu nhập của người lao động nhìn chung còn thấp; lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu tối thiểu và khoảng 80% lao động Việt Nam không có tích lũy hoặc chỉ có mức tích lũy dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Tính chung 9 tháng năm 2015, cả nước có 227,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 938,7 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 27,3%.

Trong chín tháng đầu năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp của LĐ trong độ tuổi ước tính là 2,36%, trong đó khu vực thành thị là 3,42% và khu vực nông thôn là 1,86%. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15 - 24 tuổi) ước tính là 6,74%, trong đó, khu vực thành thị là 11,52% và khu vực nông thôn là 5,05%. Tỷ lệ thất nghiệp của LĐ từ 25 tuổi trở lên là 1,25%, trong đó khu vực thành thị là 1,86% và khu vực nông thôn là 0,96%. Tỷ lệ thiếu việc làm của LĐ trong độ tuổi ước tính là 1,93%, trong đó, khu vực thành thị là 0,92% và khu vực nông thôn là 2,4%.

Việc các nước thành viên TPP phải thực thi các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, cũng như thực hiện quyền của người LĐ, các tổ chức xã hội dân sự, tiêu chuẩn LĐ, tự do hiệp hội-công đoàn, đặc biệt là về những điều kiện tối thiểu: an toàn vệ sinh LĐ, tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi… theo tuyên bố năm 1998 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO - mà Việt Nam là thành viên), sẽ giúp nâng cao điều kiện làm việc, tái sản xuất sứcLĐ và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực. Người LĐ sẽ có cơ hội cải thiện các quyền lợi hợp pháp của mình cả về thu nhập tối thiểu, môi trường làm việc và môi trường sống, cũng như về hiệp hội và công đoàn, kể cả tìm kiếm cơ hội việc làm mới trong nước hoặc ở các nước thành viên TPP.

Đồng thời, cạnh tranh trong TPP tạo áp lực buộc người LĐ phải chủ động nâng cao trình độ ngoại ngữ, kỹ năng tay nghề, tinh thần liên kết và cạnh tranh việc làm gắn với các nhóm LĐ đặc thù (trong đó có LĐ trong khu vực phi chính thức) và lợi ích xã hội khác nhau trong môi trường quốc tế ngày càng cao. Áp lực cạnh tranh cao có thể làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp do tình trạng giảm bớt nhân công, nhất là LĐ phổ thông để tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất LĐ nhờ đổi mới kỹ thuật và quản trị, cũng như do doanh nghiệp kém sức cạnh tranh, buộc phá sản.

Cần nhấn mạnh rằng, áp lực phá sản doanh nghiệp hoặc mất sức cạnh tranh trước các đại gia sản xuất và kinh doanh theo phương thức sản xuất công nghiệp công nghệ cao từ Mỹ, Nhật, Australia… khi TPP có hiệu lực có thể ngày càng đậm dần ngay cả trong những ngành mà hiện Việt Nam có lợi thế, như dệt may, chăn nuôi gia súc, gia cầm và một số cây lương thực. Câu chuyện đùi gã Mỹ 15000 đồng/kg rẻ hơn rau vừa qua một thông điệp có tính cảnh báo cao về điều này. Vì vậy, cần có những kịch bản tăng cường hỗ trợ công nghệ, đào tạo lao động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất-kinh doanh và cả phát triển nghề mới cho những lao động trong các khu vực này.

Những tranh chấp giữa người LĐ với các chủ sử dụng LĐ khu vực tư nhân và nước ngoài cũng có thể tăng gắn với hệ quả phá sản, tái cơ cấu kinh tế hoặc vi phạm điều kiện hợp đồng LĐ và điều kiện LĐ. Tuân thủ để tránh bị điều tra, bị kiện và bị phạt, cũng như áp lực cạnh tranh nhằm nâng cao các yêu cầu tối thiểu về an toàn LĐ, tiền lương, giờ làm việc, vệ sinh LĐ, cấm LĐ cưỡng bức, cấm LĐ trẻ em, cùng cơ chế giám sát và chế tài đặt ra trong các FTA, nhất là TPP… sẽ tạo ra không ít thách thức về chi phí và phát triển văn hóa doanh nghiệp, nhất là khi tham gia vào các chuỗi cung ứng xuất khẩu khu vực và quốc tế.

Xu thế chuyển dịch LĐ giữa các nước thành viên vừa tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mới, vừa gia tăng áp lực cho ngành giáo dục - đào tạo và tự nâng cao trình độ để tìm kiếm và giữ cơ hội việc làm của người LĐ, nhất là LĐ trẻ. Phát triển thị trường LĐ có tổ chức, chất lượng cao đang và sẽ ngày càng trở thành đòi hỏi bức xúc và công cụ đắc lực để hỗ trợ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng, lực lượng LĐ Việt Nam nói chung trong bối cảnh đó.

Việt Nam đang đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 2,5 triệu người được hưởng trợ giúp xã hội thường xuyên, trong đó có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; 99% trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, 95% ở bậc trung học cơ sở; 98% người trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ; trên 70% lao động qua đào tạo; trên 90% trẻ dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ; tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân 10%; trên 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế; phổ cập mầm non cho trẻ dưới năm tuổi; tăng số lượng học sinh trong các trường dân tộc nội trú, mở rộng mô hình trường bán trú; xây dựng và củng cố nhà trẻ trong khu công nghiệp và vùng nông thôn….

Tham gia TPP sẽ vừa tạo cơ hội và động lực, cũng như tăng thêm áp lực thực hiện các mục tiêu trên đây. Tuy nhiên, trên hết vẫn là kỳ vọng lớn lao rằng tham gia và thực thi TPP sẽ giúp Việt Nam và các thành viên thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ những công việc được trả lương cao hơn, cải thiện sức sáng tạo, năng suất, sức cạnh tranh, tăng mức sống, giảm đói nghèo, cải thiện tính minh bạch trong điều hành, bảo vệ môi trường và người LĐ, tạo công ăn việc làm, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, thúc đẩy đổi mới và có lợi cho người dân trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.