![](./assets/wIw7FSHMbw/chu-ti-ch-vff-tra-n-quo-c-tua-n-bo-ng-da-vie-t-nam-da-t-mu-c-tie-u-vu-o-n-xa-ho-n-tre-n-da-u-tru-o-ng-quo-c-te-na-m-2025-2-1920x1080.png)
Trò chuyện cùng Báo Nhân Dân nhân dịp Tết Ất Tỵ 2025, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn chia sẻ về những thành tựu nổi bật trong năm vừa qua, đồng thời khẳng định tầm nhìn chiến lược và sự chuẩn bị bài bản để bóng đá Việt Nam tiếp tục chinh phục các mục tiêu lớn tại châu lục và thế giới.
Một năm 2024 đầy thách thức
Phóng viên: Ông có thể chia sẻ nhận định về bóng đá Việt Nam trong năm qua?
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng những nỗ lực của Ban Chấp hành, bóng đá Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận.
Đặc biệt, lần đầu tiên đội tuyển futsal nữ giành chức vô địch Đông Nam Á, vượt qua các đối thủ mạnh như Thái Lan, mở ra cơ hội chuẩn bị tốt cho vòng loại châu Á và hướng tới vòng chung kết châu Á, với mục tiêu tranh suất dự World Cup sẽ là một cột mốc lịch sử của futsal nữ Việt Nam. Sự đầu tư nghiêm túc và chiến lược của Liên đoàn đã góp phần quan trọng trong thành công này. Ngày 19/1 vừa qua, đội tuyển futsal nữ cũng đã chính thức giành ngôi nhất bảng tại vòng loại và tiến vào vòng chung kết châu Á 2025.
Đội tuyển futsal nữ Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á 2024.
Đội tuyển futsal nữ Việt Nam giành chức vô địch Đông Nam Á 2024.
Đối với futsal nam, đội tuyển tiếp tục duy trì vị thế trong nhóm dẫn đầu khu vực. Dù gặp nhiều thách thức từ các đối thủ "kỵ dơ" như Indonesia và Thái Lan, đội tuyển đã nỗ lực đi đến trận chung kết và giành vị trí Á quân Đông Nam Á 2024 – một thành tích đáng khích lệ.
Bên cạnh đó, chức vô địch ASEAN Cup lần thứ 3 của bóng đá Việt Nam đã mang lại niềm cảm hứng lớn cho cả nước. Đây là lần đầu tiên đội tuyển giành chức vô địch trên sân khách, tại Thái Lan, với những màn trình diễn đầy cảm xúc. Đội tuyển đã thắng cả bốn trận bán kết và chung kết, khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam trong khu vực và tạo tiếng vang trên trường quốc tế.
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
Đội tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan để giành chức vô địch Đông Nam Á 2024. (Ảnh: XUÂN SƠN)
Đội tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan để giành chức vô địch Đông Nam Á 2024. (Ảnh: XUÂN SƠN)
Trong trận chung kết, sự có mặt của Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) và Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiện.
Dù gặp không ít khó khăn và phải đối mặt với lối chơi thiếu fair-play từ đối thủ, đội tuyển Việt Nam đã thể hiện tinh thần quật cường, lật ngược tình thế để giành chiến thắng lịch sử. Thành tích này không chỉ khẳng định ý chí và bản lĩnh của các cầu thủ mà còn rút ngắn chu kỳ vô địch từ 10 năm xuống còn 6 năm, minh chứng cho sự tiến bộ đáng ghi nhận của bóng đá Việt Nam.
Ngoài những thành công kể trên, đội tuyển U17 Việt Nam cũng ghi dấu ấn khi giành vé tham dự Vòng chung kết U17 châu Á diễn ra vào tháng 4 tới đây tại Saudi Arabia. Đây là cơ hội quan trọng để đội tuyển trẻ chuẩn bị lực lượng cho các giải đấu lớn như SEA Games và vòng loại World Cup trong giai đoạn tới, với mục tiêu hướng tới năm 2030. Những nỗ lực đầu tư vào đội U17 hứa hẹn mang lại những bước tiến vững chắc cho tương lai bóng đá Việt Nam.
PV: Trường hợp cầu thủ nhập tịch Nguyễn Xuân Son đã mang về kết quả tích cực đối với đội tuyển Việt Nam. Vậy kế hoạch của VFF đối với các cầu thủ nhập tịch trong năm 2025 là gì?
Nguyễn Xuân Son cống hiến cho màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Nguyễn Xuân Son cống hiến cho màu áo đội tuyển quốc gia Việt Nam. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Xu thế tăng cường sử dụng cầu thủ nhập tịch đang diễn ra mạnh mẽ tại cả châu Âu và châu Á, góp phần nâng cao sức mạnh cho các đội tuyển quốc gia. Tuy nhiên, đối với bóng đá Việt Nam, việc này được cân nhắc cẩn trọng, nhằm bảo đảm vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa phát huy tối đa sức mạnh tập thể để hướng đến những mục tiêu lớn hơn. Theo tinh thần Nghị định 179 của Chính phủ về thu hút và sử dụng nhân tài trong các lĩnh vực, bao gồm thể thao, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tiến hành nghiên cứu kỹ lưỡng.
