Ô nhiễm rác thải ở thành phố Hòa Bình đe dọa nguồn nước sông Ðà

Những ngày này, nhiều người dân Hà Nội lo lắng trước thông tin nguồn nước của Nhà máy nước mặt sông Ðà bị ô nhiễm do ảnh hưởng từ rác thải của thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Nguyên nhân là do vướng mắc trong việc đưa Nhà máy xử lý rác Yên Mông vào hoạt động, dẫn đến sự tồn tại kéo dài của bãi rác tạm Dốc Búng.

Người dân phải dùng nước sông Đà bị ô nhiễm làm nước sinh hoạt.
Người dân phải dùng nước sông Đà bị ô nhiễm làm nước sinh hoạt.

Ô nhiễm nặng từ bãi rác Dốc Búng

Hàng chục năm nay, tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác tạm Dốc Búng ở phường Tân Hòa, thành phố Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình) là vấn đề bức xúc ở địa phương. Bãi rác đưa vào sử dụng từ năm 2004, rộng hơn một nghìn m2, nằm cách sông Ðà một con đường. Mỗi ngày, bãi rác tiếp nhận hơn 40 tấn rác thải sinh hoạt của người dân thành phố Hòa Bình. Ðến năm 2006, bãi rác đã đầy, không còn diện tích chôn lấp. Ðiều đáng nói là quy trình xử lý rác không được thực hiện đúng quy định. Ðiều kiện chôn lấp không bảo đảm, không có vải lót đáy, không phủ đất, trồng cây. Các chất thải nguy hại như pin, ắc-quy, dầu động cơ... không được phân loại xử lý. Nước rỉ ra từ bãi rác không được phân tách và xử lý trước khi thải ra môi trường. Khí thải từ rác chỉ được xử lý sơ sài bằng chế phẩm EM và phát tán tự nhiên... Tình trạng này gây ô nhiễm môi trường nặng nề.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần tiến hành kiểm tra, khẳng định đây là cơ sở gây ô nhiễm môi trường trầm trọng trên địa bàn tỉnh; tiến hành lập biên bản xử lý hành chính nhiều lần và yêu cầu khắc phục ngay. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64/2003/QÐ-TTg chỉ đạo phải xử lý khống chế ô nhiễm môi trường bãi rác Dốc Búng trong giai đoạn 2003-2006. Tuy nhiên, cho đến nay, tình trạng ô nhiễm không những chưa được khắc phục, mà ngày càng nghiêm trọng do rác vẫn tiếp tục được vận chuyển đến đây, đổ lộ thiên, không đầm nén, phủ đất. Tính ra, bãi rác đã ở trong tình trạng quá tải tám năm nay. Ước tính hiện có khoảng 150 nghìn tấn rác tại đây. Ngoài việc chất thải theo gió phát tán đi khắp nơi, mùi hôi thối nồng nặc, nước rỉ ra từ bãi rác khổng lồ này đang chảy xuống sông Ðà. Kết quả phân tích mẫu nước rỉ rác của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, có nhiều thông số vượt quá nhiều lần so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải. Thí dụ như thông số Coliform vượt quá quy chuẩn kỹ thuật cho phép tới 186 lần.

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình Quách Tùng Dương cho biết, năm 2009, bãi rác Dốc Búng được đầu tư 20 tỷ đồng (trong đó vốn trung ương 7 tỷ đồng và vốn địa phương 13 tỷ đồng) để xử lý và khống chế ô nhiễm. Tuy nhiên, nhận thấy cần phải có giải pháp lâu dài, thành phố đã dùng nguồn vốn này để xây dựng khu xử lý rác thải khác tại xã Yên Mông thuộc địa bàn thành phố. Khu xử lý này có quy mô 20 ha, hoàn thành ngay trong năm, sẵn sàng đi vào hoạt động và có thể đáp ứng nhu cầu trong 20 năm. Song đúng thời điểm này, quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường có sự thay đổi là khoảng cách an toàn từ khu xử lý rác tới cụm dân cư phải ở mức bán kính 500 m thay vì 300 m như trước kia. Với yêu cầu này, bãi rác mới không đủ tiêu chuẩn. Ngay khi xe rác đầu tiên đến đã bị người dân ngăn chặn quyết liệt. Ðể bãi rác này bảo đảm điều kiện đi vào hoạt động, thành phố phải di dời hơn 200 hộ dân (nằm trong phạm vi bán kính 500 m). Số tiền để thực hiện việc đền bù giải phóng mặt bằng cần tới 180 tỷ đồng, đồng thời phải có khu tái định cư. Số tiền quá lớn, tỉnh chưa thể cân đối để thực hiện. Vì vậy, khu xử lý rác bị bỏ không từ đó tới nay. Ðó cũng là nguyên nhân của việc chậm xử lý ô nhiễm tại bãi rác tạm Dốc Búng.

