Mùa cầu xin

NDO -

NDĐT - Nhiều người vẫn thường nói “lễ chùa cầu may đầu năm là nét đẹp của văn hóa Việt” và coi tâm linh là chỗ dựa của đời sống tinh thần không phải là xấu. Nhưng quá đề cao việc dựa dẫm, cầu xin thánh thần khiến con người trở nên tự ti hơn, nhỏ bé hơn thì không nên.

Mùa cầu xin

Những ngày đầu năm mới, mở những trang báo điện tử, nổi bật hơn cả là những dòng tít: “Biển người đi lễ cầu may”, “Chen chân ghi danh dâng sớ cầu an”, “Ngạt thở vì xin lộc thánh”... Mùng ba Tết, một người bạn tôi phàn nàn chót vào chùa Trấn Quốc rồi... không ra được. Đành chen chúc trong khói hương ngột ngạt. Lễ xong thấy thương Phật, khổ thánh, khi bị hun từ sáng đến đêm. Hầu hết các di tích lớn từ bắc chí nam đều chung một cảnh như thế. Dù là đình, đền, hay chùa, miếu, bất luận đối tượng được thờ cúng là ai, nếu đi lễ mà không cầu xin một điều gì đó, ắt sẽ bị coi là... ngược đời.

Mùa cầu xin sẽ còn kéo dài, cho đến hết tháng Ba âm lịch – mùa của lễ hội. Chỉ một vài hôm nữa, những kỷ lục cầu xin mới, sẽ lại được xác lập. Như ở chùa Phúc Khánh (quận Đống Đa, Hà Nội), năm sau, lượng người dâng sớ cầu an, rồi dâng sao giải hạn luôn tăng cao hơn năm trước. Ở ngôi chùa này, muốn giữ một chỗ ngồi tạm ổn, người ta phải đi giữ chỗ trước nửa ngày. Phải năm trời rét, chưa xong buổi lễ có người đã lăn ra cảm nặng. Mỗi mùa cầu xin, dòng người đổ đến nhiều hơn, đầu tiên là chiếm lòng đường, rồi đến chiếm cả chiếc cầu vượt đi qua khu vực. Giờ thì cầu vượt rồi cũng chật dần.

Người ta không chỉ cầu xin lộc lá, may mắn trong tâm, mà cụ thể hóa bằng hiện vật. Năm nào cũng thế, các cơ quan chức năng luôn đau đầu tìm cách hạn chế việc đánh nhau vì cướp lộc ở các lễ hội. Nhiều nhà quản lý lễ hội than thở rằng kiểu gì họ cũng gặp khó. Để cướp lộc đánh nhau bị chê quản lý kém. Thay đổi hình thức phát lộc hay tổ chức lễ hội để hạn chế tranh cướp, lập tức bị mấy nhà nghiên cứu lôi ra đay nghiến. Việc choảng nhau vỡ đầu chảy máu vì cướp lộc, nếu có ở lễ hội cướp phết Hiền Quan (Phú Thọ), lễ hội đúc Bụt (Vĩnh Phúc)... năm nay cũng sẽ chẳng có gì là lạ.

Những màn “cướp lộc” không phải mới xuất hiện. Chúng được sinh ra từ... truyền thống. Ở lễ hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) – tương truyền là nơi Thánh Gióng về trời, từ xa xưa, sau khi rước giò hoa tre, người ta sẽ tung giò hoa tre. Người ta quan niệm rằng ai cướp được sẽ có được may mắn trong năm ấy. Và thế là lao vào tranh giành. Cũng lễ hội liên quan đến Thánh Gióng ở Phù Đổng, sau khi ông hiệu múa cờ (thể hiện sức mạnh đánh trận), thì người dân sẽ lao vào xé tan cái chiếu ông vừa đứng múa. Người nào túm được cọng cói từ chiếc chiếu sẽ lấy làm hân hoan lắm. Vì “được lộc”. Hội Gióng ở Phù Đổng nổi tiếng là “hội trận” một phần bởi những vụ đánh nhau toạc đầu vì tranh cướp.

Câu chuyện “cướp lộc cầu may” vốn là một thành tố của nhiều lễ hội. Tín ngưỡng đa thần là sản phẩm chung của nhiều nền văn hóa, văn minh. Nhưng văn hóa Việt xưa có nền tảng kinh tế lúa nước. Đời sống, mùa màng phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Đây là cơ sở là khiến thánh thần được sinh ra nhiều hơn, biến Việt Nam trở thành một “cường quốc thánh thần”. Có thánh thần là người có công, có thánh thần là hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, sông, núi non... Nhưng cũng nhiều tên ăn trộm, người chết nghẹn, kẻ tà dâm... cũng được thờ thành thần, thành thánh như cụ Đào Duy Anh từng viết trong “Việt Nam văn hóa sử cương”. Và con người, trong điều kiện ấy, cũng tích cực hơn trong dựa dẫm thánh thần.

Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội lớn nhất của cả nước. Nhiều người vẫn phàn nàn rằng bây giờ lễ hội chùa Hương lộn xộn. Nhưng thực ra, cách đây cả thế kỷ, đã có những học giả mô tả sự lộn xộn, mê tín ở chùa Hương rồi. Cái gốc là bởi người Việt đi chùa, ít khi vì tư tưởng nhà Phật, mà là để cầu xin điều gì đó. Đức Phật, vốn là một nhà tư tưởng lớn, cũng được biến thành một vị thánh có khả năng ban phát tài lộc.

Người xưa từng đúc kết thành ca dao tục ngữ: “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội” không phải không có lý do. Điều khiến ngày nay lễ hội “tả tơi” hơn, là do số lượng người tham gia, và sự hăng tiết hơn của những người cướp lộc.

Lễ chùa cầu may đầu năm là nét đẹp của văn hóa Việt.

Và coi tâm linh là chỗ dựa của đời sống tinh thần không phải là xấu. Nhưng quá đề cao việc dựa dẫm, cầu xin thánh thần khiến con người trở nên tự ti hơn, nhỏ bé hơn thì không nên.