Một Thời Làm Báo

Nhà báo Hồng Hà

Ngày đầu về Báo Nhân Dân, tôi được gặp anh Vũ Tuân, phụ trách báo lúc bấy giờ, trong khi anh Hoàng Tùng đi nước ngoài. Anh Vũ Tuân hỏi tôi:
-  Theo anh, khi Báo Nhân Dân ra hằng ngày thì sẽ gặp khó khăn gì nhất?
Tôi đáp:
- Khó nhất đối với Báo Nhân Dân là chuyển được phong cách làm báo hằng tuần sang phong cách làm báo hằng ngày. 

Anh Vũ Tuân giao tôi chuyên viết phóng sự và bảo anh Hà Xuân Trường phân công tác cho tôi. Anh Hà Xuân Trường nói đang có làn sóng đồng bào công giáo ở Bắc Ninh di cư vào Nam và cử tôi đi ngay Bắc Ninh viết phóng sự. Trở về tòa soạn thì tôi lại được lệnh đi công tác tại Phái đoàn ta ở Hội nghị quân sự Việt - Pháp bàn về đình chiến ở Việt Nam họp tại Trung Giã (Phúc Yên) để giúp việc cho phái đoàn và viết tường thuật hội nghị cho Báo Nhân Dân.

Một ngày tháng 6/1954, chúng tôi ngồi trên một chiếc xe vận tải Liên Xô Molotova từ Thái Nguyên chạy về hướng phố Nỉ giữa ban ngày, hít thở không khí giây phút hòa bình đầu tiên sớm nhất nước vì khu vực Hội nghị Trung Giã mấy km2 được quy định là vùng không có chiến sự. Phóng viên nhiều nước ngoài từ Hà Nội đang bị tạm chiếm hằng ngày kéo lên Trung Giã theo dõi hội nghị.

Ở đấy lần đầu tiên tôi học được nhiều điều bổ ích về làm phóng viên ở một cuộc đàm phán quốc tế và tiếp xúc với đông đảo phóng viên nước ngoài. Tôi nhớ mãi câu nói của anh Văn Tiến Dũng, Trưởng phái đoàn ta: "Về đấu tranh ngoại giao hôm nay chúng ta là tân binh nhưng rồi chúng ta sẽ trở thành cựu binh".

Tôi tự thấy ngay ở mình có những điều ấu trĩ của một phóng viên quen sống nhiều năm trong rừng nay phải làm việc ở một môi trường hoạt động đối ngoại hằng ngày tiếp xúc với những người nước ngoài.

Lần đầu tôi được thấy cảnh tượng phóng viên nước ngoài lùng tin, săn tin, phỏng vấn, moi móc, viết bài trên đùi, gọi điện về tòa soạn sao mà hối hả, sôi nổi đến như thế. Những kinh nghiệm rút ra được, những điều mắt thấy, tai nghe được ở Hội nghị Trung Giã giúp ích tôi rất nhiều khi tôi được cử đi làm phóng viên Báo Nhân Dân tại cuộc đàm phán Việt - Mỹ ở Paris từ năm 1968 đến 1973 có hàng trăm nhà báo quốc tế theo dõi.

Nhà báo Hồng Hà trong những ngày làm báo ở Chiến khu Việt Bắc (người ngồi ngoài cùng bên trái). Ảnh:Tư liệu

Nhà báo Hồng Hà trong những ngày làm báo ở Chiến khu Việt Bắc (người ngồi ngoài cùng bên trái). Ảnh:Tư liệu

Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, trưởng đoàn đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Trung Giã (4/7/1954) (Ảnh: Tạp chí Life)

Thiếu tướng Văn Tiến Dũng, trưởng đoàn đại biểu Quân đội Nhân dân Việt Nam phát biểu tại Hội nghị Trung Giã (4/7/1954) (Ảnh: Tạp chí Life)

Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp) (Ảnh: TTXVN)

Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 tại Trung tâm các Hội nghị quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp) (Ảnh: TTXVN)

Ở Trung Giã, chúng tôi nhận được điện báo tin Hiệp định Geneva 1954 được ký kết. Theo Hiệp định, giới tuyến tạm thời phân chia hai miền ở vĩ tuyến 17, chứ không phải ở vĩ tuyến 14 như chúng tôi hằng hy vọng.

Tôi trở về tòa soạn, đi học lớp học ở huyện Đại Từ (Thái Nguyên) do Trung ương mở về tiếp quản Thủ đô. Sau lớp học, lòng phấn chấn vô hạn, tôi cùng các đồng nghiệp ngồi trên chiếc xe ô-tô vận tải Molotova rời rừng Việt Bắc thẳng tiến về phía Thủ đô. Chúng tôi tập kết ở một làng gần ga Văn Điển.

Sáng sớm 10/10/1954, tôi theo cánh quân của Đại đoàn Quân tiên phong do Anh hùng lực lượng vũ trang Nguyễn Quốc Trị cầm cờ dẫn đầu mà chúng tôi quen thân nhau qua nhiều chiến dịch quân sự, tiến vào Hà Nội từ phía nam, qua Bạch Mai, phố Huế, lên Bờ Hồ, giữa rừng cờ hoa và tiếng nhạc, hoan hô của hàng vạn đồng bào Thủ đô.

