Aaron Toronto là một đạo diễn người Mỹ làm việc tại Việt Nam. Anh nói một chất giọng đặc sệt Sài Gòn. Nếu chỉ nói chuyện với Aaron qua điện thoại, người nghe dễ nhầm anh là một người Sài Gòn giỏi ăn nói chứ không phải một người Mỹ.

Ngày 8/4/2022, bộ phim điện ảnh Đêm tối rực rỡ! – đứa con đầu tay của Aaron và Nhã Uyên được công chiếu Việt Nam. Trong khi phim Việt có một năm khắc nghiệt với nguồn thu giảm mạnh, doanh thu của “Đêm tối rực rỡ!” cán mốc 25 tỷ đồng chỉ sau 4 tuần công chiếu, vượt qua nhiều phim Việt và phim nước ngoài chiếu cùng thời điểm.

Tuy không quá lớn, nhưng 25 tỷ đồng là một con số bất ngờ, giúp đạo diễn người Mỹ và đoàn làm phim “sống được với phim độc lập”.

Tối 13/9/2022, tại lễ trao giải Cánh Diều Vàng 2021, “Đêm tối rực rỡ!” giành chiến thắng ở hạng mục điện ảnh với 5 giải thưởng: Phim điện ảnh xuất sắc; biên kịch điện ảnh xuất sắc; nữ diễn viên chính điện ảnh xuất sắc; nam diễn viên phụ điện ảnh xuất sắc; quay phim điện ảnh xuất sắc. “Đêm tối rực rỡ!” đã trở thành một hiện tượng.

Nhân dịp xuân Quý Mão, phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Aaron Toronto về mối quan hệ giữa tính thương mại và tính nghệ thuật trong điện ảnh Việt.

Aaron Toronto sinh năm 1977 tại Texas, Mỹ. Anh học ngành phim tại Đại học Brigham Young và ngành Phương Đông học tại Đại học Southern California. Năm 2002, Aaron đến du học tại Hà Nội và bắt đầu sinh sống tại Việt Nam.

PV: Xin chào Aaron. Tôi được biết anh từng trải qua nhiều vị trí liên quan đến ngành phim ảnh tại Việt Nam: từ phóng viên đến dựng phim, biên kịch, sản xuất rồi phó đạo diễn. Nhưng chính xác từ khi nào anh có mong muốn trở thành đạo diễn vậy?

Đạo diễn Aaron Toronto: Năm tôi 12 tuổi.

Lúc đó, tôi tự làm một bộ phim từ đồ chơi và tôi biết mình thích làm phim. Đương nhiên, một cậu bé 12 tuổi thì chưa thể hiểu điện ảnh là gì, đạo diễn là gì nhưng tôi biết mình thích gì. Con đường trở nên rõ ràng hơn khi tôi theo học ngành phim tại Đại học học Briham Young (Bang Utah, Mỹ) vào năm 18 tuổi.

PV: Nhưng phải đến năm 44 tuổi anh mới có bộ phim đầu tay, điều gì đã giữ chân anh lại trong suốt hơn hai mươi năm trời đó?

Đạo diễn Aaron Toronto: Làm thuê, làm mướn trong một đoàn làm phim thì không khó nhưng làm đạo diễn thì khó.

Cứ nhìn vào thực tế bạn sẽ thấy, không có nhiều đạo diễn kéo dài được sự nghiệp của mình. Họ bỏ cuộc sau một, hai bộ phim. Đạo diễn là một nghề đòi hỏi rất cao nhưng lại bấp bênh.

Đêm tối rực rỡ, hậu trường, aaron toronto

Đạo diễn Aaron làm việc tại phim trường Đêm tối rực rỡ!

Đạo diễn Aaron làm việc tại phim trường Đêm tối rực rỡ!

Làm đạo diễn đã khó, làm đạo diễn dòng phim độc lập lại càng khó. Nó giống như bạn đòi hỏi nhà đầu tư phải tin mình, phải đưa cho mình tiền tỷ để làm một công việc chưa chắc đã thu được tiền gốc.

