Mùa đông khắc nghiệt rất gần

Vừa đi qua một mùa hè nóng bỏng, cùng sức nóng của cơn sốt giá năng lượng không ngừng tăng, các nước Liên minh châu Âu (EU) lại ráo riết chuẩn bị để đương đầu những khó khăn của mùa đông lạnh giá phía trước.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: LIU RUI
Biếm họa: LIU RUI

Chật vật vì nguồn cung thiếu và giá năng lượng cao, cả EU và từng nước thành viên đã đề xuất và triển khai rất nhiều giải pháp, chẳng hạn tăng dự trữ khí đốt, đề xuất các khoản thuế mới, giảm tiêu thụ điện, áp trần giá khí đốt...

Tin tốt nhất với EU lúc này là các cơ sở dự trữ khí đốt đã được lấp đầy trước hạn chót và vượt mục tiêu đề ra. Dù có nước tự nguyện, có nước miễn cưỡng thực hiện, thì mục tiêu giảm phụ thuộc năng lượng của Nga cũng đạt được, khi lượng khí đốt từ Nga đã giảm từ mức 41% còn 9% tổng khối lượng khí đốt nhập khẩu của EU. Tại hội nghị tuần trước, các Bộ trưởng Năng lượng EU đã nhất trí mục tiêu giảm 10% mức tiêu thụ điện và đánh thuế các công ty năng lượng, song không đạt đồng thuận về áp giá trần đối với khí đốt.

Nỗ lực là vậy, song cái giá EU phải trả không hề rẻ. Là nguồn thay thế nhiên liệu từ Nga, khí đốt hóa lỏng (LNG) được nhập khẩu với giá đắt, khiến hoạt động sản xuất điện tốn kém hơn, sản phẩm ít cạnh tranh hơn. Đề xuất áp giá trần với khí đốt lại gây chia rẽ sâu sắc. Tổng cộng 15 nước, trong đó có Pháp, Italy và Ba Lan, ủng hộ vì cho rằng áp giá trần giúp EU có được các nguồn lực cần thiết để chống chọi khủng hoảng. Còn theo các nước phản đối, trong đó có Đức, Áo, Hà Lan, việc này cần nguồn tài chính lớn, nhất là khi cần thiết mua khí đốt khẩn cấp. Ủy ban châu Âu (EC) cũng cảnh báo, áp giá trần có thể khiến nguồn cung năng lượng gián đoạn.

Chuyên gia Simone Tagliapietra thuộc tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Bỉ cảnh báo: Giá năng lượng vẫn tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến hóa đơn của các công ty và gia đình. Kết quả khảo sát hồi tháng 9 cho thấy, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gần như chắc chắn rơi vào suy thoái kinh tế.

Khi giới hoạch định chính sách EU còn loay hoay tìm giải pháp, các cơ quan dự báo thời tiết lại cho biết, châu Âu sẽ đón một mùa đông lạnh hơn do hiện tượng La Nina. Mùa hè đi qua và mùa đông khắc nghiệt đến rất gần, mà cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn được dự báo còn kéo dài.