Mùi Tết

Một trong những thứ dễ gợi lại ký ức sống động nhất đó là mùi vị. Có người xa xứ tha hương hai thập kỷ, cứ tưởng đã vùi chôn ký ức vĩnh viễn rồi, ấy thế mà khi tới nhà bạn nơi xứ người vào ngày Tết, bất chợt ngửi thấy mùi bánh chưng mới vớt khỏi nồi nóng hổi tỏa khói, đã trào nước mắt.

Minh họa | ĐÀO HẢI PHONG
Minh họa | ĐÀO HẢI PHONG

Tết nay dù hiện đại đến đâu, cuộc sống thay đổi chóng mặt đến thế nào, và dù trong gia đình chúng tôi, có ba đứa con gái thì hai đứa lấy chồng Tây, nhưng Tết đến vẫn không thể bỏ nồi bánh chưng được. Trong thực tế đã có năm chúng tôi bỏ nồi bánh chưng, không nấu nữa vì mẹ tôi nói nhà mình ăn ít bánh chưng, nấu làm gì cho mệt, lại lích kích đủ thứ, mẹ sẽ đặt dăm cái bánh thật ngon, vừa để thắp hương cúng ông bà tổ tiên, vừa ăn mấy hôm Tết cũng đủ.

Tết năm ấy nhà tôi quyết không gói bánh chưng. Nhưng cái Tết xem chừng lặng lẽ quá, thiếu không khí Tết, và đặc biệt là nhạt mùi Tết. Mặc dù bánh chưng vẫn đặt trên bàn thờ thắp hương, vẫn mở ra mỗi mâm cơm Tết, nhưng cái bánh đó xa lạ thế nào. Thiếu hẳn những câu nói của mẹ về đặc điểm từng chiếc bánh, ví như: đỗ năm nay chọn được loại ngon, vàng đều đẹp mắt; cái bánh này gói cuối cùng, cho nên hơi bị nhiều nhân, con Ớt không thích ăn nhân bánh, để cho mẹ nó ăn; bánh năm nay cho muối hơi quá tay, hơi đậm,…

Vì thế nên dù hơi vất vả, nhưng nhà tôi đã quyết, dù thế nào cũng sẽ gói và nấu bánh chưng nhà mình. Chỉ cần chục cái bánh chưng thôi thì cũng tự gói. Gạo phải lựa loại nếp cái hoa vàng, mười hạt tròn vo như nhau. Lá dong phải chọn loại dong nếp vùng đồng bằng, quyết không mua lá dong rừng, không thơm. Cầu kỳ hơn thì đi ngắt thêm lá riềng non, giã nhỏ lọc lấy nước ngâm gạo làm bánh chưng, sẽ cho ruột bánh mầu xanh nhạt và thơm mát ngon lành.