Mặt khác, đạo diễn cũng phải sống. Chẳng ai thoát được chuyện cơm áo gạo tiền. Đó là một bánh xe khổng lồ, một khi đã chạy là không bao giờ dừng lại. Tôi chỉ muốn viết, chỉ muốn làm đạo diễn. Nhưng để kiếm sống, tôi đã phải làm cả những việc mà tôi không thích trong mấy chục năm trời. Tôi phải sống!

Nếu không theo đuổi giấc mơ này nữa thì cuộc sống của tôi sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Biết thế, nhưng tôi vẫn không thể làm được. Một nội lực mãnh liệt không cho phép tôi bỏ cuộc.

Nhưng mười mấy năm trời trải qua cực khổ đã giúp kỹ năng làm phim của tôi trọn vẹn hơn. Bởi khi sản xuất phim độc lập, tôi phải tự làm rất nhiều việc từ biên kịch, sản xuất, đạo diễn,… tới cắt dựng.  

Hơn 20 năm đó là quãng thời gian cần thiết để Đêm tối rực rỡ!được ra đời.

PV: Trong gần 20 năm làm việc trong môi trường điện ảnh của Việt Nam, anh đánh giá về môi trường này thế nào? Anh được và mất gì?

Đạo diễn Aaron Toronto: Điện ảnh là một bộ môn khắc nghiệt ở bất cứ quốc gia nào. Một vị trí trên màn chiếu mà cả ngàn người nhào vào.

Việt Nam cũng vậy. Với một môi trường khắc nghiệt, nhà làm phim phải trau dồi rất nhiều kỹ năng từ làm chuyên môn tới kêu gọi vốn. Tôi cũng không phải ngoại lệ.

So sánh với 20 năm trước, điện ảnh Việt Nam đã phát triển theo cấp số nhân! Khi tôi mới tới Hà Nội vào những năm 2000, thành phố chỉ có những cụm rạp cũ hoặc phòng chiếu video nhỏ. Nhưng sau khi có phim Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng vào năm 2003, Dòng máu anh hùng của Charlie Nguyễn vào năm 2007,… các nhà kinh doanh, các nhà làm phim đã phát hiện ra tiềm năng kinh tế của điện ảnh Việt Nam. Các cụm rạp chất lượng mọc lên như nấm.

Hơn nữa, lợi nhuận từ sản xuất phim điện ảnh tại Việt Nam tương đối tốt. Ví dụ, nếu nhà làm phim bỏ ra 25 tỷ chi phí sản xuất thì có thể thu về từ 100 - 200 tỷ/1 bộ phim. Đó là điều không phải ở đâu cũng có.

PV: Là một đạo diễn người Mỹ, anh nghĩ gì về sức cạnh tranh của điện ảnh Việt?

Đạo diễn Aaron Toronto: Tôi cho rằng, phim nội đang cạnh tranh với phim ngoại chứ không phải cạnh tranh với nhau. Thực tế, nếu nhà đầu tư, chủ rạp hay nhà phát hành không có niềm tin vào điện ảnh Việt Nam, họ sẽ ưu tiên phim ngoại khi lựa chọn danh mục phim công chiếu.

Cho nên, các nhà làm phim nên ý thức về việc chúng ta đang xây dựng thương hiệu và tạo lòng tin với nhà phát hành, chủ rạp, khán giả,… cùng nhau.

Phần lớn phim ngoại nổi trội hơn phim nội về kỹ thuật quay, công nghệ sản xuất,… Làm sao chúng ta cạnh tranh trên sân chơi của họ được?!.

Để cạnh tranh, điện ảnh Việt phải tạo ra yếu tố mà phim ngoại không thể có được:  Câu chuyện về Việt Nam.

Khi xem phim “Bố già” khán giả thấy tình cảm cha con. Khi xem “Đêm tối rực rỡ!”, họ thấy vấn nạn về bạo lực gia đình.

Khán giả luôn muốn thấy câu chuyện của chính mình trên màn ảnh. Vì vậy, người làm phim cần mạnh dạn đưa những câu chuyện, văn hóa của người Việt Nam cũng như vốn sống, cảm nhận của họ vào trong từng bộ phim. Lúc đó, chúng ta mới có thể cạnh tranh với phim ngoại được.

