Ths, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn

Mong thổi luồng gió mới cho giáo dục mỹ thuật

Ba năm với tám cuộc triển lãm, trưng bày, hội thảo… là hành trình mà thầy, trò “Xưởng Lụa” của Khoa Hội họa Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam vừa đi qua. Có được nhiều hơn các con số đó là nền tảng kiến thức, cách nghiên cứu, tiếp cận vấn đề và phương pháp sáng tạo mà Ths, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn mang tới cho sinh viên.
0:00 / 0:00
0:00
Một buổi nói chuyện nghệ thuật của thầy và trò “Xưởng Lụa” tại đình Nam Hương.
Một buổi nói chuyện nghệ thuật của thầy và trò “Xưởng Lụa” tại đình Nam Hương.
Mong thổi luồng gió mới cho giáo dục mỹ thuật ảnh 1

Phóng viên (PV): Anh có thể chia sẻ rõ hơn về tinh thần giáo dục khai phóng mà anh áp dụng?

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn (NTS): Là người hướng dẫn trực tiếp các sinh viên, tôi chú trọng đến việc kích thích tư duy mở, trau dồi năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân qua mỗi bài tập. Qua đó, các sinh viên sẽ học theo cách tiếp cận và nghiên cứu vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau, kết hợp tham khảo kiến thức, kinh nghiệm của các chuyên gia và thông qua các hoạt động nghiên cứu, thảo luận, thuyết trình về đề tài. Từ đó lên phương án sáng tác, tạo hình của riêng mình. Mục tiêu của phương pháp mà tôi áp dụng là khơi gợi, nuôi dưỡng và phát triển cá tính sáng tạo để mỗi cá nhân tự khám phá bản thân, có được định hướng sáng tác riêng.

Như dự án đầu tiên mà thầy trò tôi thực hiện mang tên “45 ngày trong phố cổ”. Tôi đã thử tiến hành một cách đi thực tế khác trong dịp nghỉ hè. Thay vì đưa sinh viên ra ngoài thành phố về các vùng nông thôn, các sinh viên tham gia dự án đã được “đi thực tế” ngay trong phố cổ Hà Nội, sử dụng chính không gian giao lưu văn hóa phố cổ trên phố Đào Duy Từ tích hợp không gian bảo tàng phố cổ để cùng nghiên cứu phát triển các vấn đề nghiên cứu thực tế của từng cá nhân. Kết quả đã diễn ra thành công ngoài mong đợi, khi dự án góp mặt đầy đủ các hình thức nghệ thuật, từ nhiếp ảnh, sắp đặt, hội họa trên lụa, sơn dầu... cho đến điêu khắc hay ký họa và trưng bày tác phẩm ngay trong Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, tạo nên được sự tương tác rất thú vị với khách tham quan và cư dân nơi đây. Dự án đã tạo cho các em sinh viên niềm hứng khởi, được nghiên cứu “thực tế” sâu một vấn đề mình hứng thú, quan tâm và phát triển nó thành tác phẩm. Các tác phẩm như in một lát cắt thời gian của phố, là tiền đề để phát triển các tác phẩm quy mô hơn sau này. Đây là dự án thử nghiệm đầu tiên mà tôi biến các dạng bài tập trong khuôn khổ nhà trường thành các tác phẩm có thể ra mắt trước công chúng.

PV: Mô hình “Xưởng Lụa” đã được hình thành như thế nào, thưa anh?

NTS: Trước đây, chất liệu lụa ít thu hút được các bạn sinh viên chọn theo đuổi cũng như rất ít họa sĩ chọn lụa làm chất liệu thực hành. Mô hình này, tôi là người khởi xướng trong chương trình giảng dạy tại chuyên ngành lụa của khoa hội họa cách đây khoảng ba năm, khi được giao nhiệm vụ là một trong những người viết chương trình và thiết kế ra phương hướng cũng như cách tiếp cận chất liệu lụa sao cho hiện đại hơn, hiệu quả hơn. Xưởng lụa ra đời, bởi dạy theo phương pháp chuyên ngành rất nên có mô hình xưởng, như mô hình tôi được học tập ở nước ngoài, thậm chí phải có nhiều xưởng ở trong một chuyên ngành. Thí dụ như chuyên ngành lụa, phải có 3-4 xưởng, mỗi xưởng có một xu hướng nghệ thuật như kết nối với truyền thống, với công nghệ hay với chất liệu khác… Mỗi xưởng lại có một giáo sư dẫn dắt theo thực hành hay thế mạnh của giáo sư đó và không cố định năm nào cũng thực hành theo một hướng. Và mô hình xưởng là quan điểm giáo dục tiên tiến ở các trường mỹ thuật trên thế giới. Đây chỉ là thử nghiệm mang tính cá nhân và tôi muốn chia sẻ thứ mình được thụ hưởng trong quá trình đi học để tạo điều kiện cho các bạn trẻ được tiếp cận với một phương pháp giáo dục mới có hiệu quả và phát huy được tốt năng lực sáng tạo của từng cá nhân.

Mong thổi luồng gió mới cho giáo dục mỹ thuật ảnh 2

Trưng bày sắp đặt tại triển lãm Sợi kết nối.

PV: Anh đã vận hành “Xưởng Lụa” như thế nào để đạt được kết quả như thời gian qua?

