Mức giá trần nhiều rủi ro

Bộ trưởng Năng lượng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) ngày 19/12 đã thống nhất mức trần giá khí đốt nhằm đối phó giá năng lượng đang tăng cao và tránh phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, mức giá trần này có thể khiến cuộc khủng hoảng năng lượng ở “lục địa già” thêm trầm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MARIAN KAMENSKY
Biếm họa: MARIAN KAMENSKY

Theo AFP, mức trần giá khí đốt là 180 euro/MWh (megawatt giờ), áp dụng từ giữa tháng 2 năm tới. Thỏa thuận trên đạt được sau nhiều tuần đàm phán về biện pháp khẩn cấp này, vốn gây chia rẽ trong toàn khối khi EU tìm cách chế ngự cuộc khủng hoảng năng lượng. Trước đó, Czech - nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, đã đề xuất với các nước EU khác giảm mức trần giá khí đốt đề xuất từ 275 euro/MWh xuống còn 188 euro/MWh.

Giá trần sẽ tự động được kích hoạt nếu giá gas trên thị trường vượt quá 180 euro mỗi megawatt giờ trong ba ngày liên tiếp. Đồng thời, chênh lệch của nó so với giá khí tự nhiên hóa lỏng trung bình trên thế giới ít nhất phải là 35 euro. Đại diện Czech nhấn mạnh, đây không phải là mức giới hạn cố định mà giới hạn động, vì giá có khả năng vượt quá giới hạn nếu giá trên thị trường Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) vượt quá một mức nhất định.

Tuy nhiên, mức giá trần mới đã gây quan ngại đối với một số thành viên EU. Đức, Hà Lan và Đan Mạch nằm trong số các quốc gia thành viên vẫn hoài nghi về việc can thiệp sâu vào thị trường, cho rằng giá thấp hơn sẽ dẫn đến việc sử dụng khí đốt tăng lên và khiến các nhà cung cấp năng lượng sẽ bán khí đốt đi nơi khác. Hiện nhiệt độ băng giá trong những tuần qua đã buộc Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức phải nâng mức tiêu thụ khí đốt quốc gia từ “căng thẳng” lên “nguy cấp”, trong bối cảnh nguồn cung khí đốt của Đức bị cắt giảm liên quan cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Do đó, ngay sau khi thống nhất về mức giá trần, Ủy viên năng lượng châu Âu, bà Kadri Simson cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) sẵn sàng đình chỉ giới hạn giá trần khí đốt nếu có phân tích cho thấy bất hợp lý. Phát biểu ý kiến trong một cuộc họp báo, bà Simson nói: “Ủy ban sẵn sàng đình chỉ kích hoạt giới hạn giá trần nếu phân tích từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Cơ quan Chứng khoán và Thị trường châu Âu (ESMA) và Cơ quan Hợp tác năng lượng (ACER) cho thấy rủi ro lớn hơn lợi ích”.

Trong một phản ứng đầu tiên, Nga tuyên bố mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên 180 euro/MWh mà Bộ trưởng Năng lượng các nước thành viên EU đã nhất trí sau nhiều tháng tranh cãi là “không thể chấp nhận được”. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov khẳng định: “Đây là sự vi phạm quy luật thị trường quyết định giá cả… bất kỳ sự đề cập nào đến giá trần đều không thể chấp nhận được”.

Theo nhận định của giới quan sát, để đối phó mức trần khí đốt mới của EU, Nga sẽ tìm cách xuất khẩu khí đốt sang Ấn Độ, Pakistan hay Trung Quốc, vốn là những thị trường tiêu thụ khí đốt giàu tiềm năng. Ấn Độ là một thị trường lớn với 1,38 tỷ dân và là nước tiêu thụ dầu lớn thứ ba thế giới. Trong khi đó, Pakistan cũng được kỳ vọng là quốc gia nhập khẩu khí đốt tự nhiên tiềm năng của Nga trong những năm tới. Với quyết định nới lỏng các biện pháp chống dịch Covid-19, Trung Quốc sẽ cần tới nguồn năng lượng khổng lồ để phục hồi kinh tế và phục vụ nhu cầu sưởi ấm trong mùa đông. Do đó, nước này được dự báo sẽ là bạn hàng lớn của Nga.

Nhằm đáp ứng nhu cầu về khí đốt trong mùa đông năm nay cũng như trong những năm tới, EU đang đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường phối hợp với nhau trong việc đẩy nhanh các hoạt động liên kết mua bán khí đốt và trao đổi với các đối tác tin cậy để có hợp đồng cung cấp dài hạn, bảo đảm việc tích trữ một cách hiệu quả vào các kho lưu trữ, giám sát các kế hoạch tích trữ này cũng như tiết giảm nhu cầu sử dụng năng lượng trong giai đoạn khó khăn hiện nay.