Một cái Tết khác biệt!

Năm hết, Tết đến thường ra ai ai cũng hồ hởi, phấn chấn tiễn năm cũ, đón năm mới. Thế nhưng, Tết năm nay chắc không hẳn như vậy.

Thích ứng với tình hình mới, Phú Quốc (Kiên Giang) đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm “hộ chiếu vaccine”. Ảnh: Viết Chung
Thích ứng với tình hình mới, Phú Quốc (Kiên Giang) đã mở cửa đón khách du lịch quốc tế theo chương trình thí điểm “hộ chiếu vaccine”. Ảnh: Viết Chung

Điều này cũng dễ hiểu vì tiếp nối Canh Tý, Tân Sửu qua đi như cơn lốc hung dữ quét ngang địa cầu, gây ra biết bao đau thương, chết chóc, mất mát đối với nhân loại. Chẳng kể gì Noel hay Nguyên đán, con virus SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục hoành hành; nhiều nước vừa hé cửa lại phải đóng sập vì những làn sóng dịch bệnh mới lại ập tới.

Bên cạnh những mất mát không gì bù đắp được về người và về của, đại dịch Covid-19 đã để lại biết bao di chứng lâu dài về mặt xã hội. Hàng triệu người mất việc làm và thu nhập, tình trạng bất công và khoảng cách giàu-nghèo ở mỗi nước và trên toàn cầu càng thêm nghiêm trọng; cả một thế hệ trẻ không được học hành, vui chơi tử tế; cảnh sống cách ly, giãn cách suốt nhiều tháng trời ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe tinh thần của con người chưa biết khi nào mới qua…

Không thể đóng cửa quá lâu, các nước đành phải lần lượt mở cửa với kỳ vọng “thích ứng an toàn” với Covid-19. Bước chuyển này hé lộ tia hy vọng về năm Nhâm Dần 2022 sáng sủa hơn. Thế nhưng, niềm hy vọng ấy có trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào cách ứng xử của con người trong phòng, chống dịch bệnh, vào khả năng và phương cách phục hồi kinh tế của từng nước, cũng như vào sự hợp tác giữa các quốc gia.

Do còn quá nhiều nhân tố bất định như vậy, tiến trình phục hồi kinh tế chắc sẽ diễn ra theo kiểu “dò đá qua sông”, thậm chí không loại trừ khả năng có nước, có lúc sẽ buộc phải đóng cửa trở lại trước làn sóng dịch và biến thể mới. Mối đe dọa về một cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính mới vẫn rình rập, do mọi quốc gia đều đã phải tung ra lượng tiền khổng lồ để phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân.

Tuy nhiên bức tranh toàn cảnh về cục diện thế giới không chỉ có mầu xám; dịch bệnh, thiên tai đã thức tỉnh con người về trách nhiệm của chính con người, với cách sống xô bồ trong các đại đô thị tập trung hàng chục triệu người, thả sức tàn phá thiên nhiên và gây ô nhiễm môi trường. Vô hình trung, đại họa càng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và kinh tế xanh cũng như các ngành bảo vệ sức khỏe con người, mở ra thời kỳ mới trong cơ cấu kinh tế thế giới.

Hòa cùng xu thế chung, nước ta cũng đang chuyển sang phương cách thích nghi, an toàn với dịch bệnh, gia tăng bảo vệ môi trường, bắt tay vào quá trình phục hồi kinh tế-xã hội; các Chương trình tổng thể để hiện thực hóa chủ trương này đang được khẩn trương xem xét và triển khai. Chắc rằng, các chương trình này sẽ có cách tiếp cận linh hoạt trong một thế giới đầy biến động; gắn kết những nhiệm vụ trước mắt với những chủ trương lâu dài, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chú trọng đổi mới sáng tạo, phát triển nền kinh tế số, xã hội số cũng như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gắn kết hài hòa giữa “gien nội” và “gien ngoại” trong sự phát triển, đổi mới quy hoạch vùng và từng địa phương theo hướng hạn chế những bất cập bộc lộ trong quá trình ứng phó với dịch bệnh và bảo vệ môi trường sống.

Diện mạo Nhâm Dần thế nào sẽ còn tùy thuộc vào tình hình thế giới và khu vực. Suốt những năm qua, loài người phải nơm nớp lo ngại về những cuộc xung đột lớn nhỏ khắp nơi và sự cạnh tranh phức tạp giữa các nước lớn. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm Tân Sửu đã diễn ra một số biểu hiện cho thấy chủ nghĩa đa phương phục hồi trước những thảm họa toàn cầu và le lói chiều hướng ít nhiều hạ nhiệt sự cạnh tranh giữa các nước lớn trong một thế giới mà tính tùy thuộc lẫn nhau cao là điều mà mỗi quốc gia đều phải tính đến. Cho dù mọi chuyện không đơn giản, song chúng ta vẫn có quyền hy vọng về một thế giới yên bình hơn.

Những hoạt động ngoại giao của nước ta, kể cả ở cấp cao, càng tô đậm hơn vị thế của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế; càng làm sáng tỏ hơn đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Tiếp tục đường lối, chính sách đối ngoại thuận chiều với lòng dân và khát vọng của nhân loại, nhất định nước ta sẽ gặt hái được nhiều thành tựu mới to lớn hơn nữa, phục vụ đắc lực cho lợi ích quốc gia-dân tộc và xu thế hòa bình, hợp tác trên thế giới.