Phú Yên công bố tình trạng rủi ro thiên tai cấp độ 3

NDO -

Ngày 3/12, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế ký quyết định công bố tình trạng rủi ro thiên tai do mưa lớn, lũ, ngập lụt xảy ra từ ngày 30/11-1/12 trên địa bàn tỉnh thuộc cấp độ 3.

Mưa lũ đã làm cho hệ thống kênh mương của hệ thống thủy nông Đồng Cam, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng, cần khắc phục gấp để phục vụ sản xuất đông xuân.
Mưa lũ đã làm cho hệ thống kênh mương của hệ thống thủy nông Đồng Cam, công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Phú Yên bị thiệt hại nặng, cần khắc phục gấp để phục vụ sản xuất đông xuân.

Theo quyết định các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm hạn chế, khắc phục thiệt hại nhanh chóng do mưa lớn, lũ, ngập lụt gây ra.

Trong 2 ngày 30/11 và 1/12, lượng mưa phổ biến trên địa bàn toàn tỉnh từ 200mm đến 700mm gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản.

Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, đến sáng ngày 3/12, toàn tỉnh ghi nhận 9 người tử vong do mưa lũ. Về nông nghiệp có 2.500 ha lúa, hoa màu bị ngã đổ, ngập úng; 45 nghìn con gia súc, gia cầm bị thiệt hại. Kênh mương bị sụp đổ, hư hỏng: 38.391m; sạt lở, bồi lấp đất đá: 58.833 m3, bê-tông, đá xây các loại bị ngã đổ, cuốn trôi: 3.725 m3. 

Các tuyến đường quốc lộ, tỉnh, huyện, xã bị hư hỏng, sạt lở bồi lấp, sụt lún, với khối lượng đất đá: 110.367 m3; hư hỏng nền đường, mặt đường: 39.500 m2..., ngay sau lũ lụt ngành giao thông đã chỉ đạo các đơn vị bảo trì đường bộ đã dọn dẹp cây xanh ngã đổ và thi công sửa chữa vá ổ gà, sình lún nền, mặt đường để bảo đảm giao thông thông suốt.

Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế chỉ đạo, đối với các sở, ban, ngành, hội đoàn thể tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động triển khai các hành động, nhiệm vụ cụ thể, xây dựng kế hoạch, phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương thực hiện công tác khắc phục hậu quả nhanh chóng, tái thiết sau thiên tai bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Chủ động bố trí nguồn ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để hỗ trợ sửa chữa nhà ở người dân, xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi; sửa chữa, khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân, các cơ sở y tế, trường học, điện, nước sạch sinh hoạt, đường giao thông trong khu dân cư, thủy lợi,... bảo đảm sản xuất, sinh hoạt của người dân trở lại bình thường; tổ chức tốt công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, chủ động phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng người dân bị đói, rét, không có chỗ ở…