Nhiều khuyết điểm, sai phạm trong bảo vệ môi trường và quản lý đất đai tại Ninh Bình

NDO -

Thanh tra Chính phủ vừa cho biết, tại Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm đã chủ trì việc công bố công khai Kết luận thanh tra về công tác bảo vệ môi trường trong khai thác khoảng sản và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường và làm việc về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân trên địa bàn tỉnh.

Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại tỉnh Ninh Bình.
Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra tại tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra số 465/KL-TTCP ngày 24/3/2021, về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại tỉnh Ninh Bình, thời kỳ 2011-2018. Trong đó nêu rõ: Đối với công tác bảo vệ môi trường, việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án cải tạo phục hồi môi trường đối với một số dự án chưa chặt chẽ. 

Giai đoạn từ năm 2012 đến  tháng 4/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình không ban hành văn bản quy định hệ số quy đổi từ khoáng sản thành phẩm sang khoáng sản nguyên khai để tính phí bảo vệ môi trường. Do đó, các doanh nghiệp vẫn nộp phí bảo vệ môi trường theo khối lượng khoáng sản thành phẩm là vi phạm quy định của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường và Thông tư của Bộ Tài chính về phí bảo vệ môi trường…

Đối với các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản, Thanh tra Chính phủ nêu rõ, có nhiều dự án đã khai thác khoáng sản trong thời gian dài nhưng chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp, công trình bảo vệ môi trường theo yêu cầu của Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, như hệ thống nước tưới, phun sương tại khu vực khai thác; chế biến chưa bảo đảm được việc ngăn ngừa, giảm thiểu bụi; xây dựng hồ lắng thu gom nước mưa chảy tràn chưa đúng về thể tích, quy cách; rãnh nước thoát và hố ga chưa được nạo vét thường xuyên; trồng cây xanh tại khu vực mỏ chưa bảo đảm mật độ; quan trắc môi trường nước, môi trường không khí chưa đúng về tần suất, vị trí;  xe vận chuyển khoáng sản trước khi ra khỏi khu vực không được che phủ bảo đảm theo quy định; việc quản lý và báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ hằng năm chưa thực hiện đầy đủ… là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường. 

Bên cạnh đó, một số dự án khai thác khoáng sản vượt công suất với khối lượng lớn trong nhiều năm, dẫn đến các biện pháp, phương án bảo vệ môi trường đã thực hiện không đáp ứng được, nhưng chủ đầu tư không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc không xin phép cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường là vi phạm quy định Luật Bảo vệ môi trường và quy định của Chính phủ về bảo vệ môi trường. 

Có 18/20 dự án chưa có trạm cân tại khu vực khai thác, dẫn đến không quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác thực tế, không quản lý được trọng tải của xe vận chuyển khoáng sản khi ra khỏi khu vực mỏ như yêu cầu của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt là vi phạm quy định của Chính phủ…

Thanh tra Chính phủ cho biết: Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra, tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư dự án khai thác khoáng sản có vi phạm các quy định của luật bảo vệ môi trường, luật khoáng sản. Tuy nhiên, chưa có biện pháp giám sát thường xuyên, sau khi bị xử phạt một số chủ đầu tư vẫn chưa nghiêm túc khắc phục các sai phạm hoặc thực hiện mang tính đối phó. 

Công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với các doanh nghiệp khai thác khoáng sản còn hạn chế, dẫn đến nhiều doanh nghiệp đã kê khai, quy đổi khối lượng để tính phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên không đúng quy định của pháp luật và quy định của tỉnh, gây thất thu ngân sách nhà nước. Công tác bảo đảm an toàn lao động tại một số dự án khai thác khoáng sản chưa được các chủ đầu tư quan tâm đúng mức, tại một số mỏ khai thác không đúng thực tế dẫn đến nguy cơ về tai nạn lao động. Bên cạnh đó, phần lớn người lao động tại các mỏ là lao động phổ thông, ít kinh nghiệm, chủ quan, lơ là, thiếu ý thức phòng ngừa tai nạn lao động.

Về công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường, Thanh tra Chính phủ cho biết: Trước đây, do việc giao đất cho các nông, lâm trường quốc doanh quản lý, sử dụng được thực hiện trên bản đồ, không đo đạc, xác định ranh giới cụ thể, vì vậy diện tích đất do các nông, lâm trường quản lý, sử dụng chênh lệch nhiều so với thực tế, do đó việc quản lý, sử dụng đất không cụ thể và gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Sau khi thực hiện việc sắp xếp, chuyển đổi các nông trường, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chưa quan tâm đúng mức công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông trường; không chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành các trình tự, thủ tục để quản lý đất đai. Không kịp thời tiến hành rà soát, phân loại các loại diện tích đất, đo đạc, cắm mốc, xác định ranh giới, lập hồ sơ địa chính, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất chi tiết của các công ty được giữ lại sử dụng; không ban hành quyết định giao đất và chuyển sang hình thức thuê đất đối với diện tích công ty được tiếp tục sử dụng; không ban hành quyết định thu hồi đối với các điện tích đất công ty không còn nhu cầu sử dụng, dẫn đến có nhiều diện tích đất không quản lý được, phát sinh tình trạng lấn, chiếm, chuyển nhượng đất trái phép, không ký hợp đồng thuê đất đầy đủ, không thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất.

Từ kết quả thanh tra nêu trên, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình chỉ đạo cơ quan chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính đối với các chủ đầu tư khai thác khoáng sản có vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khoáng sản và các quy định về an toàn lao động; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhiều lần có hệ thống. 

Đồng thời, chỉ đạo tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan các tồn tại, vi phạm đã nêu tại kết luận này để có hình thức xử lý theo đúng quy định… Giao thanh tra tỉnh chủ trì, phối hợp cơ quan thuế tiến hành kiểm tra, rà soát lại việc áp dụng hệ số quy đổi khối lượng của tất cả các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh để truy thu phí bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên đối với các doanh nghiệp đã thực hiện quy đổi chưa đúng quy định, chưa nhân hệ số khai thác lộ thiên…