Phát triển nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường

NDO -

NDĐT - Hưởng ứng ngày “Môi trường thế giới” và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chiều 28-11, tại Hà Nội, Báo Tài Nguyên môi trường phối hợp Tạp chí Kinh tế và Đầu tư, Trung tâm Môi trường Nông thôn (T.Ư Hội Nông dân Việt Nam) tổ chức Chương trình diễn đàn “Phát triển Nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường và Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn Việt Nam” lần thứ I-2014.

Phát triển nông nghiệp sáng tạo gắn với bảo vệ môi trường

Tại Diễn đàn các nhà quản lý, chuyên gia, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cùng thảo luận, tìm ra những giải pháp, hướng đi đúng, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) an toàn trong phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường.

Đánh giá về tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp, bà Triệu Thị Bích Thủy - Giám đốc Trung tâm Môi trường nông thôn, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: “Tình trạng sử dụng hóa chất trong nông nghiệp như phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), lượng phân bón hóa học ở nước ta trung bình khoảng 80-90 kg/ha. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón không cân đối, chất lượng không bảo đảm. Thực trạng sử dụng nhiều loại chất độc hại vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp đang là nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm môi trường nông thôn, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng”.

Theo kết quả điều tra của tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), hiệu quả sử dụng phân bón ở Việt Nam chỉ đạt 45 đến 50%. Điều đó có nghĩa là, nông dân cứ bón 100 kg phân urea hoặc NPK vào đất thì chỉ có 45 đến 50 kg phân là được cây trồng hấp thụ và cho ra sản phẩm nông sản phục vụ mục đích gieo trồng, còn lại 50 đến 55 kg phân bón mất đi.

Thạc sĩ Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Hiện nay, nhiều loại phân bón, kể cả phân bón công nghiệp chưa được đầu tư công nghệ mới, hiện đại nên chất lượng sản phẩm chưa cao, nhiều tạp chất. Đáng lo ngại nhất là các xưởng quy mô nhỏ sản xuất theo kiểu cuốc xẻng và cho ra lò các loại phân bón gốc không khá gì hơn đất mặt, hay phân bón lá không khác nước lã. Nhiều loại phân, để đánh lừa nông dân, thay vì bổ sung dinh dưỡng thì họ lại bổ sung chất điều hòa, kích thích sinh trưởng...”.

“Mặt khác, trong nhiều năm chúng ta thiếu hụt lương thực, thực phẩm nên mọi giải pháp đều hướng vào tăng năng suất, trong đó có bón phân. Với một số cây trồng, khi được giá nông dân bón liều lượng cao gấp 2 đến 3 lần nhu cầu của cây, điển hình như cà-phê. Công tác quản lý phân bón còn nhiều bất cập và kém hiệu quả…”, ông Định nhấn mạnh.

Để góp phần hạn chế tình trạng sử dụng chưa hiệu quả thuốc BVTV, các đại biểu đề xuất một số giải pháp: Cần nghiên cứu gói kỹ thuật sử dụng phân bón phù hợp với đất, cây, mùa vụ và điều kiện thời tiết… Nhập khẩu thiết bị và công nghệ mới cho sản xuất phân bón. Bên cạnh đó phải lựa chọn nguồn nhập khẩu phân bón công nghệ cao, phân bón chức năng và phẩm cấp cao. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khuyến cáo sử dụng. Khai thác tối đa và hiệu quả nguồn hữu cơ làm phân bón.

Đối với nông dân và cán bộ cấp cơ sở, cần trang bị kiến thức tối thiểu để lựa chọn đúng loại phân bón, biết phân biệt phân bón giả, nhái nhãn mác cũng như biết sử dụng chúng hợp lý. Hệ thống khuyến nông cần phối hợp với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học để thống nhất phương pháp đào tạo, giáo trình nhằm giảm chi phí đào tạo…