Một số mô hình linh hoạt và hiệu quả

Khởi đầu từ các quốc gia có lịch sử tài trợ, bảo trợ cho nghệ thuật, mô hình quỹ nghệ thuật quốc gia hoặc hội đồng nghệ thuật quốc gia đã cho thấy hiệu quả tích cực tới hoạt động văn hóa, nghệ thuật, và trở nên khá phổ biến, được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, những mô hình này có thể là tham khảo hữu ích cho các nhà quản lý văn hóa nghệ thuật nước ta.
0:00 / 0:00
0:00
Sensoria Festival là tổ chức đã từng nhận được kinh phí đầu tư của Chính phủ Anh thông qua The Arts Council England. Ảnh: Laura Merill
Sensoria Festival là tổ chức đã từng nhận được kinh phí đầu tư của Chính phủ Anh thông qua The Arts Council England. Ảnh: Laura Merill

"Cánh tay nối dài" của chính phủ

Năm 1940, chính quyền Vương quốc Anh thành lập và tài trợ cho Ủy ban Khuyến khích Âm nhạc và Nghệ thuật (CEMA) với mục đích quảng bá văn hóa Anh. Năm 1946, Ủy ban này đổi tên thành Hội đồng Nghệ thuật Vương quốc Anh và được cấp Hiến chương Hoàng gia.

Năm 1994, Hội đồng Nghệ thuật Vương quốc Anh chia thành các Hội đồng Nghệ thuật Anh, Scotland và Wales. Các Hội đồng này đều hoạt động theo nguyên tắc "cánh tay nối dài" (arm’s length): tức là chính phủ cấp viện trợ không hoàn lại cho một ngành cụ thể, nhưng thực hiện thông qua một cơ quan khác, do đó chính phủ không tự đưa ra các quyết định tài trợ trực tiếp. Theo đó, với lĩnh vực văn học nghệ thuật, cơ quan chịu trách nhiệm của chính phủ Vương quốc Anh là Bộ Số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) chủ yếu phân phối ngân sách thông qua Hội đồng nghệ thuật.

Thí dụ như với Hội đồng Nghệ thuật Anh (The Arts Council England), ngân sách không hoàn lại (grant-in-aid) từ chính phủ chiếm phần lớn nguồn tiền đổ vào Quỹ (khoảng 71%), phần còn lại đến từ Quỹ Xổ số quốc gia (The National Lottery)-thành lập năm 1994. Hội đồng này tài trợ cho chín lĩnh vực: festival nghệ thuật, nhảy múa, giáo dục nghệ thuật, văn học, âm nhạc, nghiên cứu, nhà hát, du lịch và nghệ thuật thị giác. Hội đồng gồm Chủ tịch và thành viên đại diện cho các vùng trong đất nước, đều là những người có uy tín trong giới, giữ tinh thần độc lập trong hoạt động nghề nghiệp. Cho đến nay, bốn trong số sáu Chủ tịch Hội đồng này là người được Nữ hoàng phong tước hiệu Hiệp sĩ, trong đó có ngài Nicholas Serota, giữ chức từ năm 2017 đến nay. Ông nguyên là Giám đốc Tate - phòng tranh danh tiếng nhất nước Anh.

Các thành viên của Hội đồng có trách nhiệm xem xét hồ sơ và cấp kinh phí tài trợ theo ba phân nhánh: Danh mục đầu tư quốc gia; Chương trình tài trợ mở; Quỹ phát triển. Danh mục đầu tư quốc gia là nhánh hỗ trợ lớn nhất với danh sách hàng trăm tổ chức nghệ thuật, bảo tàng, thư viện, nhà hát… Công bố mới đây (ngày 2/11/2022) của Hội đồng Nghệ thuật Anh là từ năm 2023 đến năm 2026, mỗi năm sẽ dành 446 triệu bảng cho 990 tổ chức thuộc Danh mục đầu tư quốc gia và tổng kinh phí cho hai phân nhánh còn lại là khoảng 170 triệu bảng. Điều đáng lưu ý là trong Danh mục đầu tư quốc gia giai đoạn 2023 -2026 có tới 276 tổ chức mới thuộc mọi loại hình và quy mô. Cùng với việc tiếp cận khán giả mới, các tổ chức đó cũng sẽ tìm kiếm và nuôi dưỡng thế hệ tài năng văn hóa và nghệ thuật tiếp theo, tăng cơ hội cho mọi người, không phân biệt cộng đồng và hoàn cảnh. Một mục tiêu lớn của Hội đồng Nghệ thuật Anh là "bảo đảm rằng, nhiều người hơn ở nhiều nơi hơn có thể gặp và được thỏa mãn văn hóa nghệ thuật ngay trước cửa nhà".

