Mùa thu khải hoàn

Năm 1945, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong cả nước, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Sau 20 năm dày công chuẩn bị sức mạnh (từ năm 1925 đến 1945) cùng với sự ủng hộ của quần chúng nhân dân để chớp đúng thời cơ và vận dụng đúng thời cơ, làn sóng cách mạng tỏa đi khắp cả nước và thực hiện Cách mạng Tháng Tám thành công trong 22 ngày. Mùa thu khải hoàn năm ấy luôn là những ký ức tự hào của những người chiến sĩ năm xưa.
0:00 / 0:00
0:00
Các lão thành cách mạng tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa (ông Lê Đức Vân, thứ 5 bên phải qua).
Các lão thành cách mạng tham gia Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa (ông Lê Đức Vân, thứ 5 bên phải qua).

Quật khởi miền biên khu

"Nước Nam là nước Nam ta/ Vì ai đến nỗi xót xa thế này/ Vì giặc Nhật, vì giặc Tây/ Thanh niên ta phải ra tay học hành/ Một là học việc nhà binh/ Hai là học biết tính tình nước ta/ Thanh niên là chủ nước nhà/ Phải cho oanh liệt mới là thanh niên.", Đại tá Hoàng Long Xuyên, 105 tuổi, nguyên đội trưởng đội du kích Hòa An, Cao Bằng, nguyên Giám đốc Công an khu tự trị Việt Bắc sang sảng đọc cho chúng tôi nghe bài thơ mà Bác Hồ đã đọc tặng những thiếu sinh quân lên đường sang Trung Quốc học quân sự vào mùa xuân năm 1941.

Những vần thơ ấy đã theo ông trọn đời, để luôn nhớ rằng, có Đảng, có Bác Hồ cùng hàng triệu người dân yêu nước, dân tộc Việt Nam mới có được độc lập, tự chủ và tự cường như ngày hôm nay.

Tham gia cách mạng từ rất sớm, người thanh niên dân tộc Nùng Hoàng Long Xuyên năm ấy đã chiến đấu ngoan cường và đảm lược, gắn tên mình với những chiến công vang danh núi rừng Việt Bắc của Trung đoàn "Long Xuyên" (tên gọi khác của Trung đoàn 28 Lạng Sơn do ông là Trung đoàn trưởng).

Chỉ với áo vải, dép lốp và vũ khí đơn sơ, những năm kháng chiến chống thực dân Pháp sau này, ông Xuyên cùng với Trung đoàn Long Xuyên tham gia nhiều chiến dịch quan trọng, làm cho quân Pháp và bè lũ tay sai khiếp sợ.

Đại tá Hoàng Long Xuyên kể gia đình ông ngày xưa nghèo, dân bản bị cường hào và thổ ty áp bức đến mức nhiều người phải bỏ lên rừng. Năm 17 tuổi, ông đi theo cách mạng và hoạt động tại vùng rừng Hòa An, Hà Quảng dưới sự chỉ đạo của đồng chí Hoàng Sâm.

Theo Chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ông cùng một số cán bộ, đảng viên được cử đi học tập tại Trường Quân sự Quảng Tây (Trung Quốc). Tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập, ông và nhiều bạn học khác được triệu tập về nước để chiến đấu và được phân công làm đội trưởng Đội du kích Hòa An, Cao Bằng.

Cho chúng tôi xem tấm thẻ Đảng có ghi ngày vào Đảng hồi năm 1945, Đại tá Xuyên cho biết, Ủy ban Nhân dân lâm thời tỉnh Lạng Sơn tuyên bố thành lập và ra mắt nhân dân, ông cùng 10 chiến sĩ khác trong Đội du kích Hòa An vinh dự được đứng vào hàng ngũ những người cộng sản do đã lập công chiến đấu giải phóng miền biên khu Cao Bắc Lạng và giành chính quyền về tay nhân dân từ rất sớm.