NTS: Mô hình xưởng nói lên tinh thần làm việc nhóm, xưởng có thể ở trong trường hay ở các không gian mới bên ngoài, nó không cố định tại địa chỉ cụ thể nào. Nó cần phải linh hoạt, năng động và tươi mới, bởi tôi nghĩ rằng học tại thực địa, tại chính nơi mình sẽ phải tương tác với nó có lẽ sẽ hiệu quả nhất. Nghiên cứu thực hiện đề tài dự án ở đâu sẽ thiết lập xưởng ở đó như dự án “45 ngày trong phố cổ” năm 2016 hay “Từ truyền thống tới truyền thống” (2020). Đây là dự án sử dụng lụa, sơn mài - chất liệu truyền thống của hội họa Việt Nam để “đối thoại” với tranh dân gian Hàng Trống. Chúng tôi lập xưởng ngay tại đình Nam Hương (phố Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội), ngôi đình chứng kiến sự ra đời, phát triển rồi suy vong của một dòng tranh, rồi kết nối với nghệ nhân tranh Hàng Trống Lê Đình Nghiên và bắt đầu làm workshop trong vòng một tháng. Các sáng tác trong dự án đều khởi phát từ các dạng bài tập trong nhà trường được ứng biến lại. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã tổ chức các buổi nói chuyện, chia sẻ cách thực hành, trình chiếu các bộ phim tài liệu về dự án. Và chính các em sinh viên đã tự tin thực hiện các buổi giới thiệu cho công chúng về dự án, biến đình Nam Hương trở thành điểm đến về văn hóa cho du khách mỗi khi tham quan phố cổ. Dự án đã tạo cơ hội để các họa sĩ trẻ tiếp biến cho đời sống của dòng tranh tưởng như sắp lụi tàn. Triển lãm “Hổ dạo phố” sau đó là sự kế thừa và nối dài của “Từ truyền thống tới truyền thống”.

“Xưởng Lụa” đã tiếp tục hành trình với các dự án mới như “Xê dịch” (2021) và mới đây là “Sợi kết nối” (2022). “Sợi kết nối” có sự khác biệt với các triển lãm lụa khác, đó là có cả phần trưng bày về quy trình từ nguồn nguyên liệu trở thành tác phẩm hội họa, tạo ra sự tương tác rộng mở hơn. Là sợi kết nối liền mạch giữa nghệ nhân với họa sĩ và họa sĩ với người xem. Thầy trò đã nhiều lần về làng lụa tìm hiểu và thực hành, qua đó nhiều tác phẩm ở triển lãm được lấy ý tưởng trong quá trình điền dã này.

Ngay khi kết thúc, chúng tôi sẽ hành trình đến triển lãm lần thứ 9 - dự án “Hồn nhiên như cô tiên”. Đối tượng của hành trình mới là hình tượng cô tiên trong chạm khắc tại các đình làng. Từ đó, biến chuyển thành các tác phẩm hội họa trên lụa, hứa hẹn sẽ mang tới những kết nối, gợi mở mới.

Những câu chuyện như vậy, với cách thực hành biến các dạng bài tập trong khuôn khổ nhà trường được nâng cấp dần lên trở thành những dự án thực tế giúp các sinh viên mỹ thuật học hỏi được sâu hơn, tạo tư duy mới trong cách phát triển đề tài sáng tác.

PV: Quan điểm nghệ thuật mà “Xưởng Lụa” đang hướng tới là gì thưa anh?

NTS: Tôi nghĩ mục tiêu của nghệ thuật hay của giáo dục là kết nối con người, cùng chia sẻ những giá trị nhân văn. Hành trình của thầy trò chúng tôi cũng rất gian nan, từ những ngày đầu tiên. Nhiều khi tôi cảm thấy rất cô đơn trong việc thử nghiệm những phương pháp giáo dục mới, may mắn bên cạnh tôi vẫn còn nhiều người ủng hộ và góp sức để điều đó trở thành hiện thực, như sự ủng hộ của thầy Triệu Khắc Tiến từ xưởng sơn mài, hay thầy Trần Hậu Yên Thế bên mảng lý luận và phê bình mỹ thuật. Cả hành trình nghệ thuật của thầy trò chúng tôi là se thành sợi dây kết nối di sản truyền thống với đương đại. Chúng tôi mong muốn rằng sự kết nối này sẽ giúp tạo một sức sống mới cho các giá trị văn hóa mà chúng ta đang cố gắng giữ gìn và phát triển.

PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Họa sĩ Trần Hậu Yên Thế: Học theo vấn đề như mô hình thầy Nguyễn Thế Sơn đang áp dụng giúp các sinh viên đã vượt qua các giới hạn, với sự sáng tạo trong phương pháp làm việc. Ở góc độ là người nghiên cứu về mô hình giáo dục, tôi cho rằng đây là đóng góp không hề nhỏ cho lịch sử đào tạo của Trường đại học Mỹ thuật Việt Nam. Các sinh viên rất may mắn được học theo mô hình dự án và đã phát huy được yếu tố cá nhân một cách tốt nhất. Mà yếu tố cá nhân là điều kiện then chốt quyết định sự thành công của công tác sư phạm, bởi nó bật ra sự sáng tạo. Ta nhắc lại về “giáo dục khai phóng”, nó vượt qua vấn đề của nghề nghiệp mà hướng tới sự khai mở năng lượng giá trị đích thực của con người. Về bản chất mô hình giáo dục nghệ thuật mà thầy Sơn đang áp dụng chính là “giáo dục khai phóng”.