PV: Tôi hơi bất ngờ vì quan điểm này lại đến từ một người Mỹ chứ không phải một người Việt Nam?

Đạo diễn Aaron Toronto: Quan điểm này là của một người nghệ sĩ, một nhà làm phim tại Việt Nam. Tôi cũng cùng thuyền với mọi người mà!

Khi bắt chước hoặc cạnh tranh trực tiếp, mình sẽ dễ thua. Chỉ khi đưa ra những yếu tố mình có mà người khác không có, chúng ta mới có thể thắng được.

Tôi cho rằng cái gì càng thật thì càng dễ xem. Để chạm vào trái tim của khán giả, đạo diễn phải đưa chính mình vào phim để nói về một vấn đề của xã hội. Giá trị của thông điệp phải được kể bằng góc nhìn, vốn sống của anh ta.

PV: Năm 2020 bộ phim Parasite (Ký sinh trùng) của Bong Joon Ho trở thành bộ phim châu Á đầu tiên giành giải Phim xuất sắc trong lịch sử Oscar. Theo anh, vì sao Parasite đạt được thành công này?

Đạo diễn Aaron Toronto: Tôi nghĩ, có khi Ký sinh trùng không phải là bộ phim xuất sắc nhất của Hàn Quốc, hay thậm chí là bộ phim xuất sắc nhất của Bong Joon-ho. Nhưng đó là thời cơ chín muồi cho Ký sinh trùng.

Cá nhân tôi rất thích Ký sinh trùng. Nhưng khách quan mà nói, còn có rất nhiều phim khác xứng đáng đạt Giải Oscar.

Đây là kết quả từ một quá trình nỗ lực không ngừng nghỉ trong hàng chục năm của nền điện ảnh Hàn Quốc.

Một phân cảnh trong bộ phim Ký sinh trùng.

Một phân cảnh trong bộ phim Ký sinh trùng.

Tôi còn nhớ, vào năm 2001, bộ phim My sassy girl (Cô nàng ngổ ngáo) của đạo diễn Kwak Jae-yong bắt đầu gây được sự chú ý trên thị trường quốc tế. Nhưng phải đến tới 20 năm sau, Ký sinh trùng mới giành được giải Oscar.

Vậy trong hai thập niên sau khi đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, nền điện ảnh Hàn Quốc đã làm những gì? Họ có những Kim Ki-duk nỗ lực khủng khiếp, những Park Chan-wook nỗ lực khủng khiếp,… các nhà làm phim thương mại cũng phải nỗ lực khủng khiếp. Cả một nền điện ảnh Hàn Quốc phải nỗ lực khủng khiếp để có và giữ được sự để ý từ quốc tế - tạo ra thương hiệu và các mối quan hệ.

*Kim Ki-duk và Park Chan-wook là hai đạo diễn nổi tiếng trong dòng phim điện ảnh Hàn Quốc.

Họ phải liên tục tạo ra các bộ phim được công nhận: Đạt giải quốc tế hoặc thành công trên thị trường nước ngoài.

Mặt khác, bằng các bộ phim thương mại điện ảnh Hàn Quốc đã trở thành một ngành kinh tế vững mạnh. Sự phát triển của chất lượng gắn liền với sự phát triển kinh tế. Để nâng cấp chất lượng điện ảnh, Hàn Quốc buộc phải đầu tư vào cơ sở hạ tầng, kỹ thuật hay con người với một số tiền không nhỏ. Ký sinh trùng ra đời vào thời điểm kinh tế, kỹ thuật, con người, thương hiệu,… của điện ảnh Hàn Quốc đã đạt đến một độ chín nhất định. Đó là kết quả của hàng thập kỷ sục sôi phát triển. Cho nên tôi gọi đó là thời cơ chín muồi.

Như vậy, có hai lý do chính giúp Ký sinh trùng đạt được giải Oscar:

Một là phim hay. Hai là, Hàn Quốc đã tạo ra môi trường đủ tốt để Ký sinh trùng phát triển.