Hội đồng Nghệ thuật Anh không phải là cơ quan duy nhất tài trợ cho văn hóa nghệ thuật ở nước này mà còn có nhiều tổ chức và cá nhân khác, như chính quyền địa phương, quỹ tín thác tư nhân, chính phủ và doanh nghiệp nước ngoài. Quỹ Xổ số quốc gia cũng có chương trình tài trợ riêng bên cạnh ngân khoản góp vào Hội đồng Nghệ thuật Anh. Tài trợ cho nghệ thuật theo cách này có thể mang lại lợi ích cho các nghệ sĩ và tổ chức nghệ thuật, vì việc dựa vào một nguồn tài trợ duy nhất có thể gặp rủi ro. Đa dạng các nguồn tài trợ đồng thời mang lại sự linh hoạt tài chính và tự do sáng tạo cho nghệ sĩ hơn. Theo Tổ chức gây quỹ Chiến dịch cho nghệ thuật (Campaign for the Arts) của Anh, hầu hết các tổ chức hoạt động văn hóa nghệ thuật đều dựa vào sự đóng góp từ công ty kinh doanh hoặc quỹ tín thác tư nhân. Số khác có chương trình thành viên hoặc các nhà tài trợ cá nhân. Các khoản đóng góp từ phía tư nhân/cá nhân cho nghệ thuật như vậy thường tăng lên theo thời gian do ưu đãi về thuế của chính phủ.

Mô hình điều phối độc lập

Hội đồng Nghệ thuật quốc gia Singapore (National Arts Council Singapore-NAC) có 15 thành viên, bao gồm cả Chủ tịch, nhưng không có ai làm chuyên môn nghệ sĩ hoặc quan chức chính phủ. Họ, hoặc đến từ Hội đồng quản trị trường đại học, hoặc từ một tập đoàn truyền thông, tập đoàn kinh doanh đa quốc gia, hiệu trưởng một trường nghệ thuật nào đó. Chủ tịch NAC hiện nay là bà Goh Swee Chen, thành viên Hội đồng quản trị Trường đại học Công nghệ Nanyang.

Là cơ quan hợp nhất Quỹ Văn hóa Singapore, bộ phận Văn hóa thuộc Bộ Phát triển cộng đồng, Ban Thư ký các Festival nghệ thuật và Quỹ Nhà hát quốc gia từ năm 1991, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển, NAC ngày càng tiến dần hơn đến mục tiêu biến đảo quốc này thành một tâm điểm nghệ thuật của khu vực. NAC hỗ trợ cho đa dạng lĩnh vực nghệ thuật ở Singapore, từ âm nhạc đến các hình thức văn chương, nghệ thuật biểu diễn, nghệ thuật thị giác, các mô hình liên hoan nghệ thuật tổng hợp và chuyên ngành. Tổ chức sự kiện để bán vé gây quỹ là một hoạt động của NAC, bên cạnh các chương trình nhận tài trợ, đóng góp từ bên ngoài, tận dụng các dịch vụ cho thuê.

NAC được xem như là đầu mối đưa nghệ thuật Singapore giới thiệu ra thế giới đồng thời dấy lên các phong trào, liên hoan, chương trình gây quỹ nghệ thuật ở trong nước, làm đầy dần các mối quan tâm từ đại chúng đến giới chuyên môn về đời sống văn hóa nghệ thuật và sáng tạo. Hoạt động đầu tiên ngay sau khi thành lập của NAC là hình thành Giải thưởng dành cho nghệ sĩ trẻ (từ 35 tuổi trở xuống), tổ chức Festival nghệ thuật biểu diễn châu Á, thành lập các chương trình giáo dục nghệ thuật, đưa đại diện nghệ thuật đương đại Singapore tham dự Venice Biennale, đưa các ấn phẩm tốt của Singapore tham gia Hội chợ sách Frankfurt, tổ chức Singapore Biennale, tổ chức Tuần nghệ thuật Singapore, tổ chức các chương trình liên hoan dành cho người viết văn của Singapore và khu vực Đông Nam Á,…

Với vai trò đầu mối của tất cả các loại hình nghệ thuật như vậy, NAC Singapore đã cho thấy hiệu quả hoạt động của mình, đặc biệt phù hợp bối cảnh văn hóa đương đại có sự pha trộn của các loại hình nghệ thuật và công chúng rộng rãi cũng quan tâm nhiều hơn đến những sự kiện có quy mô lớn, dài ngày như mô hình các liên hoan nghệ thuật định kỳ, các festival quốc tế…