Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai các cấp

NDO -

Ngày 10/6, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do ông Trần Quang Hoài, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra và làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác phòng, chống thiên tai năm 2022.

Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kiểm tra tiến độ dự án Cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão. (Ảnh: HN)
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài kiểm tra tiến độ dự án Cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão. (Ảnh: HN)

Cùng đi với đoàn công tác có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và đại diện các sở, ngành liên quan.

Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai đã có buổi đi kiểm tra tiến độ, kế hoạch lắp đặt các thiết bị quan trắc tại Dự án cảng cá Thuận An kết hợp với khu neo đậu tránh trú bão tại phường Thuận An (thành phố Huế).

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế, tiến độ của dự án đến nay các hạng mục đã hoàn thành và cơ bản hoàn thành như nạo vét khu neo đậu, luồng chạy tàu đạt 98,4%; bến cập tàu và đường công vụ thi công đã hoàn thành; đê chắn sóng phía tây và mũi thuyền đã thi công hoàn thành đúc và đóng cọc bê-tông.

Hiện nay, các đơn vị đang thi công bê-tông tuyến đê chắn sóng và mũi thuyền, khối lượng đã đạt 65% (chiều dài thi công đạt 343m/526m). Thời gian tới, đơn vị thi công sẽ tiếp tục nạo vét phần khối lượng còn lại, thi công bê-tông đê chắn sóng và một số hạng mục khác.

Dự án có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, giá trị thực hiện đến nay 180 tỷ đồng, đạt 92%.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Đức khẳng định, dự án với mục tiêu bảo đảm quy mô để tàu cập bến và xuất bến đạt công suất tối thiểu 20.000 tấn/năm, bảo đảm các tiêu chí kỹ thuật theo quy định của EU.

Cảng đáp ứng nhu cầu neo đậu và tránh trú bão cho 500 tàu thuyền các loại có chiều dài từ 6m trở lên và tạo điều kiện cho việc huy động nguồn vốn xã hội hóa.

“Với mục tiêu đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thi công sẽ hoàn thành công trình trước 30/6. Riêng hạng mục đê chắn sóng phía tây và mũi thuyền đã yêu cầu đơn vị thi công cố gắng để hoàn thành trước 30/7/2022”,  ông Đức cho biết thêm.

Tại buổi kiểm tra, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, tỉnh đang tập trung đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ sản xuất các địa phương tuyến biển; trong đó, có dự án cảng cá Thuận An. Do vậy, yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, xây dựng công trình bảo đảm chất lượng và nhanh chóng hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án, phục vụ ngư dân trong công tác neo đậu tàu thuyền, tránh trú bão.

Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai cũng đã đề nghị phía Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế sớm triển khai lắp đặt hệ thống camera trên bờ, thiết bị quan trắc gió, đo sóng biển bố trí ở các hạng mục của công trình, kết nối với hạ tầng hệ thống đô thị thông minh nhằm phục vụ công tác phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn.

Nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai các cấp -0
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai làm việc với UBND tỉnh về công tác phòng, chống thiên tai năm 2022. (Ảnh: NM) 

Nâng cao năng lực cho lực lượng phòng, chống thiên tai 

Cùng ngày, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai do Phó Trưởng ban Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai làm trưởng đoàn làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác phòng, chống thiên tai năm 2022.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh khẳng định, công tác phòng, chống thiên tai luôn được tỉnh xác định là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên. Tỉnh đã nỗ lực, huy động mọi nguồn lực, triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh, đã chỉ đạo lồng ghép, huy động mọi nguồn lực, các dự án, đề án thực hiện các nội dung về phòng, chống thiên tai.

Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” tại các địa phương. Sẵn sàng phương án huy động vật tư, phương tiện; tổ chức sơ tán dân, bảo đảm an toàn khi có thiên tai xảy ra. Tích hợp sử dụng, kết nối các hạ tầng hệ thống đô thị thông minh, hệ thống thông tin địa lý GIS Huế, ứng dụng phản ảnh trực tuyến Hue-S góp phần nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh đã đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia, các bộ ngành quan tâm hỗ trợ kinh phí tiêu úng, sửa chữa các công trình thuỷ lợi nội đồng cho các địa phương để ổn định sản xuất.

Ông đề nghị Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tiếp tục hỗ trợ phương tiện, vật tư cho các lực lượng quân đội, công an, các đơn vị và địa phương nhằm chủ động ứng cứu tại chỗ khi thiên tai xảy ra.

Tăng cường hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, lắp đặt hệ thống quan trắc cảnh báo thiên tai, nhất là lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, trước hết là tại các đơn vị, địa bàn trọng điểm có nguy cơ sạt lở.

Về lâu dài, tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ xây kè chống sạt lở bờ biển, bờ sông với tổng mức kinh phí khoảng 440 tỷ đồng. Nâng cao an toàn 12 hồ chứa nước, đập còn lại trên địa bàn tỉnh với kinh phí 245 tỷ đồng.

Đầu tư nâng cấp đập Cửa Lác ở hạ lưu sông Ô Lâu với kinh phí khoảng 600 tỷ đồng. Nghiên cứu bổ sung thêm giải pháp giảm lũ cho lưu vực sông Ô Lâu giữa hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế bằng biện pháp đầu tư công trình phân lũ từ sông Ô Lâu đổ ra Cửa Việt (tỉnh Quảng Trị).

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai của tỉnh, đặc biệt ghi nhận kết quả mà tỉnh đã đạt được là địa phương đứng đầu toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai năm 2021. Địa phương đã bảo vệ tốt cho sản xuất và sinh hoạt đời sống của người dân.

Tổng Cục trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai cũng đề nghị UBND tỉnh và các sở, ngành quan tâm, bố trí kinh phí cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng và nâng cao năng lực cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai các cấp.

Ông Trần Quang Hoài đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương cần rà soát, bổ sung và xây dựng mới các kế hoạch, phương án ứng phó với các loại hình thiên tai ứng với các cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn.

Xây dựng các bản đồ sạt lở, bản đồ rủi ro thiên tai, thường xuyên kiểm tra, duy tu bảo dưỡng công trình giao thông, đê, kè. bảo vệ bờ sông, bờ biển...

Trước mắt, thực hiện tốt công tác chỉ đạo vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hương; cần chú trọng thực hiện tốt việc cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại các điểm sạt lở, đưa thông tin trên các phương tiện thông tin truyền thông để người dân biết và chủ động phòng tránh.

Liên quan đến các đề xuất của địa phương, Đoàn kiểm tra ghi nhận và sẽ báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết.

Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định hỗ trợ khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai năm 2021 cho tỉnh Thừa Thiên Huế với kinh phí 60 tỷ đồng. UBND tỉnh đã giao kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2022 (đợt 1) cho 2 dự án đủ điều kiện, gồm dự án Kè chống sạt lở khẩn cấp đoạn Thuận An-Tư Hiền và Công trình xây lắp đoạn 140m kè chắn cát phía nam cửa biển Thuận An với tổng số kinh phí 50 tỷ đồng. Đối với phần vốn 10 tỷ đồng còn lại, UBND tỉnh đã sẽ phân bổ cho dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ biển đoạn qua xã Phú Thuận (huyện Phú Vang).