Người phát hiện các vụ khai thác, phá rừng trái phép tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk

NDO -

Vụ việc phát hiện bãi tập kết gỗ trái phép vô chủ với hơn 27 m3 tại Tiểu khu 462 thuộc lâm phần do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quản lý nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn vừa được Hạt Kiểm lâm huyện khởi tố vụ án hình sự và chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện để tiếp tục điều tra xử lý đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Xe vận chuyển gỗ tại khu vực rừng bị khai thác trái phép được bà Lê Thị Tuyến Vân ghi lại.
Xe vận chuyển gỗ tại khu vực rừng bị khai thác trái phép được bà Lê Thị Tuyến Vân ghi lại.

Điều bất ngờ là khi phóng viên Báo Nhân Dân tiếp tục vào cuộc tìm hiểu về vụ việc bất thường này thì được biết người phát hiện các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng này không phải là lực lượng kiểm lâm hay quản lý, bảo vệ rừng mà là một người phụ nữ lớn tuổi ở xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

3 vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng

Theo những tài liệu, chứng cứ mà phóng viên Báo Nhân Dân nắm được thì cùng một thời điểm giữa năm 2021, tại Tiểu khu 462 thuộc lâm phần do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và Công ty cổ phần Ánh Dương quản lý nằm trên địa bàn xã Krông Na, huyện Buôn Đôn xảy ra 2 vụ khai thác và một vụ phá rừng trái phép nghiêm trọng. Các vụ việc này do một người dân trú tại xã Krông Na, huyện Buôn Đôn phát hiện và đầu tháng 7 đã làm đơn kiến nghị, tố cáo gửi đến các đồng chí lãnh đạo Trung ương và Bí thư Tỉnh uỷ Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị. Ngay sau đó, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc xác minh, điều tra thì phát hiện tại Tiểu khu 462 xảy ra 2 vụ khai thác và 1 vụ phá rừng trái phép nghiêm trọng đúng như đơn tố cáo.

Cụ thể, qua kiểm tra tại các lô 5, 13, 16, khoảnh 7, Tiểu khu 462 thuộc lâm phần do Công ty cổ phần Ánh Dương quản lý, lực lượng chức năng phát hiện 24 cây gỗ tròn bị khai thác trái phép với khối lượng 10,557 m3. Ngay sau khi phát hiện, Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đã lập biên bản vụ việc, tạm giữ số gỗ theo quy định. Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn H’lan Niê Buôn Dap cho biết: Vụ khai thác 24 cây gỗ trái pháp luật này đủ điều kiện truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 232 về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tiếp tục mở rộng kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cũng tại Tiểu khu 462 thuộc lâm phần do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quản lý xảy ra việc khai thác trái phép 114 lóng gỗ tròn từ nhóm 1 đến nhóm 8 với khối lượng 27,604 m3. Trong khi đó, chủ rừng cho rằng, không hề hay biết việc khai thác rừng trái phép và số gỗ này từ đâu mà có. Theo Chi cục kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, vụ khai thác rừng trái phép này có mức độ nghiêm trọng, phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài 2 vụ khai thác lâm sản trái phép nêu trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk còn phát hiện tại khoảnh 4, Tiểu khu 462 thuộc lâm phần do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk quản lý còn xảy ra một vụ phá rừng trái phép khác. Lợi dụng quá trình thi công hạng mục hàng rào thuộc Dự án khẩn cấp bảo tồn voi, hạng mục hàng rào, nhà chăm sóc cứu hộ voi, đơn vị thi công xây dựng đã sử dụng máy xúc để đào móng trụ và dầm móng làm hàng rào xung điện trên đất rừng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng. Qua đo đếm tại hiện trường có tổng cộng 113 lóng gỗ tròn từ nhóm 1 đến nhóm 8 với khối lượng 15,03 m3.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk xác định, các vụ khai thác lâm sản và phá rừng trái phép nêu trên có tính chất, mức độ vi phạm nghiêm trọng. Vì vậy, sở đã chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn ra quyết định khởi tố 2 vụ án hình sự về tội vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản đối với 2 vụ khai thác rừng trái phép, chuyển toàn bộ hồ sơ sang Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Buôn Đôn để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định; giao Chi cục Kiểm lâm tỉnh chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát lại diện tích rừng bị phá tại khoảnh 4, Tiểu khu 462 để xử lý theo quy định của pháp luật. Sau khi có kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Buôn Đôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo làm rõ trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng này.

