Nhìn lại thế giới bóng đá 2021

Năm của những phát kiến và thúc đẩy sự đổi thay

NDO -

Bóng đá luôn phải nỗ lực để chống lại sự nhàm chán, và năm 2021 thực sự là một năm bùng nổ những điều mới mẻ, những ý tưởng lớn có thể dẫn đến sự đổi thay của toàn bộ cấu trúc hiện hành. 

Khoảnh khắc Italia đăng quang Euro 2020. (Ảnh: Getty Images)
Khoảnh khắc Italia đăng quang Euro 2020. (Ảnh: Getty Images)

Đầu tiên là đêm tháng Tư, quả bom mang tên Super League phát nổ làm rúng động châu Âu. 12 CLB hàng đầu muốn ly khai và lập nên một siêu giải đấu mà họ cho rằng đây chính là giải pháp để cứu lấy tương lai bóng đá. Tuy nhiên, đề xuất táo bạo này vấp phải sự phản đối trên toàn châu lục. Không chỉ các huyền thoại bóng đá, người hâm mộ và cả giới chính trị gia cũng vào cuộc, tạo nên cuộc chiến tổng lực chống lại những kẻ nhà giàu.

Cuối cùng Super League tan biến vào hư vô, đưa thế giới bóng đá yên bình trở lại, trước khi bùng lên lần nữa với ý tưởng World Cup diễn ra 2 năm một lần của FIFA. Lập luận của họ khá đơn giản. Chẳng phải ai cũng thích World Cup sao, vậy tại sao không tạo ra nhiều World Cup hơn nữa? 

Nhưng tương tự như với Super League, không phải ai cũng hào hứng trước các ý tưởng lăm le phá vỡ truyền thống và làm đảo lộn các định dạng bóng đá trên toàn thế giới. Hơn nữa, giá trị của World Cup nằm ở chính sự chờ đợi lâu lâu mới có. Và bất cứ cái gì dễ dãi, tính lôi cuốn, hấp dẫn cũng giảm.   

Có thể tham chiếu Copa America. Đã có 4 kỳ được tổ chức trong vòng 7 năm qua, và sau mỗi lần, giá trị của giải đấu lại kém đi một chút. May cho Copa, vẫn còn Argentina và Lionel Messi khao khát giành ngôi vô địch. Trong một đêm tháng 7 ở Maracana hùng vĩ, hành trình miệt mài theo đuổi vinh quang của người Argentina đã kết thúc có hậu. Abiceleste có danh hiệu lớn đầu tiên sau 28 năm còn Messi có sự xác tín cuối cùng cho sự vĩ đại. Nó cũng giúp anh giành được Quả bóng Vàng thứ 7, đánh bại Robert Lewandowski, chân sút đã thể hiện phong độ hủy diệt và số lượng bàn thắng khổng lồ.  

Có vẻ như Quả bóng Vàng chỉ thích những điều cũ kỹ và ngại thay đổi, trong khi rất nhiều người tìm kiếm điều mới mẻ. Bản thân Messi cũng vậy. Dự án Super League đổ vỡ khiến giấc mơ kim tiền của Barca tan thành mây khói, sau đó đối mặt với thực tế về nền tài chính sụp đổ. 

Không những không thể mua sắm, họ còn không có khả năng giữ chân siêu sao vĩ đại nhất lịch sử Câu lạc bộ. Chia tay trong nước mắt, Messi tới PSG để bắt đầu chương rất khác trong sự nghiệp, nơi anh khoác lên mình chiếc áo mới, hòa vào lối chơi mới và học cách hy sinh vì tập thể.  

Vì Messi chịu thay đổi, Cristiano Ronaldo cũng không thể ngồi yên. Siêu sao người Bồ Đào Nha rời Juventus để tạo nên câu chuyện nên thơ ở MU, về đứa con trở về mái nhà xưa để phục hưng đế chế. Tuổi 36 không ngăn Ronaldo cán mốc 800 bàn trong sự nghiệp, một cột mốc chói lọi khác bên cạnh kỷ lục cầu thủ ghi bàn nhiều nhất lịch sử cho Đội tuyển quốc gia. 

Thế nhưng một mình Ronaldo là không đủ. Và đó là lúc MU phải thay đổi mạnh mẽ hơn. Ole Gunnar Solskjaer ra đi, nhường chỗ cho Ralf Rangnick, người được kỳ vọng sẽ tạo nên cuộc cách mạng sâu rộng, từ chiến thuật đến chiến lược phát triển ở Old Trafford. Những hy vọng đang được thắp lên, dù mục tiêu vô địch nước Anh một lần nữa chắc chắn không hề dễ dàng bởi sức mạnh vượt trội của Man City, Liverpool và Chelsea, đội đã lột xác ngoạn mục chỉ trong vài tháng để trở thành nhà vô địch châu Âu. 

Mặc dù vậy, năm 2021 đã chứng minh không có gì bền vững trong bóng đá, và những thế lực thống trị vẫn có thể bị lật đổ. Tại Serie A, Inter Milan đã chấm dứt chuỗi 9 năm liên tiếp vô địch của Juventus. Ở La Liga, Atletico xuất sắc đánh bại 2 gã khổng lồ Real Madrid và Barcelona để đăng quang xứng đáng. Và tại Ligue 1, thành trì kiên cố nhất của sự nhàm chán cũng chứng kiến cơn địa chấn khi Lille soán ngôi PSG. 

Bất chấp các toan tính thực dụng và những gã nhà giàu cố gắng kiểm soát trò chơi, bóng đá vẫn có chỗ cho cảm xúc và sự lãng mạn. Không ai có thể quên màn quật ngã nhà đương kim vô địch thế giới Pháp của Thụy Sỹ, màn trình diễn quả cảm của Croatia trước Tây Ban Nha, hành trình vượt lên nghịch cảnh của Đan Mạch ở Euro 2020. Chỉ có điều không có cái kết trọn vẹn cho những kẻ mộng mơ. Thụy Sỹ, Croatia hay Đan Mạch rồi sẽ dừng bước, tương tự mong ước đưa bóng đá về nhà của người Anh đã kết thúc trong cay đắng trên chấm luân lưu, nơi người Ý mới trở thành nhà vô địch. 

Italia từng xấu hổ vì không thể góp mặt ở World Cup 2018, nhưng họ đã biến nỗi đau thành hành động, chấp nhận làm mới mình bằng việc thay đổi phong cách, chơi thứ bóng đá hấp dẫn và sáng tạo dựa trên những tài năng trẻ. Phần thưởng cho sự đổi mới là đêm đăng quang rực rỡ ở Wembley. 

Đây cũng chính là lời nhắc nhở cho bóng đá Việt Nam. Đội quân của huấn luyện viên Park Hang-seo đã tìm kiếm vinh quang mới ở AFF Cup 2020 bằng một đội hình cũ, chiến thuật cũ. Và chúng ta thất bại trước Thái Lan, đội tái khẳng định sự thống trị bằng tư duy chơi bóng kiểu mới cùng dàn cầu thủ chất lượng được trui rèn ở những nền bóng đá tiên tiến. 

Không bao giờ quá muộn để bắt đầu. Chúng ta vẫn có thể bước vào năm 2022 với kỳ vọng thành công nếu mạnh dạn thay đổi. Như người ta nói, nỗi đau sản sinh ra mục đích, rắc rối trở thành thông điệp và thất bại trở thành bàn đạp. Đây là thời đại của những ý tưởng, phát kiến mới và những ai không chịu thay đổi sẽ sớm tụt lại phía sau.