"Tháng 3 năm 1945, Đội du kích Hòa An được đồng chí Đàm Minh Viễn, liên Tỉnh ủy viên Cao Bắc Lạng giao nhiệm vụ "Đông tiến", mở đường giao thông liên lạc tới Lạng Sơn và mở rộng căn cứ Cao Bằng đến các huyện thuộc Lạng Sơn. Tại Cao Bằng, phân đội du kích Hòa An đã thắng giòn giã Phai Khắt, Nà Ngần nên yêu cầu đặt ra là tại Lạng Sơn, trận đầu tiên phải thắng để gây thanh thế cho Việt Minh", đại tá nhớ lại.

Nhờ có sự ủng hộ của nhân dân và sự mưu trí, dũng cảm của các chiến sĩ mà khi Nhật tuyên bố đầu hàng, Việt Minh đã hoàn toàn làm chủ vùng biên khu. Từ đêm 18/3 đến 21/3/1945, toàn phân đội xuất phát theo đường mòn xuyên rừng, tiến công vào các đồn, bốt của địch và lần lượt đánh chiếm kho muối chia cho dân, đánh đồn Pò Mã, diệt phỉ bảo vệ thị trấn Bình Gia, giải phóng Điềm He.

Tới ngày 18/8, phân đội Hòa An đã hội quân với đại đội độc lập Thoát Lãng của Lạng Sơn để hỗ trợ quần chúng cách mạng đã nhất tề nổi dậy, làm chủ Ôn Châu, Hữu Lũng, Thất Khê, Thoát Lãng, Na Sầm...

Sáng 24/8, phân đội trưởng Hoàng Long Xuyên tham gia Ban Chỉ đạo khởi nghĩa của Tỉnh ủy Lạng Sơn và ngay trong ngày, đã kêu gọi quần chúng phối hợp với lực lượng vũ trang từ nhiều hướng tiến vào thị xã Lạng Sơn qua các ngả Bằng Mạc, Điềm He.

Tới 13 giờ chiều, ta đã chiếm lĩnh các vị trí trọng yếu như: Sở Mật thám, Kho bạc, Sở Dây thép (Bưu điện), phá đề lao, giải thoát cán bộ và quần chúng bị địch bắt. Phân đội Hòa An và đại đội độc lập Thoát Lãng tiến vào dinh Tỉnh trưởng, buộc Tỉnh trưởng bù nhìn Linh Quang Vọng phải đầu hàng.

Tháng 10 năm 1945, tại làng Khâm Nặm, Chợ Bãi (châu Bằng Mạc), Tỉnh ủy Lạng Sơn đã tổ chức mít-tinh, tuyên bố thành lập Ủy ban Nhân dân lâm thời tỉnh Lạng Sơn cùng các châu, huyện trong tỉnh.

Mùa thu khải hoàn ảnh 1

Lãnh đạo Viện kiểm sát quân sự Bộ đội Biên phòng tặng quà tri ân lão thành cách mạng Hoàng Long Xuyên.

Cờ hồng bay giữa thủ đô

Ngày 2/9/1945, trời Hà Nội trong xanh, nắng gió Ba Đình đưa lời Hồ Chủ Tịch ngân xa: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy". Lời Người vừa dứt, muôn người có mặt tại quảng trường cùng hô vang lời thề Độc lập "Xin thề, xin thề".

Đứng bảo vệ kỳ đài tại vòng ngoài cùng là những đội viên ưu tú của Đội Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu. Ông Lê Đức Vân, 95 tuổi, nguyên Ủy viên Ban Thanh vận Hà Nội, Trưởng ban liên lạc Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu đã bền bỉ nhiều năm cùng những người đồng chí "gõ cửa" nhiều cơ quan, đơn vị để hoàn thiện hồ sơ về những đóng góp của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu năm xưa.