Người phát hiện các vụ khai thác và phá rừng nghiêm trọng này là ai?

Quá trình tìm hiểu về các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng xảy ra tại Tiểu khu 462 thuộc lâm phần do Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk và Công ty cổ phần Ánh Dương quản lý, điều làm chúng tôi bất ngờ là người phát hiện các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng này không phải là lực lượng kiểm lâm, càng không phải lực lượng quản lý, bảo vệ rừng của huyện Buôn Đôn hay của tỉnh Đắk Lắk mà đó bà Lê Thị Tuyến Vân, 57 tuổi, trú tại buôn Êa Rông B, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn.

Bà Vân cho biết: “Sau hơn 4 tháng bí mật theo dõi và ghi hình, tôi quay được nhiều hình ảnh của các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng xảy ra tại Tiểu khu 462 này. Sau khi bị các đối tượng phát hiện tôi bí mật theo dõi và quay phim, sợ các đối tượng tẩu tán lâm sản và xóa dấu vết hiện trường, tôi đã chạy xe máy ra báo cáo vụ việc cho đồng chí Vũ Hồng Nhật, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Buôn Đôn. Ngay trong buổi chiều hôm đó, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện cùng đồng chí Lê Văn Nuôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và Thượng tá Đinh Quang Thành, Trưởng Công an huyện cùng lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện đã vào chứng kiến hiện trường vụ việc”.

Ai là người phát hiện các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk? -0

Bà Lê Thị Tuyến Vân cung cấp thông tin về các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng tại Trung tâm Bảo tồn voi cho phóng viên Báo Nhân Dân.

Cũng trong thời gian đầu tháng 7, bà Vân đã gửi đơn kiến nghị, tố cáo về các vụ khai thác và phá rừng trái phép này đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị; Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk Lê Vinh Quy; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương... Ngay sau đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào cuộc xác minh, điều tra thì các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng mới được đưa ra ánh sáng.

Bà Vân chia sẻ: “Sau khi biết tôi phát hiện và quay phim các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng này, nhiều đối tượng đã đến mua chuộc tôi không nên tố cáo vụ việc với các cơ quan chức năng nhưng tôi không đồng ý. Sau đó, các đối tượng quay sang hù doạ tôi nhưng tôi cũng không sợ. Bởi tôi đã gắn bó với vùng đất biên giới này đã nhiều năm và hiểu rõ những giá trị vô giá của rừng đối với môi trường và cuộc sống của đồng bào các dân tộc ở đây. Hơn nữa, cách đây 2 năm, con trai tôi cũng vì nhiệm vụ bảo vệ rừng mà phải đánh đổi cả tính mạng nên tôi nhất quyết làm đơn tố cáo gửi các đồng chí lãnh đạo Trung ương và của tỉnh. Đến nay, vụ việc đã được khởi tố và đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Buôn Đôn đang điều tra làm rõ”.

Ai là người phát hiện các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk? -0

Bà Vân phát hiện các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng tại Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk.

Tuy nhiên, sau khi cung cấp các tài liệu và hình ảnh quay được cho phóng viên Báo Nhân Dân, điều mà bà Vân băn khoăn và đề nghị làm rõ là số lượng gỗ trong các vụ khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng này là rất lớn chứ không phải như những con số mà các cơ quan chức năng của huyện và tỉnh báo cáo ở trên. Và điều khá bất ngờ nữa là khi vụ việc vừa được Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn khởi tố vụ án hình sự và đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Buôn Đôn tiến hành điều tra thì Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk đã thay Giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk Huỳnh Trung Luân bằng một người khác.

Không chỉ các vụ khai thác và phá rừng nghiêm trọng này mà trong những năm qua, bà Vân còn phát hiện và tố giác nhiều vụ khai thác, phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép khác trên địa bàn, giúp các ngành chức năng của tỉnh vào cuộc xác minh, điều tra và xử lý các đối tượng liên quan. Tuy vậy, bà vẫn không đòi một quyền lợi gì cho riêng mình. Điều bà mong muốn lớn nhất là các ngành chức năng của Trung ương và của tỉnh cần điều tra khách quan và xử lý nghiêm minh các đối tượng khai thác và phá rừng trái phép nghiêm trọng này để bảo vệ những diện tích rừng tự nhiên quý giá còn sót lại ở Tây Nguyên hiện nay.