Phú Yên khẩn trương ứng phó áp thấp nhiệt đới

NDO -

Chiều 25/10, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên tổ chức cuộc họp khẩn với các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan chức năng triển khai các phương án ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang có khả năng mạnh lên thành bão trên Biển Đông.

Tàu thuyền của ngư dân thành phố Tuy Hòa đã được hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn dọc Kè Bạch Đằng.
Tàu thuyền của ngư dân thành phố Tuy Hòa đã được hướng dẫn vào nơi tránh trú an toàn dọc Kè Bạch Đằng.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh và áp thấp nhiệt đới từ 19 giờ ngày 23 đến 16 giờ ngày 25/10, Phú Yên có mưa to, đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 60,5-237,6 mm. Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 7 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão cách bờ biển Bình Định đến Bình Thuận khoảng 230 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75 km/giờ), giật cấp 10. 

Phú Yên có 4.106 tàu cá với 24.600 người lao động. Đến thời điểm hiện tại có 239 tàu cá và 1.286 người lao động đang hoạt động trên các vùng biển, trong đó có 5 tàu cá đang nằm trong vùng nguy hiểm ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Các tàu cá đã được thông báo hướng đi của áp thấp, bão đang di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm vào nơi tránh trú an toàn.

Các địa phương ven biển của Phú Yên đã chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, sử dụng phương tiện kêu gọi người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên các vịnh, đầm vào bờ đảm an toàn, sẵn sàng lực lượng ứng cứu khi có sự cố xảy ra trên biển. 

Tuy nhiên, mưa lớn đã gây thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Sông Cầu Lâm Duy Dũng, do ảnh hưởng của mưa lớn trong những ngày qua, nước từ thượng nguồn đổ về một lượng lớn làm ngọt hóa vùng nuôi tôm hùm thị xã Sông Cầu khiến gần 8.500 con tôm hùm và 1,2 tạ cá của 22 hộ dân khu phố Phước Lý, phường Xuân Yên, thị xã Sông Cầu bị chết, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.

Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, diễn biến tình hình tôm, cá chết xảy ra trong khoảng thời gian ngắn, đột ngột; tôm, cá chết không có các dấu hiệu bệnh lý. Thời gian từ đêm 23 đến ngày 24/10 trên địa bàn có mưa liên tục, cộng thêm trong những ngày này là kỳ con nước kém theo lịch thủy triều, đã làm cho khả năng trao đổi nước ở tầng mặt và tầng đáy kém dẫn đến nước có sự phân tầng gây ra hiện tượng thiếu oxy cục bộ làm tôm, cá bị chết đột ngột. 

Ngành nông nghiệp chỉ đạo một số giải pháp để hạn chế rủi ro do sự cố môi trường vùng nuôi: không nuôi tôm, cá với mật độ dày, sang thưa mật độ nuôi để tránh hiện tượng bị thiếu oxy cục bộ tại lồng nuôi, không tăng số lượng lồng nuôi. Vệ sinh lồng nuôi để tăng cường quá trình trao đổi nước; thường xuyên quan sát môi trường nước vùng nuôi; kiểm tra tình hình sức khỏe thủy sản nuôi, nhất là ban đêm, để phát hiện kịp thời sự cố xảy ra. Khi phát hiện môi trường biến đổi bất thường hoặc thủy sản nuôi xảy ra hiện tượng ngạt, cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp ganh lồng lên gần mặt nước; áp dụng các biện pháp tạo oxy (sục khí, viên tạo oxy) để tăng hàm lượng oxy hòa tan trong nước cho thủy sản hô hấp…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế yêu cầu các địa phương sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia xử lý khi có tình huống xảy ra; thường xuyên, liên tục thông báo các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm; chủ động sơ tán người dân trên tàu thuyền, lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, vùng ven biển, bảo vệ các tuyến kè biển đang thi công như kè Đà Diễn, Đà Nông, Xóm Rớ an toàn trước nguy cơ bị sóng biển tàn phá.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên lưu ý các địa phương sẵn sàng phương án “4 tại chỗ”, chuẩn bị phương án sơ tán dân gắn với bảo đảm phòng, chống Covid-19. Theo dõi chặt diễn biến của áp thấp nhiệt đới, bão lũ cắt cử lực lượng chốt chặn các tràn, đập nước, có phương án di dời người và tài sản đến nơi an toàn, hạn chế thiệt hại do mưa, lũ gây ra.