Ô nhiễm nhựa toàn cầu sắp đến giới hạn không thể phục hồi

NDO -

Một nghiên cứu mới của các nhà nghiên cứu từ Thụy Điển, Na Uy và Đức được công bố trên tạp chí Science mới đây cho thấy, tỷ lệ phát thải nhựa hiện tại trên toàn cầu có thể gây ra những tác động mà chúng ta sẽ không thể đảo ngược. 

Tàu nghiên cứu SONNE của Đức vớt được một thùng lớn màu xanh lơ nổi trên bề mặt đại dương trong chuyến thám hiểm qua Bắc Thái Bình Dương từ Vancouver đến Singapore vào mùa hè năm 2019. Nguồn: Roman Kroke UFZ
Tàu nghiên cứu SONNE của Đức vớt được một thùng lớn màu xanh lơ nổi trên bề mặt đại dương trong chuyến thám hiểm qua Bắc Thái Bình Dương từ Vancouver đến Singapore vào mùa hè năm 2019. Nguồn: Roman Kroke UFZ

Theo các tác giả, ô nhiễm nhựa là một mối đe dọa toàn cầu và các hành động nhằm giảm mạnh lượng khí thải nhựa ra môi trường là “phản ứng chính sách cần thiết”.

Nhựa được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên hành tinh: từ sa mạc và đỉnh núi đến đại dương sâu và tuyết ở Bắc Cực. Tính đến năm 2016, ước tính lượng khí thải nhựa toàn cầu ra các hồ, sông và đại dương trên thế giới dao động từ 9 đến 23 triệu tấn mỗi năm, một lượng nhựa tương tự cũng bị vứt bỏ trên đất liền hàng năm. Những ước tính này dự kiến ​​sẽ tăng gần gấp đôi vào năm 2025 nếu vẫn áp dụng các kịch bản kinh doanh thông thường.

Giáo sư Matthew MacLeod, Đại học Stockholm, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Sử dụng nhựa đã hằn sâu trong xã hội chúng ta và rác thải nhựa rò rỉ ra môi trường ở khắp mọi nơi, ngay cả ở những quốc gia có cơ sở hạ tầng xử lý chất thải tốt”.

Ông nói biết, ô nhiễm vẫn đang có xu hướng tăng lên mặc dù nhận thức về ô nhiễm nhựa của các nhà khoa học và người dân đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây.

Sự mâu thuẫn đó không có gì đáng ngạc nhiên đối với Mine Tekman, một ứng viên Tiến sĩ tại Viện Alfred Wegener, Đức, đồng tác giả của nghiên cứu, bởi vì ô nhiễm nhựa không chỉ là một vấn đề môi trường mà còn là một vấn đề “chính trị và kinh tế”.

Cô cho rằng, các giải pháp hiện đang được triển khai như công nghệ tái chế và dọn dẹp, là không đủ và chúng ta phải giải quyết vấn đề tận gốc.

Ô nhiễm nhựa toàn cầu sắp đến giới hạn không thể phục hồi -0
Một vật bằng nhựa nổi trên bề mặt cùng với một động vật giáp xác do tàu nghiên cứu SONNE của Đức vớt được. Nguồn: Gritta Veit-Köhler Senckenberg. 

Cô Tekman nói: “Thế giới thúc đẩy các giải pháp công nghệ để tái chế và loại bỏ nhựa ra khỏi môi trường. Là người tiêu dùng, chúng tôi tin rằng khi chúng ta phân loại thùng rác nhựa đúng cách, tất cả chúng sẽ được tái chế một cách kỳ diệu. Về mặt công nghệ, việc tái chế nhựa có nhiều hạn chế, và các nước có cơ sở hạ tầng tốt đã và đang xuất khẩu chất thải nhựa của họ sang các nước có cơ sở vật chất kém hơn.

Cô Tekman cho biết, việc giảm lượng ô nhiễm nhựa đòi hỏi phải có những hành động quyết liệt, như hạn chế sản xuất nhựa nguyên sinh để tăng giá trị của nhựa tái chế, và cấm xuất khẩu chất thải nhựa, trừ khi lượng rác này được chuyển đến một quốc gia có khả năng tái chế tốt hơn.

