Tuyên truyền kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất cho người dân Kon Tum

NDO -

Cùng với nhiệm vụ quan trắc, giám sát động đất tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, Viện Vật lý địa cầu (Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) đang gấp rút lên kế hoạch tổ chức tuyên truyền về kỹ năng phòng tránh rủi ro do động đất cho người dân ở khu vực có thể bị ảnh hưởng của động đất, trong đó, các nhà khoa học sẽ trực tiếp huấn luyện cho người dân các kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất.

Xử lý các dữ liệu về động đất tại Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.
Xử lý các dữ liệu về động đất tại Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần.

Giải pháp này nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó động đất, góp phần giảm thiểu rủi ro khi động đất xảy ra và tránh tâm lý hoang mang cho người dân trong bối cảnh liên tiếp các trận động đất xảy ra tại huyện Kon Plông trong thời gian qua.

Cần thiết lập mạng trạm quan trắc

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, các cơ quan chức năng đang tích cực vào cuộc. Các nhà khoa học của Viện Vật lý địa cầu đã cử cán bộ tham gia Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đi khảo sát thực tế tại địa bàn Kon Tum để đánh giá sơ bộ hoạt động động đất.

Về nhiệm vụ đánh giá nguyên nhân động đất, theo Viện Vật lý địa cầu cần thiết lập ngay mạng trạm quan trắc động đất (khoảng 10 trạm) tại khu vực huyện Kon Plông và lân cận để quan trắc và đánh giá chuyên sâu, xem động đất diễn tiến thế nào, có ảnh hưởng ra sao đến hoạt động tích nước thủy điện. Các trạm quan trắc động đất này sẽ cho phép truyền số liệu về Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần tại Viện Vật lý địa cầu để xử lý dữ liệu và cảnh báo nhanh hơn. “Thời gian đánh giá chuyên sâu thông thường mất một vài năm, tuy nhiên, khi nghiên cứu được gì thì sẽ cập nhật ngay để phục vụ cảnh báo”, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Viện Vật lý địa cầu đang khẩn trương lên kế hoạch tổ chức tuyên truyền cho người dân Kon Tum các kiến thức về động đất, nhất là cách ứng phó, hiểu biết về trận động đất nào có thể gây thiệt hại, trận động đất nào chưa thể gây thiệt hại… để có kỹ năng, chủ động ứng phó.

Theo các nhà khoa học, do trước đây động đất xảy ra ở khu vực này chưa nhiều, người dân chưa có nhiều kiến thức về động đất, do đó đây là nhiệm vụ cần làm ngay để an dân, tránh tâm lý hoang mang và góp phần giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản khi động đất xảy ra. Các nhà khoa học sẽ trực tiếp huấn luyện kỹ năng phòng tránh rủi ro do động đất cho người dân.

Việc thực hiện các hoạt động thông tin, tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn kiến thức về phòng tránh động đất, sóng thần cho cộng đồng là một trong các chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần của Viện Vật lý địa cầu.

Các kỹ năng phòng tránh rủi ro do động đất

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm, cho đến nay, trên thế giới chưa có nước nào có thể dự báo được chính xác khi nào động đất xảy ra, cũng như làm cách nào để chống lại động đất, nhưng có thể giảm thiểu được những thiệt hại do động đất gây ra.

Điều quan trọng đầu tiên là phải bảo đảm tính bền vững của các công trình xây dựng, tiếp đến là vấn đề giáo dục về các biện pháp phòng tránh rủi ro động đất. Phải tuyên truyền đến người dân để họ nắm được những kỹ năng cơ bản trong phòng tránh và giải quyết hậu quả do động đất gây ra.

Chia sẻ về các kỹ năng cơ bản trong phòng tránh rủi ro do động đất, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh, mọi người cần nhớ nguyên tắc: Trước động đất cần chuẩn bị sẵn sàng, trong động đất cần bình tĩnh, và sau động đất cần phải thận trọng.

Theo đó, trước động đất, cần kiểm tra và sửa chữa nhà an toàn, dự trữ vật dụng thiết yếu như nước uống, thuốc, đèn pin. Lập kế hoạch cho cả gia đình về nơi gặp nhau sau động đất, danh sách số điện thoại quan trọng, người liên lạc của gia đình; học cách bật, tắt gas, điện, nước..

Tuyên truyền kỹ năng phòng tránh rủi ro động đất cho người dân Kon Tum -0

Trong trường hợp có động đất, nếu ở trong nhà, hãy quỳ gối xuống, dùng tay hay bất cứ vật gì có thể che đầu, ẩn nấp dưới cái bàn lớn, chắc chắn.

Trong động đất, nếu ở trong nhà, hãy quỳ gối xuống, dùng tay hay bất cứ vật gì có thể che đầu, ẩn nấp dưới cái bàn lớn, chắc chắn. Nếu không có bàn hoặc đồ vật có thể trú bên dưới, ít nhất hãy tránh xa các cửa sổ có kính, tới góc tường và ở nguyên vị trí đó, cúi xuống nhiều nhất có thể để bảo vệ các bộ phận quan trọng của cơ thể.

Nếu động đất xảy ra khi đang ngủ, hãy ở yên trên giường; bảo vệ đầu bằng gối và nằm úp mặt xuống. Nếu kệ trên giường hoặc đèn treo trên trần nhà có thể rơi xuống đầu, hãy chui xuống gầm giường hoặc là di chuyển tới địa điểm an toàn khác như góc phòng và khi đã an toàn thì ra ngoài.

Trong động đất, không sử dụng thang máy, hãy ở yên trong nhà, hoặc sử dụng cầu thang bộ nếu cần thiết. Nếu không may đang trong thang máy thì nằm xuống sàn, bảo vệ đầu bằng tay, đợi cho đến khi thang máy bắt đầu làm việc trở lại, ra khỏi thang máy ở tầng tiếp theo và sử dụng cầu thang bộ.

Nếu đang ở ngoài đường, cần tránh xa các tòa nhà cao tầng, đường dây điện, đường hầm, các cây cầu. Nếu đang lái xe, cần dừng xe bên lề đường, không ra khỏi xe cho đến khi động đất dừng lại, không cố chui qua hoặc vượt qua những cây cầu vì có thể bị sập. Nếu ở gần một quả đồi nghiêng dốc, hãy tránh xa chỗ dốc đứng vì chỗ đó có thể bị lở đất. Nếu ở gần bờ biển, ngồi xuống, bảo vệ đầu bằng tay, khi hết rung lắc chạy thật nhanh tới vùng đất cao hơn và vào sâu trong đất liền.

Sau động đất, cần tránh xa các bức tường bằng gạch vì chúng có thể bị suy yếu và có thể lật đổ trong các đợt dư chấn. Đặc biệt, không bao giờ chạm vào đường dây điện bị rơi hoặc bất kỳ vật thể nào tiếp xúc với chúng và coi chừng đồ nặng rơi khỏi trần, kệ.