Thành phố Hồ Chí Minh

Một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em thấp

NDO - Sau một tuần triển khai tháng cao điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, tỷ lệ trẻ em tiêm vaccine trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng lên nhưng có sự khác biệt giữa các quận, huyện.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2022.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi tại quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2022.

Ngày 9/8, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, sau một tuần triển khai tháng cao điểm tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 18 tuổi, mặc dù số lượt tiêm có tăng so trước đó nhưng vẫn còn thấp hơn tỷ lệ trung bình chung của cả nước.

Cụ thể, sau một tuần triển khai đợt cao điểm, hiện nay tỷ lệ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1 tại thành phố đã đạt được 51,2% (trong khi cả nước là 71%), tỷ lệ tiêm mũi 2 ở độ tuổi này là 26,9% (cả nước là 39,9%), tỷ lệ tiêm mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi tại thành phố là 25,5% (cả nước là 38,1%).

Nhìn chung, công tác chuẩn bị tại các quận, huyện được thực hiện có sự phối hợp tốt giữa Ủy ban nhân dân, Phòng Giáo dục, nhà trường và Trung tâm y tế. Có 20/22 quận huyện đã tổ chức tiêm tại trường học, trong đó có 2 quận (quận 4, Tân Bình) chỉ mới bắt đầu tiêm tại trường học từ ngày 8/8.

Điều đáng quan tâm đó là, có sự khác biệt lớn về số lượt tiêm giữa các quận, huyện. Trong khi thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh, Củ Chi có hơn 1.000 lượt tiêm/ngày thì quận 4, Tân Bình, quận 3, Cần Giờ, quận 5, quận 10 chỉ có dưới 200 lượt tiêm/ngày.

Trước thực tế đó, Sở Y tế yêu cầu 2 địa phương là quận Tân Bình và quận 4 phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực nhiều hơn và tập trung nguồn lực cao hơn cho công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em, đây là hai quận có tổng số lượt tiêm trong tuần thấp nhất. Quận Tân Bình chỉ có 531 lượt và quận 4 chỉ có 113 lượt. Hai quận này vẫn chưa triển khai tiêm cho trẻ ngay tại trường học theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố, chỉ tổ chức tiêm tại bệnh viện, trung tâm y tế.

Theo Sở Y tế Thành phố, một trở ngại đáng quan tâm đó là nhiều quận, huyện có tỷ lệ đồng thuận của phụ huynh còn thấp (dưới 50%), và một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm so với tỷ lệ đồng thuận tiêm chưa cao (dưới 80%). Kế đến là một số quận, huyện có tỷ lệ tiêm thấp nhưng chưa thật sự nỗ lực triển khai trong tuần đầu của tháng cao điểm, chưa sẵn sàng triển khai điểm tiêm vaccine ngay tại trường học nơi trẻ đang theo học (đa số các quận, huyện ghép điểm tiêm trẻ em vào các điểm tiêm cộng đồng).

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân chính của sự khác biệt về số lượt tiêm giữa các quận, huyện đó là công tác truyền thông và thông tin đến phụ huynh về lợi ích của việc tiêm ngừa cho trẻ em, và nhất là hoạt động hướng dẫn phụ huynh cho trẻ đến điểm tiêm.

Ngành y tế đã khảo sát nhanh 72 phụ huynh có con từ 5 đến dưới 18 tuổi đang theo học tại các trường tại 22 quận, huyện, thành phố Thủ Đức (55 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và 17 trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi) về tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em. Theo đó, có đến 30/55 (54,5%) trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Trong 30 trẻ chưa tiêm vaccine, có hai trẻ vẫn chưa nhận được tin nhắn của giáo viên, nhà trường nhắc phụ huynh đưa trẻ đi tiêm theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo; 10 trẻ vẫn chưa được nhà trường liên hệ hỏi lý do chưa tiêm và vận động đưa trẻ đi tiêm. Ngoài ra, vẫn còn 12/72 (16,7%) trường không gửi tin nhắn thông báo lịch và điểm tiêm tiêm vaccine cho phụ huynh; 22/72 (30,6%) trường chưa khảo sát lại tiền sử tiêm vaccine của trẻ.

Để tiếp tục cải thiện tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng Covid-19, cả hệ thống chính trị cần phải quyết tâm cao hơn trong công tác truyền thông và tổ chức các điểm tiêm thuận lợi nhất cho trẻ em trong 3 tuần còn lại của tháng cao điểm.