Nạn “súng ma” tại Canada

Giới chức Canada vừa tiến hành truy quét, thu giữ nhiều khẩu “súng ma” và thiết bị in súng 3D tại tỉnh Bristish Columbia. Các chuyên gia cho rằng, việc ngăn chặn, kiểm soát loại vũ khí nguy hiểm này còn đặt ra nhiều thách thức với giới chức Canada.
0:00 / 0:00
0:00
Những khẩu "súng ma" được tạo từ máy in 3D là không thể truy vết. Ảnh: GETTY
Những khẩu "súng ma" được tạo từ máy in 3D là không thể truy vết. Ảnh: GETTY

Reuters dẫn thông cáo của giới chức Canada cho biết, các nhân viên hải quan ở thành phố Vancouver và Toronto đã phát hiện bưu kiện gửi từ một địa chỉ không xác định ở nước ngoài, bên trong chứa các bộ phận chưa lắp ráp của súng. Lực lượng chức năng sau đó đã truy vết được đối tượng mua những bộ phận súng này. Khám xét một ngôi nhà ở British Columbia vào tháng 4 vừa qua, nhân viên điều tra đã thu giữ một máy in súng 3D và sáu bộ phận cấu thành súng ngắn không có số serie. Lực lượng chức năng cũng thu giữ một số súng, đạn đồng thời bắt giam hai đối tượng liên quan.

“Súng ma” là loại vũ khí có thể được mua dưới dạng bộ dụng cụ để lắp ráp tại nhà và cơ quan chức năng gần như không thể theo dõi vì không có số serie lưu hành chính thức. Bộ trưởng An ninh Công cộng Canada, ông Marco Mendicino cho biết, “súng ma” gây ra rủi ro nghiêm trọng do dễ dàng chế tạo và rất khó truy vết nếu tội phạm sử dụng chúng. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Canada, số vụ bạo lực súng đạn ở Canada dù thấp hơn so quốc gia láng giềng là Mỹ nhưng cao hơn nhiều quốc gia phát triển khác và đang gia tăng. Theo thống kê chính thức của mỗi nước, tỷ lệ giết người bằng súng năm 2020 của Canada cao gấp 5,6 lần Australia; gấp 5 lần so Đức và gấp 2,5 lần tỷ lệ của Hà Lan.

Bởi vậy, Canada đang phải nỗ lực ngăn chặn bạo lực súng đạn thông qua các biện pháp như cấm mua súng ngắn. Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đã ban hành luật mới hồi tháng 5 liên quan vấn đề này. Tuy nhiên, các cơ quan an ninh lo ngại tình trạng nhập lậu súng, đặc biệt là “súng ma” từ Mỹ đang đặt ra một thách thức lớn. Dữ liệu thống kê ở Ontario, tỉnh đông dân nhất của Canada cho thấy, khoảng 85% số súng ngắn liên quan tội phạm ở địa phương được truy vết trong năm 2021 có nguồn gốc từ Mỹ, theo chương trình Truy tìm và phân tích vũ khí (FATE) của cảnh sát Ontario thực hiện.

Ông Scott Ferguson, Giám đốc chương trình FATE cho biết, ông và các đồng nghiệp đã rất sửng sốt khi dữ liệu truy tìm cho thấy Canada là điểm đến ngày càng tăng của các loại súng từ Mỹ. Chẳng hạn tại bang Texas (Mỹ), điều tra chung giữa hai nước cho thấy 100% số vụ buôn lậu súng ở Texas trước đây liên quan tội phạm ở Mexico, nhưng nay khoảng 30% trong số đó được buôn lậu sang Canada. Tội phạm buôn lậu ở Texas có thể nhận được gấp hai đến 10 lần lợi nhuận khi bán một khẩu súng ngắn sang Canada, so giá ở Mexico.

Do buôn lậu súng từ Mỹ sang Canada có thể đem lại nguồn lợi rất cao nên thị trường này ngày càng trở nên sôi động. Những kẻ buôn lậu tìm kiếm những cách lách luật hoặc đưa súng qua biên giới bằng các cách thức ngày càng tinh vi. Tháng 5 vừa qua, cảnh sát đã phát hiện một máy bay không người lái mang theo súng ngắn của tội phạm buôn lậu mắc kẹt trong một khu dân cư ở Ontario giáp với biên giới Mỹ. Vụ việc buôn lậu các bộ phận lắp ráp “súng ma” qua đường bưu điện vừa được phát hiện cũng là một trường hợp đáng báo động đối với cảnh sát Canada.

Ngay ở Mỹ, giới chức cũng đang lo lắng khi các loại vũ khí in 3D và “súng ma” đều không có số serie nên không thể theo dõi, một số bộ phận vũ khí còn được làm bằng nhựa để “qua mắt” các máy dò kim loại. Còn tại Canada, luật pháp quy định chế tạo súng hoặc khung súng mà không có giấy phép sản xuất là bất hợp pháp. Tuy nhiên, tội phạm phần lớn tìm cách nhập lậu vũ khí từ nước ngoài. Buôn lậu vũ khí vào Canada lại có khung hình phạt không cao, hành vi này có thể chỉ bị phạt nhiều nhất 5 năm tù và khoảng 500.000 USD. Hơn nữa, những nỗ lực chống buôn lậu súng ở “đất nước lá phong” còn hạn chế do cảnh sát không có đủ nguồn lực để ngăn chặn, đặc biệt là trước các cách thức buôn lậu tinh vi, với các loại vũ khí mới khó truy vết như “súng ma” hiện nay.