Ô nhiễm nhựa khó có thể đảo ngược

Nhựa tích tụ trong môi trường khi lượng rác thải ra vượt quá lượng được các sáng kiến ​​dọn dẹp thu gom để xử lý và lượng rác nhựa bị vứt bỏ ấy trải qua quá trình nhiều bước của phong hóa tự nhiên.

Giáo sư Hans Peter Arp, nhà nghiên cứu tại Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI), giảng viên Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU), cũng là đồng tác giả của nghiên cứu nói: “Sự phong hóa nhựa xảy ra do nhiều quá trình khác nhau, và chúng tôi đã trải qua một chặng đường dài để hiểu được quá trình này”.

Ông Arp cho biết: “Sự phân hủy diễn ra rất chậm và không có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự tích tụ, vì vậy việc con người phải tiếp xúc với nhựa bị phong hóa sẽ chỉ tăng lên. Do đó, nhựa là một “chất ô nhiễm khó có thể đảo ngược”, cả vì lượng khí thải liên tục do nó gây ra và cả vì sự tồn tại của nó trong môi trường.

Đồng tác giả Annika Jahnke, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Môi trường Helmholtz (UFZ), Giáo sư tại Đại học RWTH Aachen giải thích: “Ở những môi trường ở xa, nơi các mảnh vụn nhựa không được dọn dẹp và sự phong hóa của các vật dụng bằng nhựa lớn chắc chắn sẽ dẫn đến việc tạo ra một số lượng lớn các hạt vi nhựa. Thêm vào đó, nó còn rửa trôi các hóa chất được cố ý thêm vào nhựa và các hóa chất khác phá vỡ xương sống polyme nhựa”.

Vì vậy, nhựa trong môi trường liên tục chuyển động với độ phức tạp ngày càng tăng. Nó tích tụ ở đâu và những tác động mà nó có thể gây ra là một thách thức hoặc thậm chí có thể không thể đoán trước được, Giáo sư, Tiến sĩ Annika Jahnke nói.

Ô nhiễm nhựa toàn cầu sắp đến giới hạn không thể phục hồi -0
 Cặn nhựa được lọc từ rác thải thực phẩm được thu gom ở Na Uy sau khi lên men thành khí sinh học và phân bón đất. Ảnh: Caroline Hansen và Heidi Knutsen, NGI.

Sự hủy hoại môi trường sắp đến mức không thể phục hồi

Ngoài tác hại về môi trường mà ô nhiễm nhựa có thể gây ra, rác thải nhựa còn có thể hoạt động cùng với các tác nhân khác gây ảnh hưởng đến môi trường ở vùng sâu vùng xa để gây ra các tác động trên diện rộng hoặc thậm chí toàn cầu.

Nghiên cứu mới đưa ra một số giả thuyết về các tác động có thể xảy ra của ô nhiễm nhựa như sự trầm trọng hơn của biến đổi khí hậu, sự mất đa dạng sinh học ở đại dương, nơi ô nhiễm nhựa đóng vai trò là tác nhân bổ sung.

Nhìn chung, các tác giả coi mối đe dọa mà rác thải nhựa ngày nay có thể gây ra các tác động quy mô toàn cầu, không thể phục hồi trong tương lai chính là “động lực hấp dẫn” để có các hành động phù hợp nhằm giảm mạnh ô nhiễm nhựa.

“Ngay bây giờ, chúng ta đang thải ra môi trường với lượng ô nhiễm nhựa ngày càng tăng. Cho đến nay, chúng tôi không thấy bằng chứng rộng rãi về những hậu quả xấu, nhưng nếu nhựa bị phong hóa gây ra tác động xấu thực sự thì chúng ta không thể phụ hồi được nữa”, Giáo sư MacLeod cảnh báo.

“Cái giá phải trả của việc bỏ qua sự tích tụ ô nhiễm nhựa khó phân hủy trong môi trường có thể là rất lớn. Điều hợp lý cần làm là hành động càng nhanh càng tốt để giảm lượng nhựa thải ra môi trường”, ông nói.