Sẽ thanh tra diện rộng về môi trường, khoáng sản, đất đai vào năm 2022

NDO -

Trong Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ tập trung thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực như: môi trường, khoáng sản, khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn và đất đai.

Các cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường tại tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Anh Thư)
Các cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, bảo vệ môi trường tại tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: Anh Thư)

Ngày 24/11, Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Vũ Tuấn Anh cho biết: Gần hai năm qua, công tác thanh tra, kiểm tra tài nguyên môi trường gặp rất nhiều khó khăn, nhất là một số kế hoạch phải dừng lại do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Để khắc phục các tồn tại và nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra thời gian tới, trong Kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sẽ tập trung thanh tra diện rộng, thanh tra chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực như: môi trường, khoáng sản, khí tượng thủy văn đối với một số hồ thủy lợi lớn và đất đai.

Cụ thể: Đối với lĩnh vực môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại; việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nhiệt điện, xi-măng, sản xuất gang, thép; trách nhiệm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh, thành phố lớn; việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đối với các cơ sở có nguồn khí thải lớn.

Về lĩnh vực khoáng sản, Bộ sẽ tập trung thanh tra tình hình cấp phép đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường có thu hồi khoáng sản đi kèm là đá vôi công nghiệp; nguyên liệu xi-măng, đá ốp lát trong quá trình khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; thanh tra công tác cải tạo, phục hồi môi trường sau khai thác, đóng cửa mỏ khoáng sản. Lĩnh vực tài nguyên nước, tập trung thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước đối với các đơn vị khai thác, sử dụng nước đa mục tiêu, có quy mô lớn.

Riêng đối với lĩnh vực đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường chú trọng thanh tra việc quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường, đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, nhất là việc chấp hành pháp luật đất đai đối với các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, có sai phạm trong quản lý sử dụng đất.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tổ chức các cuộc tiếp công dân định kỳ, tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân kịp thời, có hiệu quả các lĩnh vực Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý. Đồng thời, tập trung xử lý, giải quyết đúng hạn các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao, các vụ việc thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ trưởng; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường…

Theo Chánh Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Vũ Tuấn Anh: Trong giai 2015-2020, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện 729 cuộc thanh tra, kiểm tra đối với 6.015 tổ chức, thực hiện 490 cuộc kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra.

Kết quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ra các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 1.269 tổ chức, với tổng số tiền là hơn 204 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị truy thu nộp ngân sách Nhà nước 912 triệu đồng, buộc bồi thường cho người dân các tỉnh bị ảnh hưởng là hơn 11 nghìn tỷ đồng. Các sai phạm chủ yếu trong các lĩnh vực môi trường, khai thách khoáng sản, đất đai…