Những người đã đi vào trang thơ của Nguyễn Đình Thi "Mùa thu về bỡ ngỡ sáng nay/ Gặp những chàng trai bên hồ hò reo say/ Reo reo hò cờ rực đỏ ánh cây/ Thoáng sao vàng nghiêng nghiêng vẫy". Ngày 8/10/2021, trong trời thu Hà Nội, những thanh niên mang trong mình ngọn lửa cách mạng và niềm tin phơi phới năm xưa đều đã ở tuổi 90, 100 rưng rưng đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp do Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trao tặng.

Từ năm 1941, họ đã hoạt động bí mật dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Thành ủy, của Việt Minh với nhiều tổ chức như Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong thành Hoàng Diệu, Đội Tự vệ xung phong ngoại thành, Đội Danh dự trừ gian, báo Hồn nước...

"Hoạt động của anh em hồi đó rất sáng tạo, chúng tôi tham gia tổ chức truyền bá quốc ngữ xóa nạn mù chữ, nhưng thực chất là đi sâu vào tầng lớp lao động, vận động bà con hiểu cách mạng, đi theo cách mạng. Mặc dù được phân công làm tờ báo Hồn Nước, song tôi vẫn cùng anh em đi dán áp-phích, truyền đơn kêu gọi mọi người đoàn kết dưới ngọn cờ Mặt trận Việt Minh, chống kẻ thù xâm lược trên các toa tàu điện, trong các rạp chiếu bóng hoặc các khu chợ.

Chúng tôi tổ chức diễn thuyết ở chợ Mễ Trì, phá kho thóc của Nhật ở Mọc Quan Nhân, diễn thuyết, treo cờ đỏ sao vàng trên các tuyến tàu điện, tham gia diệt ác trừ gian... Báo Hồn Nước xuất bản được 6 số thì Tổng khởi nghĩa nổ ra", ông Vân hào hứng kể.

Với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, họ là lực lượng sung sức đi đầu khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, "làm mẫu" cho các địa phương khác. Sáng 19/8 tự vệ nội, ngoại thành giương cao cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn quân khởi nghĩa, hát vang bài Tiến quân ca và nhanh chóng chia lực lượng đánh chiếm Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát và Trại Bảo an binh...

Song trước đó, đêm 18/8, ông Vân được phân công về ngoại thành Hà Nội để phối hợp các đội tự vệ hội quân về từ các căn cứ bí mật ở Đình Bảng (Bắc Ninh), Hoài Đức (Sơn Tây), Đông Anh (Vĩnh Phúc) và Trầm Lộng (Hà Đông) để tấn công đại lý Hoàn Long theo chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Quyết.

Sau khi ổn định tình hình tại đại lý Hoàn Long, một bộ phận tiến về nội đô để bảo vệ quần chúng nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, số khác tỏa đi giành chính quyền ở thị xã Hà Đông, thị xã Sơn Tây và các phủ lỵ.

Ngay sau đó, nhiều đội viên của Đoàn Thanh niên cứu quốc thành Hoàng Diệu được chuyển sang các đơn vị quân đội, công an để bảo vệ Thủ đô. Giữa tháng 8, ông Vân được trên giao nhiệm vụ lựa chọn một số anh em trong Đoàn tham gia bảo vệ lễ đài độc lập khi Chính phủ lâm thời ra mắt quốc dân.

Ông Lê Đức Vân kể: "Chúng tôi đứng dưới nắng mà không hề thấy oi bức, mệt mỏi gì vì phấn khởi quá. Từng đoàn người từ khắp nơi diễu hành qua các phố đổ về quảng trường Ba Đình với cờ hoa, ai cũng mặc bộ trang phục tươm tất nhất. Các anh em trong đội ai cũng tự hào đứng nghiêm trang vì biết nhân dân đang nhìn về phía mình.

Đến 14 giờ, nghi lễ kéo cờ và cử quốc ca bắt đầu, đồng chí Võ Nguyên Giáp trịnh trọng giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Tiếng nói ấm áp của Người vang lên khiến chúng tôi cảm thấy như có luồng điện truyền qua. Và cùng với quốc dân đồng bào, anh em chúng tôi đã rơi nước mắt hô vang lời thề Độc lập".