Nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế số

Kinh tế số đang trở thành xu hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang làm biến đổi sâu sắc mọi hoạt động kinh tế - xã hội, từ hình thức trực tiếp sang hoạt động không tiếp xúc dựa trên hạ tầng công nghệ sẵn có.

Thanh toán điện tử nhằm bảo đảm an toàn, giãn cách trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: ÐỨC ANH
Thanh toán điện tử nhằm bảo đảm an toàn, giãn cách trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ảnh: ÐỨC ANH

Đánh giá tổng quan của nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế đều nhận định Việt Nam thuộc nhóm các quốc gia năng động trong phát triển kinh tế số với sự cải thiện và có sự bứt phá qua từng năm. Báo cáo “Tiềm năng kinh tế số Việt Nam” do AlphaBeta (công ty tư vấn chiến lược của Mỹ) nghiên cứu và công bố mới đây cho thấy, kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030.

Dự kiến các lĩnh vực được hưởng lợi nhiều nhất là sản xuất, nông nghiệp và thực phẩm, giáo dục và đào tạo. Cơ hội cho phát triển kinh tế số ở Việt Nam dựa vào các yếu tố dân số trẻ, am hiểu công nghệ, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao... Tuy nhiên, nền kinh tế số đang phải đối mặt với nhiều rào cản. Đó là những trở ngại pháp lý, khả năng kết nối kỹ thuật số, thiếu hụt nguồn nhân lực có kỹ năng số… Hơn nữa, các quy định về nội địa hóa dữ liệu và bảo vệ dữ liệu kết nối, tốc độ băng thông rộng trung bình của Việt Nam được đánh giá chậm hơn đáng kể so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á.

Cũng như nhiều quốc gia khác, đại dịch Covid-19 đang thúc đẩy nhanh hơn quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam. Điểm sáng được Ngân hàng Thế giới ghi nhận là 60% doanh nghiệp Việt Nam đã sử dụng các nền tảng và công cụ trực tuyến; Chính phủ điện tử cung cấp hơn 2.000 thủ tục trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp. Nắm bắt cơ hội mới, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định kinh tế số là một trong những chỉ tiêu chủ yếu của phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong những năm tới.

Cụ thể: đến năm 2025, kinh tế số đạt tỷ lệ khoảng 20% GDP, và đạt khoảng 30% GDP vào năm 2030. Thông qua Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, nhiều chương trình phát triển nguồn nhân lực số cho doanh nghiệp và các hoạt động tập huấn trực tuyến nâng cao năng lực công nghệ, ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số đã được tổ chức. Từ đó tạo môi trường thuận lợi nhất về công nghệ số, thúc đẩy hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Lộ trình chuyển đổi số bài bản cũng được khởi động khi lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, bao gồm: chuỗi tư vấn chuyên sâu với xây dựng lộ trình chuyển đổi số được xây dựng phù hợp theo thực trạng của từng doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

Tiềm năng lớn về kinh tế số chỉ biến thành nguồn lực quan trọng khi các cơ hội được tận dụng tối đa trong nền kinh tế, cùng với đó là nỗ lực tháo gỡ những rào cản trong khai thác lợi ích từ công nghệ số. Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Trong đó có việc sửa đổi, bổ sung phụ lục - danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia phản ánh chuyển đổi số, nền kinh tế số và xã hội số.

Đây là cơ sở pháp lý để Việt Nam xây dựng bộ tiêu chí thống kê theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể đo lường chính xác, đầy đủ hơn quy mô kinh tế số. Đồng thời bảo đảm tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và các chiến lược, chương trình của Chính phủ về phát triển kinh tế số.