Mọi thứ nguyên liệu được chuẩn bị kỹ từ tối hôm trước. Sáng ba mươi Tết, mẹ tôi thường trở dậy rất sớm, khi trời còn tối mịt, để sắp sẵn bữa sáng cho “đội quân” làm bánh nhà mình. Dù chỉ gói chừng hai chục chiếc bánh chưng, nhưng công lao thì chẳng thể đếm theo số lượng. Trời lạnh, chúng tôi ngại dậy sớm, rúc trong chăn và nghe tiếng mẹ réo gọi đầy thân thương “Chúng bay có dậy sớm ăn sáng rồi gói bánh chưng không nào! Không đặt nồi bánh lên bếp lúc mười giờ sáng thì làm sao có bánh cúng trước giao thừa?” Không hiểu sao lũ chúng tôi lại khoái cái cảm giác nằm trong chăn ấm, ngủ lơ mơ và nghe tiếng mẹ càm ràm không dứt. Có lẽ đó cũng là hương vị Tết đặc trưng. Dậy gói bánh chưng nào, dậy gói bánh chưng thôi. Tự động viên mình cả chục lần như thế rồi mới dũng cảm tung cái chăn ấm áp mà bước ra ngoài trời lạnh. Làm bữa sáng cái ào cho xong lệ, rồi nhanh nhanh mà nhào vào gói bánh chưng. Gói vo thôi, tay ấp lá tay xiết lạt. Và thường là cả nhà xúm vào gói nên bánh nhất định không đều nhau, cái to cái nhỏ. Người nọ lườm bánh của người kia rồi dài giọng chê bôi. Vui đáo để. Bánh chưng nhà làm nó phải thế, không nên vuông chằn chặn, đều tăm tắp trăm cái như một được. Bánh nhà làm cứ phải cái to cái nhỏ, cái dày cái mỏng, có cái lại hơi lép một góc do bàn tay cháu gái vụng về lần đầu gói, hay bàn tay con gái lấy chồng xa tận Âu châu, lâu rồi mới về quê hương để chạm vào bánh chưng, nhớ lắm cách gói bánh xiết lạt mà cứ lóng ngóng như lần đầu. Mỗi cái bánh đong đầy cảm xúc, mỗi cái bánh được nhớ từng đặc điểm, nhớ rõ bàn tay ai gói, gạo đỗ nhiều, ít ra sao. Vì vậy mà bánh nhà làm là bánh chưng cất tình cảm, không thể nào lặp lại, không thể nào mua bán.

Mười giờ sáng là thời điểm đặt nồi bánh chưng lên bếp. Ai nấy thở phào nhẹ nhõm. Mẹ sẽ giành việc chất củi nhóm lửa cho nồi bánh. Các con và các cháu có thể rảnh tay pha một ấm trà, mở một hộp bánh đậu xanh Hải Dương và thư thả nhấm nháp. Tay ủ ấm trà nóng hổi, mắt nhòm xuống bếp ngắm dáng mẹ lom khom chất củi thêm cho nồi bánh, củi khô đượm lửa cháy tí tách, lưỡi lửa cam đỏ liếm nhanh quanh nồi bánh chưng cao thành, nghe gió đông rít ù ù ngoài cửa và tận hưởng cái rét ngọt ngào của Tết miền bắc.

Mùi Tết ảnh 1

Thú hơn nữa là vào tầm mười giờ đêm, bánh đã chín dền. Mẹ giục chúng tôi đứa múc chậu nước lạnh nhúng bánh rửa sơ cho sạch nhớt, đứa tìm cái nia to để sẵn gần bếp, đứa thắp ngọn đèn to soi sáng góc sân để chuẩn bị vớt bánh. Mấy đứa cháu nhỏ lim dim buồn ngủ đến giờ đó cũng tỉnh như sáo sậu, chí chóe chen nhau lại gần cái nia để nhận phần cái bánh chưng con con đã được đánh dấu của mình. Lúc này, khắp gian bếp và cả một khoảng sân rộng đã ngào ngạt mùi bánh chưng nóng thơm. Hít đầy lồng ngực mùi bánh chưng ấm nóng giữa trời đêm rét ngọt miền bắc, mùi bánh chưng thương nhớ là đây rồi, cả người thấm đẫm mùi bánh chưng mới vớt, mà sao vẫn nhớ nhung đầy vơi. Sợ rằng ngày mai con lại lên đường đi xa, biết Tết nào mới được trở về với mẹ để được tan ra trong mùi vị bánh chưng nóng hổi mới vớt khỏi nồi. Hỡi ơi là nhớ, là thương, con cứ đứng giữa sân mà trào nước mắt. Con nhớ mùi bánh chưng, mùi Tết, nhớ mẹ ngay khi con ở nơi này.

Hít đầy lồng ngực mùi bánh chưng ấm nóng giữa trời đêm rét ngọt miền bắc, mùi bánh chưng thương nhớ là đây rồi, cả người thấm đẫm mùi bánh chưng mới vớt, mà sao vẫn nhớ nhung đầy vơi.