Tôi xúc động nhớ lại những buổi đầu kháng chiến ở Hà Nội, làm phóng viên chiến tranh hằng ngày tôi chui qua những lỗ thủng từ nhà này sang nhà khác của chính những phố đó và vượt qua những chiến lũy nơi các đầu phố để lấy tài liệu viết tin, bài cho đến khi quân ta rút hết khỏi nội thành Hà Nội. Cuộc hành quân trở về giải phóng Hà Nội hôm nay mới đẹp làm sao!

Tôi chạy đến Bệnh viện Đồn Thủy, nay là Bệnh viện Hữu Nghị, nơi làm việc tạm thời của một số cơ quan trung ương. Đồ đạc của bệnh viện quân Pháp đã dỡ đem đi hết. Mọi người làm việc trên sàn nhà và tối cũng ngủ trên đó. Tôi tìm đến phòng anh Hoàng Tùng và lần đầu được gặp anh để báo cáo công việc.

Anh đang bận chuẩn bị cho số Báo Nhân Dân hằng ngày đầu tiên ra mắt tại Hà Nội ngày 20/10/1954. Đây là một sự kiện chính trị rất quan trọng và vẻ vang trong đời sống Đảng ta và làng báo Việt Nam. Anh chị em tòa soạn nhộn nhịp chuẩn bị dọn về trụ sở chính của báo đã được chọn là nhà 71 Hàng Trống, sánh ngang tượng Vua Lê nhìn ra hồ Hoàn Kiếm và đối diện với Nhà thờ Lớn.

Tôi hiểu anh Hoàng Tùng đang bận tâm suy nghĩ rất nhiều vào việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ làm Báo Nhân Dân hằng ngày ở Hà Nội. Lấy nguồn từ đâu, lấy theo tiêu chuẩn nào? Đây là một vấn đề hệ trọng và cũng vô cùng khó khăn, quyết định chất lượng tờ báo.

Đối với tôi, được làm phóng viên Báo Nhân Dân của Đảng là một vinh dự lớn. Tôi mừng được cùng làm việc và học tập ở các đồng chí lãnh đạo báo giàu kinh nghiệm viết báo: Hoàng Tùng, Trần Quang Huy, Nguyễn Thành Lê, Thép Mới, Hà Xuân Trường, Quang Đạm, Phan Thao, Lê Dân, Lê Điền, v.v.

Anh Hoàng Tùng hỏi tôi về công việc khi ở báo Cứu Quốc hằng ngày, rồi nói:
 - Anh sẽ chuyên đi viết phóng sự cho Báo Nhân Dân. Bây giờ khôi phục kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng của nhân dân ta và cũng là một trong những đề tài quan trọng của báo. Ta bắt đầu khôi phục đường sắt từ Hà Nội đến Lạng Sơn. Anh chuyên theo dõi và viết về công trình lao động này.

Tôi khoác ba-lô, mượn chiếc xe đạp công của cơ quan, từ giã "Hà thành hoa lệ", đạp thẳng lên Lạng Sơn. Sống với các công trường dọc tuyến đường sắt hơn 100 km mấy tháng liền đến khi hoàn thành công trình, tôi đã viết nhiều bài cho Báo Nhân Dân về những con người đắp đường làm cầu, làm cống, nối ray, chạy tàu, làm nên một công trình lao động lớn nhất nước ta sau hòa bình.

Sau đó, anh Hoàng Tùng cử tôi đi tham gia tiếp quản Khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả và trở thành phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại vùng mỏ trong một năm rưỡi. Tôi cũng đi đào than dưới hầm lò và sống cùng gia đình anh Liên, thợ lò mỏ Thống Nhất. Tôi hiểu thêm người và việc của vùng mỏ, viết trên Báo Nhân Dân những gương lao động dũng cảm của họ, những vấn đề đang đặt ra cho vùng công nghiệp than. Tình cảm gắn bó người phóng viên báo Đảng với vùng mỏ thân yêu đó, với những người thợ mỏ anh hùng ở đó còn mãi đến hôm nay.

Điều cổ vũ lớn đối với người cầm bút là những bài viết về công trình đường sắt và vùng mỏ than lúc đó đã được trích in trong các tập sách giáo khoa về văn dạy ở các trường trung học phổ thông. Và mỗi lần về Hà Nội tôi cảm động tiếp những đoàn học sinh Hà Nội đến tòa soạn Báo Nhân Dân yêu cầu được gặp tác giả để xem mặt và hỏi thêm. Các nhà văn Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Phan Thao, Nguyễn Văn Bổng, Bùi Hiển hoan nghênh và động viên tôi rất nhiều. Hội Nhà văn Việt Nam tập hợp những bài bút ký của tôi trên Báo Nhân Dân in thành tập sách "Lên công trường" và trao cho tôi Giải thưởng Văn học năm 1955-1956 về tập bút ký đó. Đối với người viết báo, đấy là một hạnh phúc to lớn.

