Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng nguy cơ lây bệnh cho con người

NDO -

Bà Nguyễn Thu Thủy, đại diện Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) cảnh báo, nuôi rùa làm thú cưng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ lây bệnh sang cho con người. Trẻ em có thể tiếp xúc với mầm bệnh trên cơ thể rùa qua cầm, nắm, ôm ấp.

Trào lưu nuôi động vật hoang dã làm thú cưng đang là vấn nạn nhức nhối diễn ra nhiều năm nay. (Ảnh minh họa)
Trào lưu nuôi động vật hoang dã làm thú cưng đang là vấn nạn nhức nhối diễn ra nhiều năm nay. (Ảnh minh họa)

Ngày 28/9, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm trực tuyến “Khi động vật hoang dã là thú cưng” nhằm thảo luận các giải pháp ngăn chặn tình trạng nuôi động vật hoang dã làm thú cưng trái pháp luật như hiện nay.

Phát biểu tại tọa đàm, bà Nguyễn Thu Thủy, đại diện Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) nhận định trong những năm gần đây, trào lưu nuôi thú cưng là động vật hoang dã nổi lên rầm rộ do sự phát triển của Internet và sự mở rộng toàn cầu, gây tác động nghiêm trọng tới việc bảo tồn các loài động vật hoang dã sinh sống trong tự nhiên, đặc biệt là nhóm rùa cạn và rùa nước ngọt.

Việt Nam được đánh giá cao về đa dạng sinh học với số lượng rùa cạn, rùa nước ngọt và rùa biển chiếm 9% trong số các loài rùa trên thế giới - 5 loài rùa biển và 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Tuy nhiên, theo bà Thủy, vấn nạn nuôi rùa cạn, rùa nước ngọt làm thú cưng hiện đang là vấn đề nhức nhối, diễn ra nhiều năm nay. Nhiều người nuôi không hoàn toàn ý thức được mình đang nuôi loài rùa gì, cũng như không có khả năng cung cấp hoặc không nghĩ đến việc cung cấp môi trường nuôi phù hợp cho các loài động vật này. Bên cạnh đó, nhiều người nuôi thậm chí không có hoặc thiếu kiến thức về loài và phương pháp chăm sóc đúng cách.

Bà Thủy cho biết, nuôi rùa làm thú cưng ẩn chứa rất nhiều nguy cơ lây bệnh sang cho con người. Trẻ em có thể tiếp xúc với mầm bệnh trên cơ thể rùa qua cầm, nắm, ôm ấp. Rùa và bò sát thường mang theo vi khuẩn Salmonella, khi xâm nhập vào cơ thể người gây tiêu chảy, sốt, co thắt dạ dày, thương hàn, thậm chí là tử vong (theo Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ - FDA). Ước tính vi khuẩn Salmonella gây bệnh cho khoảng 1,35 triệu người, với 26,500 người nhập viện, và 420 người tử vong hàng năm ở Mỹ (theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Mỹ - CDC).

Ngoài ra, theo bà Thủy, hoạt động mua bán rùa làm thú cưng tác động tới quần thể loài và hệ sinh thái, khi nó đe dọa sự tuyệt chủng nhiều loài do thu thập cả rùa con, săn bắt các loài quý hiếm có số lượng ngoài tự nhiên ít, loài khó tồn tại và sinh sản trong môi trường nuôi nhốt; đẩy một số loài trở thành ngoại lai xâm hại; phát tán dịch bệnh cho các loài bản địa, tăng áp lực và khó khăn đối với công tác bảo vệ thiên nhiên và bảo tồn loài.

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng - Thực trạng và giải pháp -0
(Nguồn: Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á - ATP)

Bàn về việc nuôi động vật hoang dã làm thú cưng - nhìn từ góc độ phúc lợi động vật, ông Nguyễn Tam Thanh, đại diện AAF cho biết, hầu hết các loài động vật hoang dã bị bắt từ tự nhiên để mang vào môi trường nuôi nhốt, quá trình vận chuyển khiến động vật không được bảo đảm về mặt sức khỏe và tâm lý, ảnh hưởng trực tiếp đến yếu tố phúc lợi động vật của các loài liên quan. Động vật hoang dã bị bắt làm thú cưng thường được nuôi nhốt trong điều kiện không phù hợp so với những điều kiện trước đó hoặc trong môi trường tự nhiên, hậu quả là nhiều loài có hành vi trở nên bất thường.

Tại tọa đàm, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một số vấn đề chính như rủi ro sức khỏe khi động vật hoang dã là thú cưng; khía cạnh pháp lý trong vấn đề nuôi động vật hoang dã là thú cưng; tác động đối với vấn đề bảo tồn động vật hoang dã; phúc lợi động vật.

Để ngăn chặn tình trạng nuôi động vật hoang dã làm thú cưng trái pháp luật, các chuyên gia khuyến nghị cần rà soát cơ sở gây nuôi, khảo sát thị trường để xác định điểm nóng và có can thiệp phù hợp; thúc đẩy hợp tác quốc tế (vấn nạn nhập khẩu động vật hoang dã làm thú cưng từ các quốc gia); tăng cường truyền thông thay đổi hành vi. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực cán bộ thực thi pháp luật trong việc nhận diện loài, qua đó giúp họ nhận diện được các loài bị buôn bán trái phép, nhất là khi có thể đưa các loài động vật rừng thông thường vào nhóm được bảo vệ.

Theo TS Phạm Đức Phúc, Đại học Y tế công cộng, Việt Nam chưa có hệ thống dữ liệu đủ mạnh để góp ý cho các nhà chính sách, do đó cần xây dựng liên minh thu thập dữ liệu trong nước và quốc tế, tận dụng dữ liệu sẵn có và thực tế tại Việt Nam. Ngoài ra, cần khắc phục thiếu sự hợp tác giữa các bên và thúc đẩy chia sẻ thông tin, thúc đẩy truyền thông nâng cao nhận thức về bảo tồn động vật hoang dã.

Tọa đàm do Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature), Tổ chức Động vật châu Á (AAF) và Chương trình Bảo tồn Rùa châu Á (ATP) phối hợp tổ chức trong khuôn khổ Dự án Cùng lên tiếng bảo vệ các Hệ sinh thái vì Thiên nhiên và Con người (VfD), với sự điều phối thực hiện của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam).