Nhiều quốc gia yêu cầu hành động nhanh hơn chống biến đổi khí hậu

NDO -

Đối mặt với những rủi ro đe dọa trước mắt, các nhà lãnh đạo từ các quốc đảo và các quốc gia nằm ở “vùng trũng” đã yêu cầu các nước đang tham gia phiên họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra tại Mỹ hành động mạnh mẽ hơn để chống lại sự nóng lên toàn cầu.

Chủ tịch Quần đảo Marshall, David Kabua phát biểu tại Kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 22/9. Ảnh: Reuters 
Chủ tịch Quần đảo Marshall, David Kabua phát biểu tại Kỳ họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm 22/9. Ảnh: Reuters 

Sự thất bại của các nền kinh tế phát triển trong việc hạn chế lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính góp phần làm tăng mực nước biển và đặc biệt là đe dọa các quốc đảo và vùng trũng trước vấn nạn ô nhiễm nguồn nước, thiếu nước.

Chủ tịch Quần đảo Marshall, David Kabua phát biểu tại cuộc họp cấp cao hôm 22/9: “Thế giới chỉ đơn giản là không thể trì hoãn mục tiêu về khí hậu thêm nữa”.

Các quốc gia đã nhất trí theo Thỏa thuận Paris năm 2015 về giảm thiểu biến đổi khí hậu nhằm cố gắng hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C, ngưỡng mà các nhà khoa học cho rằng sẽ đối đầu với các tác động tồi tệ nhất của hiện tượng nóng lên toàn cầu. Các nhà khoa học cho biết, để làm được điều đó, thế giới cần phải cắt giảm một nửa lượng khí thải toàn cầu vào năm 2030 và không phát thải ra môi trường vào năm 2050.

Tổng thống Nam Phi Guyana Irfaan Ali đã chỉ trích những quốc gia gây ô nhiễm lớn vì không thực hiện lời hứa để hạn chế khí thải và cáo buộc họ đã “lừa dối”, đồng thời cảnh báo rằng biến đổi khí hậu sẽ giết chết nhiều người hơn đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi hy vọng rằng những nước phát thải khí nhà kính hàng đầu thế giới đang làm ảnh hưởng đến phúc lợi của cả nhân loại cũng sẽ nhận ra rằng, cuối cùng, việc trở thành vua trong một thế giới khói bụi sẽ chẳng thu được lợi ích gì cho họ”, ông Ali nói với các nhà lãnh đạo thế giới hôm 23/9.

Các quốc gia nằm ở “vùng trũng” yêu cầu hành động nhanh hơn đối với biến đổi khí hậu -0
Tổng thống Guyana, Mohamed Irfaan Ali phát biểu trong phiên họp thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York (Mỹ) hôm 23/9. Ảnh: Reuters 

Ông cho biết thêm, các quốc đảo nhỏ và các quốc gia có đường bờ biển thấp, như Guyana, sẽ phải gánh chịu toàn bộ thảm họa môi trường sắp xảy ra trong tương lai mặc dù họ nằm trong số những quốc gia phát thải khí nhà kính thấp nhất thế giới. “Điều này không chỉ không công bằng mà còn là bất công”, ông nói.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 21/9 cho biết, ông sẽ làm việc với Quốc hội để tăng gấp đôi quỹ biến đổi khí hậu vào năm 2024 lên 11,4 tỷ USD mỗi năm để giúp các quốc gia đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.

Khoản tài trợ này sẽ giúp đạt được mục tiêu toàn cầu đặt ra cách đây hơn một thập kỷ là cam kết 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ hành động khí hậu ở các nước dễ bị tổn thương vào năm 2020.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã cam kết ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện đốt than ở nước ngoài, đây là một động thái được nhiều nước hoan nghênh.

Thủ tướng Anh Boris Johnson, quốc gia chuẩn bị đăng cai COP26, hôm 22/9 đã kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới thực hiện các cam kết cần thiết và cam kết tập thể để đạt được mức phát thải carbon bằng 0 vào năm 2050. Ông Johnson cảnh báo rằng, với mức phát thải như hiện tại, nhiệt độ sẽ tăng 2,7 độ C hoặc hơn vào cuối thế kỷ này.

“Chúng ta sẽ thấy sa mạc hóa, hạn hán, mất mùa và các cuộc di chuyển hàng loạt của nhân loại trên quy mô chưa từng thấy trước đây, không phải vì một số sự kiện tự nhiên hay thảm họa không lường trước được, mà vì tất cả những gì chúng ta đang làm hiện nay”, Thủ tướng Anh nói.