Nói về Báo Nhân Dân phải nói đến công lao và vai trò quan trọng của anh Hoàng Tùng, Tổng Biên tập báo. Anh đã dạy dỗ, chỉ bảo, rèn luyện tôi và nhiều đồng chí cùng thế hệ với tôi trong nghề viết báo Đảng.

Báo Nhân Dân có vinh dự được tiếp cận hằng ngày với Bác Hồ và Trung ương Đảng, được thấy và được nghe những chỉ thị quý báu, những quyết định sáng suốt của Bác Hồ, người thầy vĩ đại của tất cả chúng ta trong nghề báo; được đón nhận những quan điểm, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng nhanh nhất; được sự chăm sóc thường xuyên của các đồng chí Trường-Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Tố Hữu...

Lúc báo có thành tích cũng như lúc báo có khuyết điểm, các anh ân cần chỉ bảo, nhắc giữ gìn tính Đảng, rèn luyện bản lĩnh chính trị cho vững và phải đoàn kết nhất trí. Đây là thuận lợi lớn nhất của những người viết Báo Nhân Dân.

Nhà báo Hồng Hà trong chuyến công tác tại CHDC Đức năm 1978 (Ảnh: Tư liệu)

Nhà báo Hồng Hà trong chuyến công tác tại CHDC Đức năm 1978 (Ảnh: Tư liệu)

Chúng tôi lớn lên trong môi trường đó và hiểu rõ trách nhiệm của Báo Nhân Dân là ngọn cờ tư tưởng của Đảng. Tất cả những điều đó đã rèn luyện, thấm sâu trong chúng tôi, trang bị cho chúng tôi những quan điểm, đạo lý và trình độ nghiệp vụ rất cơ bản.

Báo Nhân Dân có thành tích lớn và cũng có cả nhược điểm lớn. Dưới cây đa Hàng Trống, nơi đóng cơ quan Báo Nhân Dân, đội ngũ làm Báo Nhân Dân trưởng thành cùng đất nước. Ở đấy, nhiều thế hệ làm báo đã sống những ngày hào hùng: phản ánh các Đại hội Đảng, sôi nổi phục vụ sự nghiệp giải phóng miền nam, thống nhất nước nhà, tiễn những đồng chí phóng viên lên đường vào chiến trường miền nam, khởi xướng những phong trào lao động xã hội - chủ nghĩa đầy nhiệt tình: Đại Phong, Duyên Hải, Ba Nhất; hoan hô cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968; vừa bắn máy bay, vừa làm báo dưới bom của máy bay B52; đã reo hò đến khản cổ khi Sài Gòn được giải phóng, rồi, thật không ngờ, lại những buổi tiễn phóng viên báo đi ra các mặt trận của cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc sau 1975 và làm nghĩa vụ quốc tế, những cuộc đánh trả kiên quyết trên dư luận báo chí chống các thế lực thù địch vu cáo, bao vây chúng ta, những đợt bài sắc sảo hướng về tư tưởng đổi mới...

Và báo đã đi vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trên cả nước với bao nhiêu điều mới mẻ và phức tạp trong cuộc sống. Tôi nhớ vào nhiệm kỳ tôi làm Tổng Biên tập Báo Nhân Dân (1982-1987), đất nước đang trong cơn khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng nhưng cũng đã bắt đầu chuyển động để tìm đường vượt khó khăn thử thách, sau khi Trung ương Đảng đã nêu lên vấn đề đổi mới. Lúc ấy tập thể Báo Nhân Dân cũng náo nức một không khí đổi mới, cả về nội dung và hình thức.

Báo Nhân Dân tiếp tục đi vào viết những vấn đề gai góc của cuộc sống, những vấn đề mà nhân dân cần biết, đã dứt khoát cổ vũ cho việc xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng kinh tế nhiều thành phần và cơ chế quản lý mới; đã ủng hộ việc thiết lập cơ chế một giá, xóa bỏ tem phiếu; đã ra đặc san hằng tháng, đã nhận đăng quảng cáo, đã vẽ tranh đả kích những thói hư, tật xấu của cán bộ... những việc lúc đó còn là mới mẻ.

Vào năm 1985 không quên ấy, tôi viết trên các số Nội san Người làm Báo Nhân Dân nhiều bài về đổi mới tư duy làm báo, đổi mới thông tin trên báo, đổi mới cán bộ làm báo, đổi mới cách viết phóng sự và xã luận, đổi mới quản lý tờ báo. Đấy là sự thúc bách của cuộc sống.

Cho đến hôm nay, vào lúc Báo Nhân Dân tròn 45 tuổi và chúng ta sắp mở Đại hội VIII của Đảng, sắp bước vào thế kỷ XXI, báo đã đổi mới nhưng tôi cảm thấy những vấn đề đó vẫn còn đặt ra trước mắt chúng ta.

(*)Trích hồi ký Nhớ một thời làm Báo Nhân Dân

Trình bày: Nguyễn Trang
Ảnh và dữ liệu: Báo Nhân Dân