PV: Theo anh, tại sao Việt Nam chưa vươn được tầm thế giới mạnh mẽ như người láng giềng trong khu vực - Hàn Quốc?

Đạo diễn Aaron Toronto: Hàn Quốc là một ngoại lệ trong khu vực châu Á.

Sự phát triển của Việt Nam bị gián đoạn rất nhiều bởi chiến tranh. Điều này đã ảnh hưởng trực tế đến kinh tế nói rộng và điện ảnh nói hẹp. Như tôi đã nói, sự phát triển của nền kinh tế quyết định tới nền phát triển của điện ảnh. Trong khi các nước đang phát triển từng ngày, điện ảnh Việt Nam bị chững lại suốt hàng thập niên.

Cho nên chúng ta hoàn toàn có thể tự hào bởi, tính từ những bộ phim thương mại đầu tiên (Gái nhảy, Dòng máu anh hùng,...) nền điện ảnh Việt Nam đã có những bước phát triển rất xa. Chỉ trong vòng hơn 20 năm, Việt Nam đã có một khoảng cách rất lớn giữa hiện tại và quá khứ. Đó là một sự phát triển quá nhanh! Chúng ta cứ thế mà đi tiếp thôi.

Quay lại với giải Oscar Phim hay nhất đầu tiên của châu Á: Cả một nền điện ảnh Hàn Quốc đã hỗ trợ cho bộ phim Ký sinh trùng.

Đoàn phim 'Parasite' nhận giải Oscar Phim hay nhất. Ảnh: Reuters

Đoàn phim 'Parasite' nhận giải Oscar Phim hay nhất. Ảnh: Reuters

Điện ảnh Việt Nam cũng cần sự hỗ trợ từ xã hội, nhất là về kinh tế để có những bước tiến xa hơn. Phải có phim thương mại thì mới có phim nghệ thuật. Mỗi thể loại đều có những giá trị riêng và khăng khít với nhau như hai phần âm dương.

Trong khi phim thương mại dễ xem và thu hút khán giả, phim nghệ thuật lại đòi hỏi ở người xem nhiều hơn.

Phim thương mại giúp nhà làm phim tạo ra nguồn thu để quay lại tái đầu tư cho kỹ thuật, chất lượng thiết bị, cơ sở hạ tầng (rạp chiếu), đào tạo con người… Phim nghệ thuật là môi trường để các nhà làm phim phát triển sự táo bạo, sáng tạo và tạo ra thương hiệu cho nền điện ảnh nước nhà.

Làm ra một bộ phim hay và khiến bộ phim đó thành công trên quốc tế là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nếu anh có một bộ phim hay nhưng chẳng ai biết đến thì bộ phim đó khó có thể thành công. Để điện ảnh Việt nam tiến xa hơn trên bản đồ quốc tế chúng ta phải xây dựng bệ phóng để đưa các bộ phim chất lượng ra thế giới.

Bệ phóng này phải được xây dựng qua nhiều năm bằng thương hiệu của các bộ phim nghệ thuật.

Thông thường, phim thương mại và phim nghệ thuật là hai dòng phim riêng biệt. Nhưng đôi khi sẽ kết hợp với nhau: Có những phim thương mại rất sáng tạo. Có những phim nghệ thuật được đón nhận bởi số đông. Và lúc đó, Việt Nam sẽ có những bộ phim như Ký sinh trùng.

PV: Trong năm 2023, anh khao khát tạo ra một bộ phim như thế nào? Tính nghệ thuật và tính thương mại sẽ được anh xử lý ra sao?

Đạo diễn Aaron Toronto: Chúng tôi muốn tạo ra một phim thương mại giả bộ nghệ thuật! Tôi hy vọng bộ phim này sẽ chạm vào trái tim, tâm hồn bằng trải nghiệm và vốn sống riêng của người Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này. Hy vọng năm 2023, tôi sẽ được ra rạp xem một bộ phim thương mại “giả bộ” nghệ thuật./.

Chỉ đạo sản xuất: Ngô Việt Anh

Thực hiện: Thi Uyên