Nhiều nơi ngập sâu, huyện Đồng Xuân sẵn sàng phương án di dời dân

NDO -

Mưa lớn liên tục trong nhiều giờ liền, cộng với hồ thủy điện La Hiên (xã Phú Mỡ) xả lũ, mực nước các con sông dâng cao, làm ngập nhiều nơi, nhiều tuyến giao thông bị cắt đứt, chính quyền huyện Đồng Xuân đang triển khai các phương án ứng phó, sẵn sàng di dời dân các vùng trũng thấp.

Nước ngập sâu tại cầu Suối Tre trên tuyến đường từ thị trấn La Hai đi Đồng Hội xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Phú Yên.
Nước ngập sâu tại cầu Suối Tre trên tuyến đường từ thị trấn La Hai đi Đồng Hội xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân, Phú Yên.

Lúc 11 giờ hôm nay (29/11), trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết, từ chiều tối qua phía thượng nguồn mưa lớn, nước các con sông lên nhanh, mực nước đo được tại các trạm thủy văn lúc 11 giờ trưa nay như sau: tại Kỳ Lộ trên báo động 1 là 0,89m; tại Hà Bằng trên báo động 1 là 0,21m và tại Đa Lộc trên báo động 1 là 1,7m. 

Riêng trên sông Kỳ Lộ, do thủy điện La Hiên xả lũ, với tổng lưu lượng nước về hạ du xấp xỉ 490m3/s làm mực nước sông lên nhanh. Đến trưa nay, nhiều nơi trên địa bàn huyện Đồng Xuân đã bị ngập sâu từ 0,4m đến trên 1m, gây ách tắc giao thông nhiều nơi. 

Theo ông Võ Xuân Lý, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, từ chiều tối 28/11, tuyến đường từ Phước Lộc đi A20 xã Xuân Phước đã bị ngập, đến sáng nay nước ngập sâu hơn 1m. Xã đã cử lực lượng ứng trực, dựng biển báo cấm người và phương tiện qua lại. 

Nhiều nơi ngập sâu, huyện Đồng Xuân sẵn sàng phương án di dời dân -0
Tuyến đường từ Phước Lộc, Xuân Quang 3 đi A20 xã Xuân Phước bị ngập sâu hơn 1m, địa phương đã dựng biển cấm người và phương tiện qua lại.

Nhiều tuyến đường khác như tuyến đường từ thị trấn La Hai đi xã Xuân Quang 2 cũng bị ngập, gây ách tắc giao thông tại cầu suối Tre; tuyến ĐT 642 nối thị xã Sông Cầu và huyện Đồng Xuân cũng bị ngập nhiều đoạn tại cầu sông Con và cầu Cây Sung làm cô lập hoàn toàn xã Xuân Sơn Bắc. 

“Hiện nay, nước sông đang lên nhanh và dự báo mưa lớn tiếp tục kéo dài, do đó huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó. Tại các vùng trũng thấp, như: Xuân Sơn Nam, Xuân Sơn Bắc, Xuân Long, thị trấn La Hai, huyện đã chỉ đạo chuẩn bị phương án sẵn sàng di dời 300 hộ/900 nhân khẩu nếu nước tiếp tục dâng cao. Mặc dù chưa đến mùa thu hoặc chính, nhưng khuyến cáo bà con có diện tích trồng sắn tại vùng trũng thấp nên thu hoạch để tránh ngập úng…”, Phó Chủ tịch huyện Đồng Xuân Phạm Trung Chánh cho biết. 

Theo Đài Khí tượng thủy văn Phú Yên, trên địa bàn toàn tỉnh đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; lượng mưa đo được trong vòng 12 giờ qua (từ 19 giờ ngày 28/11 đến 7 giờ ngày 29/11) tại các nơi, như: Hòa Mỹ Tây, huyện Tây Hòa 183,5mm; các xã tại huyện Đồng Xuân gồm Phú Mỡ: 75mm; Xuân Quang 71mm và Hà Bằng 61,3mm. 

Nhiều nơi ngập sâu, huyện Đồng Xuân sẵn sàng phương án di dời dân -0
Sợ nước lũ ngập úng, người dân xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân, Phú Yên thu hoạch sắn chạy lũ.

Dự báo từ nay đến hết ngày 30/11, toàn tỉnh Phú Yên tiếp tục có mưa to, nhiều nơi mưa rất to, lượng mưa trên 9/9 huyện, thị, thành phố phổ biến từ 80-120mm; riêng khu vực xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh) và xã Hòa Thịnh (huyện Tây Hòa), lượng mưa có khả năng trên 150mm. 

Hiện nay, mực nước các sông trên địa bàn đang duy trì ở mức trên dưới báo động 1. Từ nay đến 1/12, trên các lưu vực sông trong tỉnh xuất hiện đợt lũ. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên các sông ở mức báo động 1-2, có sông trên mức báo động 2. Riêng sông Kỳ Lộ chảy qua huyện Đồng Xuân đạt mức báo động 2-3.

Để chủ động phòng ngừa, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên có thông báo khẩn, yêu cầu các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình mưa lũ, ngập lụt và thông báo cho nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng, tránh kịp thời.

Các đơn vị và địa phương sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó với tình huống lũ quét, sạt lở đất; tổ chức kiểm tra các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét để chủ động ứng phó; tổ chức cắm biển cảnh báo tại các ngầm tràn, tuyến đường bị ngập lụt, chia cắt, khu vực bị sạt lở; nghiêm cấm người dân đi lại trong vùng nước ngập lũ, vớt củi trên các sông, suối; có giải pháp bảo đảm an toàn đê điều, hồ đập, nhất là các công trình xung yếu, đang thi công và các hồ chứa đã đầy nước…