Nước sông Ðà ô nhiễm được sử dụng làm nước sinh hoạt

Chúng tôi có mặt tại bãi rác Dốc Búng vào chiều 25-11, chứng kiến rác chất cao ngất, ruồi muỗi đen đặc, nhiều loại chất thải, nhất là túi ni-lông theo gió bay tứ tung. Ðứng trên bãi rác thấy dòng sông Ðà thấp sâu phía dưới. Ven bờ sông, phía bên có bãi rác, rất nhiều hộ dân sinh sống. Ðây là tổ dân phố số 11 và 12 phường Tân Hòa với gần 200 hộ dân đang phải chịu đựng tình trạng ô nhiễm môi trường. Anh Ðinh Xuân Hòa, sống ở tổ 11 cho biết: "Thời tiết nắng ráo thế này là đỡ khổ nhất, chứ vào mùa mưa, chúng tôi không thể chịu nổi mùi hôi thối và ruồi muỗi từ bãi rác. Những ngày nóng ẩm, ruồi "tấn công" tới mức gia đình phải mắc màn để ăn cơm. Vào những ngày mưa bão, rác rưởi, nước rác đổ xuống dòng sông Ðà như nước lũ. Nhìn thấy rõ một vùng sông đen ngòm". Ấy thế mà hằng ngày các hộ dân ở đây vẫn hút nước ven sông lên dùng làm nước sinh hoạt.

Bác Phan Tiến Dũng, sống ở tổ 12 than thở: "Mười năm nay, hai tổ dân phố chúng tôi đã nhiều lần làm đơn kiến nghị thành phố đầu tư hệ thống cung cấp nước sạch mà chưa có. Ngoài việc hứng nước mưa, chúng tôi không còn nguồn nước sinh hoạt nào khác ngoài nước sông Ðà. Cứ bơm trực tiếp từ sông vào bể chứa, đợi lắng và sử dụng...". Từ đoạn bãi rác, xuôi xuống hạ lưu sông là Nhà máy nước sông Ðà. Hằng ngày, nhà máy bơm hút nước sông, sản xuất và cung cấp cho Hà Nội hơn 200 nghìn m3/ngày đêm (chiếm 1/4 tổng lượng nước sinh hoạt của thành phố). Hơn 70 nghìn hộ dân thuộc các quận phía tây nam Thủ đô đang sử dụng nguồn nước này. Với tình trạng nước rác thải xả thẳng ra sông, người dân Thủ đô rất lo lắng về chất lượng nguồn nước do nhà máy cung cấp.

Trước những lo ngại nêu trên, đại diện Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) khẳng định, cửa thu nước của nhà máy cách khu vực có bãi rác 13 km. Nguồn nước này được dẫn vào kênh đưa lên hồ chứa nước làm lắng tự nhiên. Sau đó nước từ hồ chứa này được đưa vào nhà máy xử lý. Vì vậy, nguồn nước đầu vào nhà máy bảo đảm các tiêu chuẩn. Về nguồn nước đầu ra của nhà máy, công ty đã chủ động ký hợp đồng với Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1 (Quatest 1) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng để thực hiện kiểm tra, giám sát, xét nghiệm chất lượng nước theo các chỉ tiêu mức độ C Tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của Bộ Y tế về chất lượng nước ăn uống. Kết quả phân tích xét nghiệm cho thấy toàn bộ 78 chỉ tiêu phân tích xét nghiệm theo Tiêu chuẩn QCVN 01:2009/BYT của nước Sông Ðà do Công ty CP Viwasupco sản xuất đều đạt và vượt tiêu chuẩn.

Mối lo của người dân Hà Nội đã được hóa giải. Tuy nhiên, vấn đề ô nhiễm rác tại thành phố Hòa Bình cần phải nhanh chóng được giải quyết dứt điểm, không thể để tình trạng loay hoay, bế tắc như hiện nay. Một nơi thì quá tải, ô nhiễm trầm trọng. Nơi kia thì đóng cửa bỏ không. Bức xúc từ người dân và dư luận buộc tỉnh Hòa Bình không thể chần chừ hơn nữa. Ðồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, xử lý ô nhiễm tại bãi rác Dốc Búng là việc cấp bách hiện nay đối với tỉnh, song trong bối cảnh khả năng cân đối ngân sách tỉnh còn nhiều khó khăn, phải giảm đầu tư công, cho nên giải pháp trước mắt là kêu gọi nguồn xã hội hóa, thực hiện phương án vận chuyển rác tồn đọng từ bãi Dốc Búng và toàn bộ rác phát sinh hằng ngày hiện nay về khu xử lý rác tại huyện Lương Sơn. Tỉnh đã chỉ đạo UBND thành phố Hòa Bình trước ngày 27-11, chọn xong đơn vị vận chuyển rác theo phương thức đấu thầu để bảo đảm hiệu quả kinh tế. Với phương án này, tính ra chi phí vận chuyển toàn bộ 50 tấn rác trong ngày của thành phố hết 8 triệu đồng. Một tháng chi phí cho công tác này khoảng 240 triệu đồng là việc có thể thực hiện ngay. Vì vậy, có thể khẳng định đây là phương án khả thi. Từ ngày 31-12 năm nay, tỉnh sẽ chính thức đóng cửa bãi rác Dốc Búng, không tiếp nhận rác mới và bắt đầu thực hiện chuyển rác tồn từ đây đi.

Như vậy, có thể tình trạng ô nhiễm môi trường vì rác thải kéo dài nhiều năm tại bãi rác Dốc Búng sẽ sớm được khắc phục. Song, để giải quyết vấn đề thu gom, xử lý rác thải trên địa bàn thành phố Hòa Bình thì còn nhiều việc phải làm như: đưa khu xử lý rác ở xã Yên Mông đi vào hoạt động; cấp nước sạch cho bà con các tổ dân phố 11 và 12 phường Tân Hòa... Mong rằng, UBND tỉnh Hòa Bình sớm đề ra những giải pháp và chủ động thực hiện quyết liệt hơn.