Việc sử dụng cầu thủ nhập tịch trong đội tuyển quốc gia không chỉ tuân theo các quy định của FIFA – yêu cầu cầu thủ phải có ít nhất 5 năm liên tục sinh sống và cống hiến tại Việt Nam – mà còn dựa trên nguyện vọng của cầu thủ. Những cầu thủ này cần thể hiện sự yêu mến và lựa chọn Việt Nam làm quê hương, đồng thời đáp ứng các tiêu chí về chuyên môn, văn hóa và khát vọng đóng góp cho đất nước. Đây là quá trình đòi hỏi sự xem xét toàn diện để bảo đảm sự phù hợp và hiệu quả trong việc xây dựng đội tuyển quốc gia.
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trao danh hiệu Vua phá lưới của ASEAN Cup 2024, Quang Hải đã nhận thay Xuân Son vì anh dính chấn thương ở trận chung kết lượt về. (Ảnh: SƠN TÙNG)
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trao danh hiệu Vua phá lưới của ASEAN Cup 2024, Quang Hải đã nhận thay Xuân Son vì anh dính chấn thương ở trận chung kết lượt về. (Ảnh: SƠN TÙNG)
Dù việc sử dụng cầu thủ nhập tịch có thể góp phần tăng cường sức mạnh đội tuyển, nhưng yếu tố cốt lõi vẫn là giữ gìn và phát huy tinh thần, truyền thống của bóng đá Việt Nam.
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn
Điều này được thể hiện rõ nét trong trận đấu với Thái Lan vừa qua, khi đội tuyển Việt Nam gặp khó khăn do thiếu vắng Xuân Son. Các cầu thủ đã thể hiện ý chí kiên cường, không bỏ cuộc và lật ngược tình thế, mang về chức vô địch từ tay đội bóng mạnh như Thái Lan. Thành công này không chỉ là kết quả của chiến lược bài bản mà còn minh chứng cho tinh thần bất khuất của các cầu thủ Việt Nam.
Với những tính toán hợp lý, kết hợp giữa việc phát huy nội lực và tận dụng các nguồn lực từ cầu thủ nhập tịch, đội tuyển quốc gia hoàn toàn có cơ sở để hướng đến những mục tiêu xa hơn, đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ cả nước.
![](./assets/rXcEKdJeWN/ap5i0578-copy-1920x1080.jpg)
Đào tạo trẻ tiếp tục là "nền móng"
PV: Như ông vừa nhắc tới chính là sức mạnh nội lực của bóng đá Việt Nam. Vậy thì trong thời gian tới, công tác đào tạo trẻ cần được chú trọng như thế nào?
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Thành tích của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua đã ghi dấu nhiều mốc son đáng tự hào và duy trì được sự ổn định. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận định rằng bóng đá, như nhiều lĩnh vực khác, có tính chu kỳ và không thể tránh khỏi những giai đoạn suy giảm phong độ.
Để duy trì được đà phát triển này, sự định hướng chiến lược của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam từ năm 2015 đã đóng vai trò then chốt, đặc biệt trong việc đầu tư vào công tác đào tạo trẻ và tăng cường hệ thống thi đấu trong nước.
Từ các giải đấu trẻ từ U9, U11, U15, U17 đến U21, Liên đoàn đã chú trọng đặc biệt vào các lứa tuổi từ U15 đến U21 – giai đoạn vàng để các cầu thủ hoàn thiện tài năng và tích lũy kinh nghiệm. Một chiến lược rõ ràng đã được xây dựng, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế nhằm mở rộng cơ hội cọ xát và chuẩn bị tốt cho các giải đấu lớn.
Chính nhờ định hướng này, các đội trẻ Việt Nam đã thường xuyên góp mặt tại các vòng chung kết châu Á và thậm chí vươn tới sân chơi thế giới, như lứa U20 từng tham dự U20 World Cup năm 2017. Thành công này đã tạo nền tảng vững chắc cho các thế hệ cầu thủ sau, góp phần giữ vững thành tích ở các giải đấu lớn.
Đào tạo trẻ không chỉ là nền móng mà còn là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của bóng đá Việt Nam. Định hướng từ năm 2015 đã được thực hiện một cách bài bản thông qua việc liên tục tổ chức các chuyến tập huấn quốc tế. Trong những năm qua, các đội tuyển trẻ Việt Nam đã có cơ hội tập huấn và thi đấu giao hữu tại Nhật Bản, Qatar, Trung Quốc, Uzbekistan và nhiều quốc gia khác.
Năm 2024 vừa qua, tất cả các đội trẻ, từ U16 đến U19, đều được tham gia các giải đấu giao hữu chất lượng cao, đối đầu với những đội mạnh như Uzbekistan, Nhật Bản và Hàn Quốc. Những cơ hội này không chỉ nâng cao trình độ chuyên môn mà còn mở rộng tầm nhìn quốc tế cho các cầu thủ trẻ.
Bên cạnh sự đầu tư cho đội tuyển quốc gia, việc phát triển bóng đá trẻ đòi hỏi nguồn lực ổn định và ngày càng tăng cường. Nếu điều kiện cho phép, các đội trẻ Việt Nam cần được tạo điều kiện tập huấn tại châu Âu – nơi có môi trường bóng đá đỉnh cao, giúp các cầu thủ cọ xát và hoàn thiện kỹ năng toàn diện hơn.
Với những nỗ lực đầu tư mạnh mẽ và chiến lược đúng đắn, bóng đá trẻ Việt Nam không chỉ tạo được một nền móng vững chắc mà còn bảo đảm sự ổn định và phát triển lâu dài cho đội tuyển quốc gia trong tương lai.
Mục tiêu của năm 2025
PV: Hướng đi của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam trong năm 2025 là gì? Mục tiêu đặt ra đối với đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ?
Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn: Năm 2025 được dự báo sẽ là một năm bận rộn với bóng đá Việt Nam, với các nhiệm vụ quan trọng và chuỗi kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm 2023 và 2024. Bóng đá, vốn mang tính chu kỳ, đòi hỏi sự chuẩn bị liên tục để bảo đảm tính bền vững trong thành tích, và bóng đá nữ Việt Nam đã có những bước chuyển mình đáng chú ý trong thời gian qua.
Dù năm 2024 không có nhiệm vụ thi đấu lớn, đội tuyển nữ vẫn được đầu tư mạnh mẽ, với các chuyến tập huấn tại châu Âu và tham dự các giải giao hữu chất lượng tại Trung Quốc. Đây là nền tảng cho sự chuyển giao thế hệ, khi nhiều cầu thủ thuộc đội tuyển tham dự World Cup trước đây đã giải nghệ, đòi hỏi việc xây dựng đội hình mới được thực hiện từ sớm.
Bước sang năm 2025, đội tuyển nữ phải đảm đương những nhiệm vụ trọng yếu: tham dự vòng loại châu Á hướng tới World Cup, tranh tài tại giải vô địch Đông Nam Á, và bảo vệ ngôi vô địch SEA Games tại Thái Lan. Hai mục tiêu hàng đầu mà Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đặt ra là đội tuyển phải có mặt tại vòng chung kết châu Á và duy trì vị trí dẫn đầu khu vực.
Dẫu vậy, bóng đá nữ Việt Nam đang đối mặt với những thách thức không nhỏ khi các đối thủ trong khu vực như Indonesia hay Philippines tăng cường nhập tịch cầu thủ. Trước thực tế đó, Liên đoàn đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết từ năm 2024, đặt trọng tâm vào sự chuẩn bị bài bản để đội tuyển nữ có thể hoàn thành các mục tiêu trong năm nay.
Bên cạnh bóng đá nữ, đội tuyển bóng đá nam cũng chuẩn bị bước vào chiến dịch vòng loại Asian Cup bắt đầu từ tháng 3, với mục tiêu giành vé tham dự vòng chung kết Asian Cup 2027 diễn ra tại Saudi Arabia. Đây là một trong những đấu trường danh giá nhất của bóng đá châu lục và là sân chơi mà Việt Nam đã liên tục góp mặt trong các kỳ gần đây. Thành tích tại vòng chung kết Asian Cup và vòng loại World Cup không chỉ khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam mà còn là bước đệm quan trọng hướng tới các mục tiêu lớn hơn.
Đội tuyển U23 Việt Nam cũng mang trên vai nhiệm vụ quan trọng khi tham dự SEA Games cuối năm tại Thái Lan. Ngay từ năm 2024, Liên đoàn đã làm việc chặt chẽ với huấn luyện viên trưởng Kim Sang-sik để chuẩn bị lực lượng. Nhiều cầu thủ trẻ triển vọng như Khuất Văn Khang, Thái Sơn và Đình Bắc đã được triệu tập thường xuyên để cọ xát ở cấp đội tuyển quốc gia. Đây là những nhân tố chủ chốt hứa hẹn sẽ tạo nên bộ khung vững chắc cho U23 Việt Nam tại SEA Games.
Năm 2024 cũng ghi nhận sự tham gia tích cực của đội U22 Việt Nam tại một giải đấu quan trọng ở Trung Quốc, nơi đội đã đối đầu với các đối thủ mạnh như Trung Quốc, Uzbekistan và Nhật Bản. Dù có những kết quả chưa như mong đợi, các trận đấu này đã mang lại những bài học quý giá, góp phần nâng cao trình độ và chuẩn bị cho tương lai.
Với sự đầu tư bài bản, chiến lược dài hạn và nỗ lực không ngừng, bóng đá Việt Nam trong năm 2025 được kỳ vọng sẽ tiếp tục chinh phục những cột mốc mới, đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ và khẳng định vị thế trên đấu trường quốc tế.
![](./assets/kiyDS3SNqy/img9909-16834265579792118845037-copy-1920x1280.jpg)
Ngày xuất bản: 29/01/2025
Tổ chức thực hiện: VIỆT ANH
Nội dung và trình bày: PHAN THẠCH
Ảnh: SƠN TÙNG